Thứ Ba, 11 tháng 3, 2014

11- Trở lại Vùng ven

11.TRỞ LẠI VÙNG VEN (4/2006)

Tình cờ, VTV3 mời tôi làm nhân chứng cho chương trình "Bài ca chiến thắng" nhân kỷ niệm 30 năm ngày toàn thắng (30/4/2005). Thật không may, đúng sau cái đêm vết thương tái phát co giật gần như thức trắng,  tôi gắng gượng đến trường quay S9 VTV với khuôn mặt tái nhợt, (vì trót hứa với Biên tập viên Hoàng Trang đến tận nhà mời)... Bởi đang đau trong người, tôi như ngồi trên chảo lửa, chỉ mong nhanh chóng kết thúc chương trình. Ai ngờ kéo đến gần 3 tiếng đồng hồ có khổ thân không chứ. Trộm nghĩ , đen thế không biết, trăm năm mới có một lần được phỏng vấn trên truyền hình toàn quốc mà lại bị đau thế này, sức đâu để  trả lời tỉnh táo đây.  Chỉ có một câu hỏi, làm tôi nhói đau bởi hoàn cảnh không thể nói ra.
- Sao nhớ chiến trường thế, mà đã 30 năm rồi, chú chưa trở lại thăm nơi ấy?- MC hỏi. Chẳng lẽ nói cộc lốc một câu; Chú không có tiền đi thì ngượng chết.  Nên đành chữa thẹn rằng - Chú tin một ngày, có đủ điều kiện chú sẽ trở lại thăm chiến trường xưa! Trộm nghĩ, bọn trẻ ngày nay được học hành có khác, chúng toàn xoáy đúng vào chỗ cần xoáy. Chỉ có điều lão già ngại không nói thẳng thôi. Ngày xưa đi đâu, Ở đâu, nhờ dân đấy, có gì ăn nấy. Ngày nay … Khác lắm rồi!  Nghe nói “cơm tù” dọc quốc lộ 1 mà phát ớn. Không tiền lấy gì mà đi? Lại còn chuyện, ông bạn lâu ngày mới tìm thấy, nhà nghèo có mỗi con trâu là đầu cơ nghiệp, đập chết thịt liền đãi đồng đội. Biết chuyện, anh em lại phải quyên góp bốn phương tám hướng, trong nam ngoài bắc để cứu nguy …. Kể cũng ngại.
… Thế rồi, thấm thoắt đã tròn một năm qua, cũng vào dịp 30 tháng tư năm sau (2006), tôi gom đủ tiền  "Trở lại vùng ven" như đã chót hứa với truyền hình. Nhưng rồi sau lần ấy chẳng còn ma nào thèm phỏng vấn tôi nữa. Thế là tôi đành viết truyện “Trở lại vùng ven” này vậy…Sau nhiều lần dập xóa, viết đi sửa lại chưa hài lòng mà vẫn gửi cho Tuổi trẻ điện tử “Mãi mãi tuổi hai mươi” duyệt đăng liền. Nay tôi nắn nót lại đôi chút, góp vui cùng đồng đội E42 nghe…
… Con tàu tốc hành hướng nam đưa tôi trở lại vùng chiến sự hơn 30 năm trước. Ngày ấy, hằn học trên đầu là tiếng gầm rít của các loại máy bay quân sự mỹ. Rình rập dưới đất với những họng súng đen ngòm núp trong từng gốc cây, ụ mối. Tôi dán mắt vào cảnh vật lao qua vun vút để cố tìm ra một chút kỷ niệm xưa. Xa xa lút tầm mắt, non sông ta trải dài mênh mông, kỳ vĩ khiến lòng tôi nao nao khó tả. Con tàu còn mỏi bánh, vậy mà chỉ với đôi dép cao su, điều gì khiến chúng tôi xẻ dọc Trường sơn như huyền thoại thế vậy?  Phải chăng là sức mạnh kết tinh  từ ngàn năm xưa để lại. Tổ quốc tôi!... đất nước tôi tuyệt vời và đáng yêu biết bao. Có được phút gạt bỏ mọi ưu phiền thường nhật để thảnh thơi ngắm nhìn không biết chán nước non này, tôi cố liên tưởng hình bóng người xưa cầm gươm đi mở cõi với đồng đội tôi ngã xuống trong cuộc đấu tranh để giữ lấy dải đất này, nước mắt bỗng ứa ra. Chúng mày nằm đâu? Mấy thằng bạn của tôi? Lịch sử được viết thêm những trang vàng trong cuốn sử ngàn năm anh hùng xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước. Thương người xưa đi mở đất, xót bạn tôi đã hy sinh. Trở lại Nam bộ lần này, tôi quyết viếng thăm cả những người còn sống và đã khuất.
  Nơi đầu tiên là gặp mặt các bạn chiến đấu cũ nhân ngày họp mặt hàng năm của tiểu đoàn 10 pháo binh Miền đông, tại nhà đ/c Thịnh Trinh sát, gần Ngã ba Thái lan, Long thành trên đường Sài gòn - Vũng tàu. Hơn 30 năm mới gặp lại, chỉ còn biết ôm chặt nhau mà rằng: Còn sống là tốt rồi. Mong rằng bà con trong quán nước ven đường hiểu cho điều ấy; “Hai thằng già” ôm chặt nhau còn hơn cả tình nhân.  Giọt nước mắt nhớ về kỷ niệm dìu nhau trong lửa đạn, sốt rét tái từng cơn, bón từng thìa cháo, chia nhau từng hơi thuốc lá, mẩu sắn lùi. Tình cảm ấy, chỉ có những người lính, từng kinh qua cuộc chiến đấu một mất một còn mới hiểu được. Chúng tôi ôn lại quá khứ hào hùng của Tiểu đoàn, trải qua bao thăng trầm lịch sử chiến tranh. Tiểu đoàn ấy, bao nhiêu lần phải bổ xung quân số? Bao nhiêu lần đổi tên tách ra nhập vào…vv. Đại đội 3 sau trận đọ súng ven sông Bé (cuối 1969), B40 bóp cò kêu cái tạch, đạn thối không bay, xe tăng cán lên còn lại vài đứa. Rồi từ một đơn vị Pháo phản lực vác vai thuần nhất ( DKB-K33 thuộc E69- Pháo binh Biên hoà) chuyển dần thành tiểu đoàn hoả lực đa năng của binh chủng Đặc công  (D10 - 367)?  Bạn bè tò mò hỏi tôi chết rồi, sao sống lại?... Ôi đủ chuyện trên đời. Riêng có một chuyện được trao đổi rất nhiều, đó là trận “ Ma làm” sẽ kể lại riêng.
 Lưu luyến chia tay nhau, tôi tiếp tục đến thăm và cảm ơn vị Trung đoàn trưởng năm ấy, người ra lệnh dùng dao găm cắt nốt cái chân đứt dở để cứu tôi thoát chết trong trận đánh cuối cùng. Anh cùng gia đình đang sinh sống tại Phường Thảo điền Quận 2 TP HCM. Nghe anh kể, tưởng như mới xảy ra hôm qua. Anh nói :  nghĩ lại giây phút ấy là đầu mình lại nhức nhối vô cùng, tiếng gọi cầu cứu,  thất thanh: "Anh Bảy ơi... " như đặt cả niềm tin cứu sống vào người chỉ huy, vẫn còn như tiếng sét trong đầu anh. Nhìn thằng Chí, biết không sống nổi, nó mất cả mảng mông và cái đùi thì làm sao sống nổi...Ôm thằng Quế vào lòng, nhét bao nhiêu bông, gạc vào ngực mà máu vẫn cứ đùn ra. Là chỉ huy, biết chiến sỹ mình đau đớn trước lúc đi xa mà bất lực hoàn toàn, xót lắm mày ơi.  Những năm hoà bình, anh thường tập thiền nhưng vẫn không sao quên được. Lúc ấy đầu càng đau dữ dội. Tôi ăn với anh bữa cơm có măng “Le”. Ngày ấy măng Le thay cơm, nhưng bây giờ lại là đặc sản. Có thể anh đã thông báo cho một số anh em lập nghiệp ở trong này nên, sau khi chia tay anh, tôi có nhiều cú điện gọi đầu tiên của đồng đội cũ muốn gặp nhau. Như anh chàng Chu tây ngày ấy đưa tôi đi cấp cứu. Gần 12 giờ đêm rồi mà chuông tôi còn réo, oang oang tiếng anh ta: Nói địa chỉ chỗ mày đi !... Chỉ cần có địa chỉ thì nửa đêm ngóc ngách nào ở cái đất Sài gòn này, tao cũng đến được ngay bây giờ... Khuya lắm rồi thôi để lần sau đi, hết phép sớm mai phải về bắc rồi. Trung, nam, bắc có cả, đồng đội tôi ở lại Sài gòn lập nghiệp khá đông. Nhưng thời gian hạn hẹp, làm sao đến thăm hết được. Hứa thì hứa vậy chứ biết khi nào... lần sau đây? Một lần cũng đủ ốm lắm rồi… Nghĩ vậy mà lòng vẫn cầu mong, may ra có dịp nào đó … chúng nó còn sống cả…
Tạm biệt những người còn sống, tôi đến Đền Bến Dược Củ chi thăm người đã chết. Thôi, chẳng nhớ chính xác chúng nằm chỗ nào thì đến đây vậy! Chính nơi đây, tôi đang điều nghiên “Căn cứ Đồng Dù”, có điện gọi về gấp “kết nạp…”. Thắp nén hương chắp tay cầu nguyện. Ai đó thỉnh lên 3 tiếng chuông dõng dạc, ngân vang khu đền linh lặng. Không nén nổi xúc động, nước mắt tôi cứ thế trào ra. Người đến viếng đông lắm, nhưng sao im lặng, trật tự đến thế.  Có phải hồn liệt sỹ trên kia vẫn lặng lẽ chứng giám lòng biết ơn, sự ngưỡng mộ và nhìn lại chính mình của mỗi chúng tôi ? Cầu cho vong hồn các Bác siêu thoát, cầu cho hoà bình vĩnh cửu trên đất nước này. Hơn bốn vạn rưởi đồng chí đã ghi danh thành hàng, thành lớp trên kia, và còn bao nhiêu nữa, chưa tìm thấy hoặc chưa nhớ hết ? Vâng, đó là những anh hùng đã ngã xuống trong 2 cuộc kháng chiến, dành lại những gì cho thế hệ hôm nay đã có, đang có và sẽ có.
Ôi!... những cái mái cong như đình, chùa, miếu mạo thường có trên bao làng quê Việt nam. Nhưng độ bền vững, sự bề thế và trang trọng thì không đâu bằng. Tôi thầm cảm ơn ai ? đã bảo vệ nguyên trạng mảnh đất còn ghi dấu tích bom đạn này và tạo nên một quần thể đền đài thờ tự hồn liệt sỹ ngàn năm uy nghiêm đó.  Sông Sài gòn  hiền hoà lượn quanh phía sau gợi lại kỷ niệm của những lần vượt sông trinh sát. Ngày ấy " Bobo" của giặc rẽ sóng khạc đạn khét lẹt vào đôi bờ ẩn nấp, Trực thăng chiến đấu rà sát mặt sông, săn đón từng cụm Lục bình trôi tản mạn theo dòng. Vẫn khúc sông này Đồng đội tôi, những Ai lặng lẽ trôi cùng dòng máu loang không trở lại?...
  Cây đèn "Angcol" tự tạo lại đưa tôi đến một kỷ niệm khác - Rừng địa đạo Củ chi. Chúng tôi bước vào cửa rừng và thấy mấy chiếc võng đung đưa qua lại - Nhớ quá đi thôi, năm xưa chúng tôi cũng vắt vẻo như thế. Tôi tiến lại gần và thấy hơi khác một chút. Hồi ấy, chiếc võng nylon mỏng dính và chúng tôi mắc võng kiểu khác, đơn giản, nhanh hơn, càng nằm càng chắc chắn, nếu có "động", chỉ cầm 2 đầu dây giật mạnh, võng tự rời rất nhanh, tiện tay kéo luôn xuống địa đạo hoặc vừa bôn tẩu vừa cuộn võng lại. Vừa nói tôi vừa thao tác lại để mấy người cùng xem. Vào sâu trong rừng, một cửa hầm bí mật thời đó hiện ra. Có cậu sinh viên thăm quan tò mò đã tụt nửa người xuống địa đạo, hai tay giơ lên, miệng la to : không tụt được. Tôi đùa : Có mấy trái đại bác nổ trên này, chắc cả đoàn SV các cháu sẽ tụt hết xuống đấy trong nháy mắt thôi. Mọi người cùng cười vang vui vẻ... như chưa bao giờ được cười vậy. Ngày xưa các cô,  các chú cũng cười "đã" như các cháu vậy đó, nếu tổ quốc bị xâm lăng, màu cờ sắc áo bị lăng nhục, thì dù thế hệ nào cũng vùng lên kiên cường như vậy cả, lòng tự trọng đó đã ăn sâu vào máu dân nam ta rồi, các cháu à!
Trang phục của các cháu hướng dẫn viên làm tôi lại nhớ dáng người thiếu nữ ngày ấy đã hướng dẫn từng bước chân tôi đi tránh mìn gài dưới cỏ, dẫn tôi giữa lòng địa đạo tối thui. Nay em phiêu bạt nơi đâu? Ô kìa, tượng những người du kích trong bộ đồ năm ấy (tượng hay Ma nơ canh mốt thời thượng nhỉ?), vẫn cây đèn "nguéo", vẫn chiếc khăn rằn, tấm vải dù... đứng hiên ngang trong chiếc lều lợp lá hiện ra trước mắt. Hình như người thiết kế chương trình này đã đoán trúng tâm lý chúng tôi. May mắn, tôi ghé vào chụp vài tấm hình chung với các cô ấy làm kỷ niệm. Hồi đó, mang tiếng là cựu  trinh sát chủ lực Miền đông, nhưng đã vào đất Củ chi này thì phải theo chị em du kích, dẫn đâu đi đấy, chỉ đâu chui đấy, không hề biết cấu trúc tổng quát và phương thức an toàn như hướng dẫn cụ thể bây giờ. Nghĩ cũng phải thôi. Biết để mà các ông bô bô ra có mà chết cả lũ.
Những hố bom "đìa" chỉ còn sót lại trong rừng được bảo tồn, có một thời trên đấy trơn trọi là đất khô, khét tanh mùi máu và thuốc đạn. Nay cây đã lên xanh. Hàng tấn bom mìn được đào lên, vô hiệu hoá và gom trong các căn nhà mái lá dừa nước, làm lưu niệm. Trong vô số những mảnh bom đó, mảnh nào đã phạt đứt chân tôi? Câu ca năm ấy  " ...Cá nhớ đồng xưa về xây tổ mới, giữ trứng nuôi con trong từng hố bom đìa..."  khiến lòng tôi dâng lên một nỗi nhớ, thương, mủi lòng muốn khóc. Còn nhớ những nụ cười năm ấy, trong khói bom, vẫn hiên ngang không biết cúi đầu. Ôi đẹp làm sao! Cái đẹp của sự rắn rỏi, duyên dáng, diệu kỳ. Nếu còn phép, chắc hẳn, tôi sẽ ở lại đây một đêm để cảm nhận dư âm gió sông Sài gòn đung đưa từng nhành cây, ngọn lá, may ra có được giấc mơ  gặp lại người xưa…. Người con gái năm ấy đang cười với tôi kìa… Nhưng không thể được, tôi đang chạy đua để tìm lại ngày ấy của chính mình.  Có bao nhiêu bạn bè biết vẫn sống mà chưa gặp mặt? Bao vùng đất và con người đã cứu sống và giúp tôi vượt qua lửa đạn chiến tranh, vẫn chưa tìm thấy? Nhưng dù ít hay nhiều, tôi đã tìm lại vài hình ảnh năm xưa của chính mình. Trở về Hà nội với công việc mưu sinh hàng ngày, ghi lại cảm xúc của mình với đồng đội và mời các bạn trẻ " Mãi mãi tuổi 20" cùng nghe. Xin gửi khúc tâm tình này đến Huyện đội, ban quản lý khu di tích Bến Dược - Củ chi và xin trân trọng cảm ơn Đảng, nhà nước và các đồng chí " Đất thép Thành đồng". Mong các đồng chí giữ mãi danh hiệu bất tử ấy.


 Đức Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét