05. MA LÀM
(1970 - Tự truyện - Đức Long)
Tháng tư năm 2006, tôi vào nam gặp những người bạn chiến đấu
năm xưa, thuộc Tiểu đoàn 10 pháo binh miền đông nam bộ. Nghe điện xong, anh ra
đón tôi. Nhận ra anh từ xa nhưng tôi cố giả bộ như người dưng lẫn vào đám đông ở
quán nước giải khát bên đường. Nào ngờ, vừa dựng xe xong, chỉ một cái liếc mắt,
anh chạy ngay đến ôm chầm lấy tôi, mắt đỏ hoe, tủi mừng, đập đập vào lưng nhau
thùm thụp (Ông Trần Thịnh, Chủ nhiệm Trinh sát E42-1973 của tôi đấy). Còn khoảng
2km nữa mới vào đến nhà anh (lối vào trường sỹ quan Lục quân 2, gần ngã ba Thái
lan, Sài gòn - Vũng tàu). Vừa đi anh vừa thăm hỏi khiến tôi líu lưỡi không kịp
trả lời. Hồi hộp quá. Kể từ ngày chia tay nhau trên đất Chùa tháp (1970) có đến
hơn ba mươi năm rồi còn gì. Trước cổng nhà anh, một băng rôn chữ vàng trên nền
đỏ, nơi họp bạn chiến đấu tiểu đoàn 10 pháo binh đông nam bộ, nhân kỷ niệm 30
tháng tư, ngày giải phóng hoàn toàn miền nam. Ngoài sân, đông quá trời. Chưa kịp
nhận ra ai với ai thì một người đứng góc kia gọi thất thanh: Anh Long ơi, còn
nhớ em không? Tôi còn đang ngây ngô thì anh ta tiếp luôn: Anh có nhớ lần bị
T.T.T chiêu hồi, dẫn lính Mỹ vào đánh bọn mình không?.. Có lẽ Thịnh cũng như
tôi, chuyện cố quên nhưng không sao quên được, nó cứ chập chờn trong giấc ngủ,
cơn mê. Nay gặp bạn cùng cảnh ngộ xưa ấy thì bật ra không nén được.
- Ai mà quên được chứ! Nó vồ trúng phóc tụi mình, tôi trả lời.
Cậu béo, đen hơn xưa nhiều quá, tớ không nhận ra. Chú Thịnh (thông tin tiểu
đoàn) cứ thế mà kể lại. Hấp dẫn đến nỗi tưởng như việc mới xảy ra hôm qua. Lần
lượt nhận ra nhau, chúng tôi chuyện trò râm ran hơn cả chợ tết. Ngày ấy, chúng
tôi cùng chiến đấu bên nhau, trong một đơn vị. Tiểu đoàn K33 trung đoàn 69 pháo
binh Biên hòa miền đông nam bộ. Nâng ly bia mừng ngày toàn thắng, lại nhớ cái
ngày thiếu muối, đói cơm, những thằng bạn còn nằm lại đâu đó trong rừng sâu.
Cái ngày chia gian, sẻ khốc, cơm củ rau rừng cheo leo nơi vách núi, lặn ngụp dưới
khe sâu. Cái chết chỉ cách nửa sợi tóc kề bên mà vẫn bình thản, tự tin rằng cuối
cùng mình sẽ thắng. Để sống sót, chúng tôi biết đổi màu như những con Kỳ nhông,
lẫn mình vào gốc cây ngọn cỏ của núi rừng xác xơ màu chất độc da cam. Kinh nghiệm
từ trận đầu Lệ thanh (23/8/67) đầy nước mắt, khiến chúng tôi biết đánh thật
nhanh và rút còn nhanh hơn. Dạn đòn sau từng trận đánh, chúng tôi lớn lên theo
năm tháng và sáng tạo mọi cách đánh, mong lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh.
Vậy mà lúc ấy vẫn đố ai đoán nổi chữ “Ngờ”. Bị nó “vồ” mới nhận ra mình ngu
lâu quá . Chuyện xảy ra khoảng giữa năm 1970, tại căn cứ Bầu cạn trong (đông rạch
Bé khoảng một cây số) vùng Đồng xoài - Phước. vĩnh. Phía Mỹ có quân số vượt trội,
kỹ thuật công nghệ cao, hỏa lực phi pháo mạnh, với chiến thuật đón lõng dàn dựng
khá công phu, họ chắc mẩm, phen này sẽ diệt gọn Việt cộng. Xin kể, các bạn cùng
nghe nhé.
Một tuần trước, sau trận tập kích vào căn cứ Mỹ ở Phước Vĩnh,
tám đồng đội chúng tôi mất tích chưa về.
Vẫn như mọi khi, đánh xong là chúng tôi ẩn mình về một căn cứ
chìm dưới lòng đất, trong một khu rừng chất độc hóa học khô cằn, ém quân chờ
đánh tiếp. Nơi ấy được nghi binh và ngụy trang khá tinh vi, bởi mỗi lối rẽ từ
đường mòn phân khu đông tây, phải đi qua 2 căn cứ cũ đã bỏ hoang, có đoạn phải
lội dọc suối để xoá dấu mòn. Những chiếc hầm, nắp làm bằng cây lấp đất. Trên
nóc hầm xếp những cành cây khô như rơi, đổ tự nhiên. Bếp ăn chìm, không bốc
khói ban ngày, tránh lộ sáng ban đêm. Mỗi sáng thức giấc, lá và cành khô được gẩy
thêm vào đường mòn nội bộ. Như thế, có thể che mắt cả máy bay soi mói trên cao
và thám báo trà trộn dưới mặt đất. Vì ngụy trang rất tốt, nên sau mỗi trận
đánh, Địch chẳng biết chúng tôi núp ở đâu. Sau khi phản pháo tức thì tại trận địa,
chúng nghi ngờ, ném bom B52 vu vơ, xa tít trên Mã đà, Rừng K20 (vùng tây nam
khu du lịch Cát tiên ngày nay). Lúc này tại phước vĩnh, đơn vị chỉ còn lại Tiểu
đoàn bộ và 2 đại đội thiếu (C2+C3) đóng cách đây khoảng 2 đến 3 cây số, tung ra
những cú pháo kích bất ngờ vào một căn cứ lớn của quân đội Mỹ đóng tại Phước vĩnh.
Ngoài mục đích tiêu hao sinh lực địch còn thêm một ý nghĩa khác là vả vào cái mồm
tâm lý chiến của địch (đã đẩy hoàn toàn VC sang bên kia biên giới sau mậu
thân). Gần hai năm nay, Địch truy tìm nơi xuất phát những cú đánh bất thần ấy vẫn
không ra. Chúng nảy kế bóp chặt dạ dày chúng tôi bằng cách chặt đứt đường hậu cần
49 trên Bù Đốp, Bù Đăng tiếp tế xuống đây. Thế là, bữa no bữa đói khốn khổ. Gạo,
muối chỉ là thứ thuốc dùng để cấp cứu khi có anh em nào đó bị đói lả. Chúng tôi
đào củ (củ Nho, củ Chụp, củ Mài), hái lá rừng (Bép, Bướm) và săn bắt thú để sống.
Tuy vậy vẫn bất ngờ pháo kích tiêu hao chúng. Chuyện ấy cho đến nay rất ít người
biết đến. Sau khi tám đồng đội mất tích, có tin, tụi Mỹ bắt được một người của
ta quấn băng trắng trên đầu (có thể bị thương), chúng cách ly hoàn toàn với người
Việt kể cả với sỹ quan Ngụy. Cơ sở ta chỉ nhìn được từ xa. Và sau đấy, địch có
động thái khác thường. Ngày nào cũng vậy, chiếc đầm già L19 lượn lờ suốt ngày
tít trên cao, cứ như lấy chỗ này làm tâm điểm vậy. Thỉnh thoảng B57 đột ngột cắt chéo ngang, dọc rất thấp trên đầu, như để kiểm
tra đánh dấu cái gì đó. Nửa đêm bất chợt làm một tiếng "xẹt" của phản
lực siêu thanh bay rất thấp, kèm theo tiếng nổ và những ánh chớp chụp ảnh sáng
lòa. Pháo cầm canh thường nhật cũng im bặt. Đêm đêm, rờn rợn như có Ma nhìn trộm.
Lính tôi thì thầm : Lộ rồi! Phi cơ địch đã đánh dấu "nhân" lên đầu
mình rồi! Người Mỹ đang ráo riết thiết kế chương trình vồ gọn chúng tôi rồi
đây. Thấy vậy, tôi và anh Lợi (Tác chiến) hội ý thống nhất và kiên trì thuyết
phục Thủ trưởng cho chuyển Cứ ngay. Cảnh giác không thừa. Từ đầu xuân 69 đến
vùng này, mỗi lần ngờ bị lộ là chuyển Cứ liền. Sao lần này lại không? Xưa nay,
những người đánh trận về muộn vẫn tìm được cách hợp đàn cơ mà. Tám người mất
tích, cứ cho là còn sống cả đi, thiếu gì cách hợp đàn! Trừ khi Họ đã chết hoặc
bị địch bắt. Tiếc rằng lời khẩn khoản của chúng tôi không được chấp nhận! Ông
phê chúng tôi khá nặng: Các cậu chỉ đa nghi, không tin đồng đội mình. Nhưng rồi
sau đó Ông kéo đ.c cần vụ (Liên lạc TĐ) lặng lẽ rời khỏi nơi này với lý do đi
kiểm tra các đại đội. C2 mới chuyển cứ, ông biết đâu mà đến. Chỉ còn C3 cách đấy
khoảng 3 Km chưa chuyển vì ở đó không thấy gì khác thường. Lúc cần Ông nhất,
thì Ông bỏ đi.
Xin dành một chút để nói về vị Thủ trưởng đáng nể của chúng
tôi. Đầu năm 70, khi Ông mới bước chân về thay Anh Thanh chỉ huy tiểu đoàn,
không hiểu sao lính tráng đã hù nhau: Đi với “Bố này” đen lắm. Phong cách chỉ
huy của ông giống như vị Tổng tư lệnh “Phương diện quân” thời Hồng quân Liên xô
phản công Phát xít Đức. Trải tấm bản đồ tỷ lệ 1:50.000 cho chúng tôi mục kích.
Tay Ông cầm cây bút chì dầu khoanh những vòng tròn, vạch những đường chéo vào
cái chỗ ông chưa từng đến bao giờ. Nhìn vào đấy, Trinh sát Tiểu đoàn và Chỉ huy
đại đội cần khéo léo tiếp cận, phới hợp với nhau trên thực địa mà đánh. Còn
đánh đấm ra sao, Ông không quan tâm chi tiết. Thường lúc chúng tôi ra trận là
lúc ông vắt vẻo, đu đưa trên chiếc võng nilon ở căn cứ, mở đài BBC chờ nghe kết
quả. Không thấy địch kêu la, Ông phê nhẹ các cậu đánh chưa trúng rồi. Thấy địch
thiệt hại nặng, Ông nở nụ cười nửa miệng ra điều công Ông sáng suốt. Sau đó,
Ông báo cáo cái gì đó lên cấp trên ở biên giới bằng mật mã 15W thì có trời mà
biết. Vì biên giới cách xa đây 7 ngày đường chưa chắc tới mà…
… Tiếp nhé!…Ông đi rồi... Chúng tôi chẳng thể làm gì hơn là
tự nai nịt trong tư thế sẵn sàng chờ chuyển Cứ. Mong Ông hơn mong Mẹ về chợ, vì
chỉ ông mới có quyền phát Lệnh chuyển cứ thôi. Tiểu đoàn hết sạch Tiểu đoàn phó
rồi, còn mỗi Ông chính trị viên mới bổ xung thì lại ở tít xa trên Tecnick với Đại
đội 1. Ở đây, chỉ còn Ông là to nhất và chúng tôi là bé nhất. À quên, có một vị
cán bộ chính trị của cấp trên vừa chân ướt, chân ráo xuống đây động viên, chưa
nắm được thực tình nên cũng đành để Ông nói sao nghe vậy.
Trưa hôm ấy, vẫn như thường lệ, chúng tôi ngào bột mì chay
vo viên, chưa kịp luộc. Bỗng một tiếng rít xé không gian réo qua đầu, nổ cách
khoảng 200m... Quái lạ pháo đâu nhỉ?... hướng tây làm gì có pháo địch? nghĩ bụng,
không lẽ pháo ta tương nhầm? - Tôi quay sang thăm dò anh em. Bên Phước sang có
thêm chốt Mỹ mới à? Họ lắc đầu... Còn đang đoán già đoán non thì lại “Ục” tiếng
Đepa thứ hai, chưa qua đầu nổ hướng tây phía suối tắm giặt. Chiếc L19 bé xíu,
tít tắp trên cao đang nghiêng nghiêng chỉ trỏ. Linh cảm chẳng lành, tôi buột miệng;
chết cha rồi!... vì chợt nghĩ, chính nó đang hiệu chỉnh bắn. Cùng nghề Đại bác,
không lạ gì nhau. Im ắng khoảng 5 phút. Bỗng không gian tối sầm trong những tiếng
nổ tập hỏa, dồn dập, chồng chất lên nhau. Khói bụi mịt mù, mảnh pháo, đất đá
văng tứ tung, cây đổ rào rào và bốc cháy….
Không kịp rồi! Địch bắt đầu thực hiện “Cú vồ” mà chúng đã chuẩn bị khá kỹ
trước đó. Anh Lợi lẩm bẩm khổ quá, vẫn còn 2 khẩu DKZ hỏng dưới đại đội mang
lên chưa trả được Quân giới, đang phủ tăng trong hầm kia kìa, biết làm sao bây
giờ? Chúng tôi cùng thở dài ngán ngẩm…
Pháo tối tăm chừng 30 phút thì khựng lại. Lừ lừ, một chiếc
“Óc nóc” (Trực thăng trinh sát. Sau 71, không còn ai thấy loại này nữa) bay đến! mọi người nghếch cái tai điếc pháo lên nghe.
Đúng...đúng rồi, Nó kia ! một cậu lính mới vừa chỉ vừa nói. Tiếng loa phóng
thanh trên cao vọng xuống, càng ngày càng rõ: Các chiến binh cộng sản Bắc việt
nghe đây! các bạn đang trong vòng kiểm soát của quân lực Hoa kỳ, nếu bỏ chạy,
các bạn không thể thoát chết! hãy vẫy cái gì đó nếu các bạn muốn đầu hàng,
chúng tôi sẽ ngừng bắn và có đủ Trực thăng để đón các bạn.vv…. À ra, chúng còn
biết chính xác quân số của chúng tôi đến vậy đó. Trên trực thăng, Cạnh khẩu đại
liên bên nách cửa trái, có một tên “đầu quấn băng trắng” đang chỉ chỏ. Chợt
liên hệ đến tin tức của cơ sở ta mới báo, tôi đã nhận ra hắn là ai. Tuần trước
anh ta vẫn là đồng đội, dưới quyền tôi mà. Tiếng gọi hàng vừa dứt thì một đàn
trực thăng vũ trang khác kịp đến. Chúng lượn quanh trên đầu vài vòng, rồi nã xuống
như mưa. Xa xa, ba hướng khác đều có tiếng động rầm trời của Trực thăng đổ quân
cấp tập.
- Đ Mẹ ! Có tiếng chửi bậy : ... đầu hàng à, xuống đây chơi
cùng chơi!
- Đặt tay ngang miệng cậu ta, Tôi nói: Im… ! Rơm!... Chúng
chặn hết phía sau rồi ... Với kinh nghiệm, tôi biết địch đã đổ khá nhiều quân
bao vây, và đón lõng sau lưng chúng tôi. Nếu mình chuyển cứ trước, thì chắc
chúng chỉ diễn trò này một mình. Hơn một tuần thăm dò “quá thừa” bằng chứng rằng
VC vẫn còn đây mà! Có điều khó hiểu, với trình độ công nghệ cao, sao chúng lại
kéo dài thời gian chuẩn bị quá lâu và lộ liễu đến vậy? Hay còn một tác nhân nào khác muốn chậm lại
quá trình tấn công để ngầm mách bảo chúng tôi chuyển cứ nhanh đi? Có thể lắm chứ?
Vì trong hàng ngũ đối phương thường có tình báo ta mà. Nếu quả vậy thì sự chủ
quan của chúng tôi đã phụ lòng họ mất rồi.
- Bắn chán chê, chúng lại gọi hàng. Không thấy dưới đất động
tĩnh gì thì bay đi. Phản lực F5 kịp đến, nối đuôi nhau nhào xuống đánh bom. Hết
bom đến pháo. Hết pháo thì nã đại liên. Hết đại liên lại gọi hàng. Sau mỗi lần
tung cậy gậy vụt xuống, chúng lại đưa ra
củ Cà rốt, mời gọi ngọt ngào, dọa dẫm. Cứ chu kỳ đó diễn đi diễn lại không ít
hơn 3 lần.. Dưới đất, chúng tôi vẫn lặng thinh và chẳng có ai làm sao cả. Thế mới
biết hầm hố chúng tôi tuyệt vời đến mức nào. Còn nhớ, lần nhìn rõ nhất, tôi bấm
vào lưng Hưng rồi chỉ lên tên quấn băng trắng trên trực thăng. Có lẽ Hưng đã nhận
ra. Đích thực chúng tôi bị phản bội rồi!... Nhưng lúc ấy, chuyện kinh thiên động
địa, nào ai dám nói gì. Vì chính ông đã đeo chữ “đỏ” lên ngực anh ta (người từng
làm nên một vài “Trận” cho Ông có công báo cáo lên trên).
- Đổ quân ở Bàu cạn rồi! Tôi hét to cho những cái tai điếc
bom nghe rõ. Sau lưng, đường rút về chiến khu K20 cũng bị đón lõng cả rồi.
- Sao anh biết ?
- Tôi mách, nghe kỹ nhé: tiếng động cơ “bình bịch” nặng trịch
lúc xuống và “bành bành” rất nhẹ lúc lên là đổ quân và ngược lại là bốc quân. Rồi
dặn đi dặn lại: Thật im ắng, giả bộ mình đã chuyển Cứ rồi. Nêú nó vào sớm thì
nhìn thật rõ mới đánh. Bắn dè đạn thôi nhé! đẩy nó ra là chính. Cố cầm cự đến
chiều xế bóng là vô tư đi. Từ kinh nghiệm, tôi biết Bộ binh công tử Mỹ không
tác chiến ban đêm, chúng thường chốt lại cuộc hành quân vào khoảng bốn, năm giờ
chiều. Vì chúng rất sợ đấu súng bộ binh trong rừng. Chúng to con, trang bị cồng
kềnh, dễ dính đạn lắm. Hơn nữa tiểu liên AR15 không thể xuyên qua thân cây nhỏ
như AK47 của chúng tôi. Chúng dựa vào hoả lực Phi, Pháo là chính. Nhưng hoả lực
thường mù vào ban đêm. Màn đêm buông xuống là nỗi sợ hãi bao trùm đám lính bộ
binh dã ngoại (thèm lắm cũng chỉ dám ngậm vài lát thuốc lá). Và ngược lại, mặt
trời lặn mang đến sự sảng khoái, chủ động cho chúng tôi. Tình thế ngàn cân treo
sọi tóc thế này mà quân tôi hầu hết lại là lính trẻ từ Bắc mới vào thế chỗ những
anh em cũ đã hy sinh, nên còn non lắm. Vả lại, đâu có nhiều đạn bộ binh, chẳng
có quả mìn, trái lựu đạn và khẩu B40
nào. Nhận được trái đạn Pháo nào, là chủ động tương hết vào căn cứ Mỹ rồi. Hơn
nữa nếu còn nó thì lúc này cũng đành bó tay. Vì điểm hoả, dây dẫn và kíp mìn cũng
không có cơ mà.
Tôi đoán, nếu đổ quân ở đấy thì giờ này chưa thể đến đây được.
Nào ngờ những chu kỳ bom pháo, gọi hàng vừa dứt, chiếc "óc nóc bay nhỏ
xíu” đã dẫn lính đến ngay bên sườn chúng tôi. Rừng hóa học chỉ còn trơ cành ít
lá, trực thăng dẫn đường không mấy khó khăn... gần đến nơi, có thể chúng không
theo đường mòn, mà cắt rừng đề phòng bị phục kích. Tiếng động cơ kêu
"o..oo" như đứng tại chỗ, xoay đi xoay lại hướng dẫn tụi lính lọ mọ
dưới mặt đất. Có lẽ chúng còn phải bò, toài qua những thân cây pháo đốn đổ ngổn
ngang. Còn lý do nữa, dại gì mà vào trước ăn đạn sớm. Đánh động từ từ xua VC tự
bỏ đi, đỡ phải chết. Chắc chúng không hiểu, trống trải quá làm sao VC chúng tôi
thoát ly công sự được. Phải chờ nhá nhem lặn mặt trời đã chứ! Biết Hồng ngoại máy bay khó bám theo mục tiêu
di động trong đêm, nên chúng tôi mong lắm, hoàng hôn sẽ bịt mắt chúng lại. Tất
cả AK bật khoá an toàn chờ nổ súng. Sự chờ đợi tưởng như đứt thần kinh vì trời
vẫn còn sáng lắm. Vọt lên khỏi hầm bây giờ, khác nào làm bia cho Trực thăng vũ
trang bắn tập. Phải bám chặt lấy công sự này chờ tầm nhìn hạn chế đã. Những
Trinh sát viên có thâm niên chiến trường đều có thể nhận biết : Phía hậu tuyến
của chúng tôi đã bị phong toả và ở đó, cái chết đến bất cứ lúc nào. Trong tình
huống bị bao vây, thì hướng giặc tới là nơi có nhiều lỗ hổng nhất. Phía sau
lưng là nơi giặc để ý đón lõng, phục kích dày đặc, cực kỳ nguy hiểm. Hiện tình
này thì chắc chắn chúng đã chặn đường rút sau lưng. Lúc đám Biệt kích mặt đất đến
sát chúng tôi cũng là lúc trời đã nhá nhem hạn chế tầm nhìn, không quân ngừng
hoạt động. Pháo địch cũng không dám bắn gần. “Cần vụ” của Thủ trưởng quay vào
đón đồng chí cán bộ động viên cấp trên và
số anh em anh nuôi, cơ yếu, quân giới, hậu cần vv… rút về tuyến sau, cái
tuyến mà chỉ có may mắn mới cứu sống được họ. Không gian yên tĩnh trở lại. Lúc
này, chúng tôi mới nhìn rõ mặt nhau. Lọ lem, đen nhẻm hết cả rồi, cứ như vừa
chui trong ống khói ra vậy. May mắn chẳng thằng nào sao cả. Hầm hố chúng tôi
hơi bị tốt đấy. Còn lại, trong căn cứ (nếu không nhầm) chỉ có 6 Trinh sát là
tôi, Hưng, Phú, Hải, Thuần, Hiến và một vài anh em của Trìu thông tin (trong đó
có Thịnh thông tin đấy). Họ là số ít những con mắt, cái tai còn sót lại của tiểu
đoàn, sau hai năm chiến đấu ác liệt ở vùng này. Không lẽ truy điệu nốt sao? Tay không bắt giặc là không thể vào lúc này. Vậy nên tùy
cơ ứng biến thôi.
Chắc chắn, Địch đã chốt lại bên ngoài chờ sáng sẽ tấn công.
Tôi cứ thẳng lưng kéo Hưng tới chỗ Trìu để tính cách lách kẽ hở của địch thoát
ra… Thoát khỏi vòng mới chủ động được. Thật không may là đúng lúc đó có tiếng động,
phía bếp hậu cần.... Một dáng người thấp lùn đầu đội nón sắt hay mũ cối gì chưa
rõ vén cành le trước mặt, dò dẫm định bước vào. Lính Mỹ mò rừng vào lúc trời đã
quáng gà là chưa có tiền lệ. Tôi đang bán tín bán nghi, cố căng mắt để nhìn kẻo
bắn nhầm thì đột ngột một loạt đạn bất thần nổ. Từ chủ quan đến bị động diễn ra
trong chớp mắt. Tôi và Hưng bật ngửa người lui lại vì hai tôi đang đứng trên
khơi, không công sự. Rồi khom lưng, cảnh giác từng bước quay ra hướng Thông
tin. Thói quen bắn xong là phải biến
ngay khỏi đó. Tưởng cánh của Trìu cũng vọt lên bám theo. Nhưng họ không theo kịp!
Lúc quay lại tìm thì họ đã rẽ lối nào không rõ. Thế là chiến sự đã tách chúng
tôi thành hai nhóm. Ý định chơi lại khi thoát vòng vây mới nhen nhóm trong lòng
không thành. Tôi vẫn còn giấu một trái DH10 để đánh cá ngoài rạch Bé. Ra ngoài
may ra kiếm được quả gia láng mỹ tháo kíp nổ gài lại bọn chúng.
Trời tối đen như mực,
quay lại hầm Trinh sát, chúng tôi mò mẫm vét nốt số bột mỳ ngào dở hồi trưa
mang theo. Rồi nhẹ nhàng, không tiếng động thoát ra vừa đủ sát sau lưng Địch
thì dừng lại để tránh pháo. Màn đêm tĩnh lặng, bụng đói cồn cào. Chui xuống chiếc
hầm nhỏ nướng bột mỳ lót dạ. Sạn, đất quá trời, vừa ăn vừa nhổ mà sao ngon đến
vậy. Nghe tiếng nổ xa xa phía trạm Ba Nhập thấy lòng nhói đau, ngỡ nhóm Trìu đã
lọt ổ. Nhói đau vì Trìu chỉ huy Thông tin nào có kinh nghiệm bám thắt lưng địch
như Trinh sát chúng tôi. Trìu đâu biết đang đưa anh em vào lưới đã giăng sẵn của
địch. Sau khi hợp đàn mới biết Trìu đá phải trái gài nhưng may mắn không chết
ai. Còn Phú rẽ hướng nào không rõ nữa chứ. Anh ta lính mới, trắng nõn như trứng
gà bóc. Chừng gần một tuần sau, cậu ta mới tập tễnh mò về.
-Em cứ mò mẫm kiếm đồ hộp lót lòng quanh quẩn mấy bãi địch đổ
quân. Đủ cái ăn mang theo, em mới đi tìm anh, Phú nói. Lấy dây dù buộc cái chân
bị thương vừa đi vừa lấy tay kéo lên, cà nhắc, cà nhắc. Thương phát khóc lên được.
Chúng tôi đã là vật hy sinh, thí nghiệm thử thách lòng trung thành của con người
mà ông đã hết sức cưng chiều, dán lên ngực anh ta màu đỏ chói. Nhưng rồi cũng mừng
vì Phú đã trưởng thành, vận dụng tốt những bài đã học để tồn tại trong lòng địch.
Trở lại câu chuyện. Gần sáng rồi, hai tôi lui ra ngoài trước
lúc nhìn rõ mặt trời để tránh tầm nhìn của Trực thăng địch sắp đến...Quả thật!
chúng kéo đến rầm rầm. Nửa tiếng sau, tiếng bộc phá nổ liên hồi. Bọn lính Mỹ nằm
cạnh tôi đêm qua đã vào bên trong và đang đánh sập hầm. Chiếc cần cẩu quan tài
“Chinok” từ từ kéo 2 khẩu DKZ của chúng tôi lủng lẳng lên trời... Thế có tức
không chứ. Hai tôi lần theo suối Rạt tìm
du kích địa phương xin ăn. Chờ Địch rút hết, quay vào tìm vết máu quanh bếp
hoàng cầm nhưng không thấy gì. Có thể loạt đạn vội vàng hôm trước không trúng mục
tiêu. Hầm hố bị phá sập tan hoang. Dọc đường lên K20 tìm đơn vị, chúng tôi ghé
qua cứ C3 thấy không còn ai, suýt nổ súng nhầm vào cánh địa phương. Họ bám lượm
đồ hộp vương vãi trên các bãi đổ quân rồi vào náu tại đây... Một giao liên phân
khu kể lại: Sáng hôm ấy vượt từ bên kia lộ 14 về, thấy chúng đưa xe pháo rần rần đến khoảng hơn
một chục khẩu 105 dàn ngang ven đường, đang hướng nòng pháo về hướng này. Tụi
tui đi nhanh hơn, mong đến báo cho Tiểu đoàn mà không kịp. Mới tới cứ C2 cũ
(cách đó chừng 2Km) thì pháo tụi nó đã cấp tập réo qua đầu rồi. Nó “dập” quá trời...
- Người giao liên say sưa kể tiếp: sau đó, Trạm tôi (Ba Nhập),
bom cũng dập tan hoang ?...Mà cũng lạ, có một nhúm người, sao nó sài nhiều bom
pháo quá vậy. Phải chăng nó muốn hủy diệt các ông...?
- Không đâu! Nó muốn chúng tôi “chiêu hồi” đấy - Tôi cắt
ngang. Toàn pháo, bom ngòi tức thì thôi. Trước đây, có nhiều đêm đi điều
nghiên, bọn tôi vẫn thường gặp Trực thăng lập lòe như ma chơi giữa sông Rạt, gọi
đích danh tôi đưa anh em trinh sát "về với chính nghĩa quốc gia” sẽ được
thế này, thế nọ. Rồi lại dọa tôi "...nếu để anh em chết đói dần mòn trong
rừng là có tội lớn với cha, mẹ, vợ con họ ngoài miền bắc…” nữa đấy!
Lạ thật, rừng núi trùng điệp! Ai có khả năng chấm tọa độ chỗ
tiểu đoàn bộ chính xác đến thế nhỉ? Hẳn phải là người quen thuộc địa hình và có
trình độ trắc địa nữa. Giao liên các ông quen thuộc địa hình dẫn đường tốt,
nhưng còn chấm tọa độ trong rừng mà chính xác thế, thì khó đấy. Chỉ vài người,
đúng ra là hai người trong số chúng tôi đã từng làm việc này! Vì lý do nhạy cảm câu chuyện tạm ngưng tại
đây ....Hơn 2 năm sau, theo trung đoàn 64
từ Ph.Nongpenh về bao vây Thị xã Phước Long, tôi mới rõ " Cái người
quấn băng trên Trực thăng hồi đó" đang chỉ huy một nhóm Biệt động quân Sài
gòn trên đỉnh núi Bà Rá. Anh ta lén nối vào đường dây hữu tuyến của chúng tôi,
pha trò, thăm dò, chọc giận và thách đánh... Bên nhau mấy năm trời, làm sao tôi
quên giọng nói anh ta được! Không biết anh ta có nhận ra giọng tôi không? Vậy
mà vì chuyện nhạy cảm, tôi không ra mặt, hai bên chỉ bài kích, chửi đổng nhau
cho hả giận. Lần ấy chúng tôi phải rút
lui. Tôi cũng hơi buồn, tuy rằng, chuyện trận mạc, lui binh là lẽ thường tình.
Nhưng, chắc cậu ta đắc chí lắm.
Chuyện trò tốp năm, tốp ba đang râm ran, ly kỳ, nóng bỏng
thì khựng lại… Có tiếng vỗ vỗ tay thật lớn, tiếng loa Amply lạo xạo… Xin các đồng
chí tạm ngừng trao đổi, chút nữa vào bữa ta chuyện tiếp, giờ ta vào nghi lễ
chính. Thay vì chào cờ là lễ mặc niệm đồng đội đã hy sinh. Một vị được mời lên
báo cáo, nhắc lại chiến công của tiểu đoàn qua từng thời kỳ đánh giặc và động
viên mọi người phát huy truyền thống vv... Sau phần tài chính quỹ hội là vào bữa.
Chuyện lại râm ran quanh bàn ăn.
Ai biết vị T.T của ta bây giờ ở đâu không? Ai nhận được tin
tức gì của anh chàng T.T.T không? Nhiều câu hỏi đặt ra nhưng chẳng ai nhận được
tin gì về họ cả. Có người bảo nhắn tìm mãi chẳng thấy hồi âm. Chắc chết cả rồi
cũng nên. Nếu gặp lại thì ứng xử thế nào?... Cả hội bàn cùng im lặng …
Tóm lại, trận tập kích bài bản, tốn kém của lính Mỹ, cũng chỉ
đổi được 2 khẩu DKZ70 hỏng chờ thanh lý, một máy bộ đàm K63 và một vết thương
nhỏ trên mắt cá chân cậu Phú trinh sát đó thôi. Trong tình thế nó chủ động vồ
mình thì phải "chuồn". Binh thư vạn chữ, "Chuồn" lúc ấy là
chữ hay nhất. Chuồn trót lọt là thắng trận rồi. Nhiều lần đọ súng cùng lính Mỹ,
nhưng lần ấy là lần đầu tiên bị chúng “vồ” trúng phóc và cũng là lần cuối cùng
đấu súng trực tiếp với Bộ binh Mỹ... Thế mới biết, Mỹ giàu có thật! Ước gì
chúng mình có được một chút, chỉ một chút hỏa lực ấy thôi cũng có thể đảo ngược
tình hình chiến sự lúc bấy giờ… Ít lâu sau, vì thiếu muối, đói cơm, hết đạn dược,
hao mòn quân số, đơn vị rút lên biên giới ổn định lại đội hình. Tôi và anh Lợi
lên Ban tham mưu Trung đoàn 64 nhận nhiệm vụ mới. Trong buổi giao ban tại rừng
Tà Pao (CPC), người ta yêu cầu hai tôi tường trình lại vụ việc. Trước khi trình
bày, một ý nghĩ thoáng qua: Chắc báo cáo (mất Pháo) bằng “mật mã” của Thủ trưởng
có điều gì mâu thuẫn đây? Thật may, có Anh Lợi, xuất thân “Cơ bản”, cùng trình bày
với tôi. Chúng tôi đâu dám phê phán chuyện “tranh công, đổ lỗi” cho ai, mà chỉ
đùa vui sau cuộc họp là tại “Ma làm” đấy thôi. Chuyện xưa rồi! Nhắc lại nửa buồn,
nửa vui. Buồn vì Mất mát- Vui vì còn sống đến giờ và có chuyện để líu lo với
nhau. Mỗi lỗi lầm, mỗi mất mát là mỗi bài học. Có nhiều bài học đã thành kinh
điển, “Rút” kinh nghiệm mãi rồi, nhưng có tránh được đâu. Thôi thì an ủi nhau:
Thánh nhân còn có khi lầm lỗi cơ mà.
Nay vết thương đã lành. Nhắc lại để đừng quên chiến tranh là
thế đó. Tương lai là bạn, đoàn kết là sức mạnh chúng ta. Mẹ Việt nam luôn bao
dung nhân hậu! Vậy hãy coi mẫu thuẫn cũ chỉ là chuyện nhỏ, thì tương lai lớn mới
thật sự trường tồn. Anh em ta, nào ai thắng ai? Cái chính là chúng ta đã thắng
ngoại xâm, giành độc lập, thống nhất giang sơn, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, để
phát triển hòa bình…. Mỗi người mỗi câu sôi nổi trở lại. Cứ như thế cho đến khi
chia tay hẹn năm sau gặp lại. Riêng tôi với bác Thịnh TS thì còn nhiều chuyện dở
dang lắm. Vì thế nước mắt lại chảy… Hơn mười ngày lang thang, hết phép rồi. Phải
về thôi. Trên chuyến tàu tốc hành Sài gòn – Hà nội, tôi mới nhớ thêm một số đồng
đội nữa. Như chị Sáu y sỹ chẳng hạn. Chị từng sát lá Muồng
châu chữa bệnh cho tôi trong rừng Sa mát. Vậy mà lúc ấy không nhận ra nên chưa
nói được với chị một lời nào; Tiếc quá.
Còn nhiều đồng đội biết tin, mời gọi, biết đến ngày nào trở lại đây? ./.
Đức Long E42
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét