10. Vượn con đi bám địch (1970)
Tập hát cho đời trẻ lại nào đồng đội ơi!
http://www.youtube.com/watch?v=816nee8XORE
Tập hát cho đời trẻ lại nào đồng đội ơi!
http://www.youtube.com/watch?v=816nee8XORE
Chiều Sở thú, mấy chú vượn
đùa nghịch làm tôi chợt nhớ một bi kịch cách đây hơn 30 năm trước. Vào lúc quân
đội Mỹ hung hăng, tàn bạo nhất ở nam Việt nam. Chúng tôi pháo kích một căn cứ
lớn của chúng ở huyện lỵ Phước vĩnh và sau đó bị đánh trả, 8 chiến sỹ mình mất
tích. Căn cứ tôi bị lộ, Địch đổ quân bao vây, tấn công định bắt sống Tiểu đoàn
bộ (K33-E96-F75). Chúng tôi thoát vây vội rút lên căn cứ cũ trên K20 (tây
nam rừng Cát tiên ngày nay) nhưng vẫn không yên tâm, vì chỗ này cũng có thể bị
lộ và chúng sẽ truy kích tiếp. Xuyên rừng, chúng tôi đưa đơn vị sang
tây lộ 14 lập căn cứ mới cách sông Bé chừng 3 Km (1970). Ổn định xong lán trại,
Trinh sát Tiểu đoàn cần trở lại điều nghiên và nắm thêm thông tin về 8 chiến sỹ
mất tích nói trên.
Định phương vị, hướng về xã
Phước sang, nơi ấy Địch vẫn đang cay cú, ráo riết truy tìm tung tích Tiểu đoàn
tôi. Đã hai ngày liền đi theo vết phác thảo trên bản đồ, đến sáng ngày thứ ba
thấy Trực thăng địch đã thu hẹp vùng bay, Pháo địch dội liên tiếp trở lại yểm
trợ. Lẫn trong tiếng pháo địch, một tiếng nổ đanh gọn, một tiếng
"soạt" khô ráp và một vật mềm rớt đến bịch xuống đất. Rừng cây ào ào
như có lốc, đàn vượn hoảng loạn lăng qua, lăng lại ẩn nấp.
- Nổ bậy quá!- Vừa lao tới,
tôi vừa trách mắng lính tôi nổ súng bậy bạ. Trách thì cứ trách, nhưng mừng
trong bụng chắc mẩm sẽ có cái măm đây. Từ ngày đường tiếp tế hậu cần 49 trên Bù
đốp Lộc ninh xuống đây bị cắt đứt, chúng tôi buộc phải đào bới và săn bắt bất
kể cái gì có thể ăn được trước hết là để sống và sau nữa là bám đánh tới cùng.
Nhưng bắn vào lúc này thì thật là liều lĩnh "quá trời".
Trước mắt chúng tôi, chú vượn con lông trắng
ôm trên bụng một vượn cái màu vàng sẫm nằm ngửa bất động bởi một lỗ đạn quá
hiểm, phá toác trên ngực. Cả bọn ào đến
rõ nhanh nhưng rồi khựng lại, ngây người ra, ngỡ ngàng. Vượn mẹ không ôm vết
đau mà lại ôm chặt đứa con trên bụng, không rơi sấp mà nằm ngửa. Phải chăng nó
cố xoay lưng đỡ cho đứa con bé bỏng? Nhìn Vượn sữa chưa thay lông bấu chặt,
nhay nhay cái ti vô cảm kia. Tôi như bị thôi miên bởi ảo ảnh một bé con đang bú
người mẹ đã chết. Thương nó đến lặng người, tôi quên biến mình đang nổi cáu.
-
Thở dài ngán ngẩm, tôi nghĩ: May quá! Vượn con không sao! Có thể vết đạn hiểm
khiến Vượn mẹ không kịp giao con cho bầy đàn trước khi rớt xuống. Nghe nói,
lông vàng là vượn cái thường được cả đàn chăm chút, ưu ái. Khi nó gặp nạn, các
chú vượn đực màu đen nhanh chóng đỡ lấy đứa con, rồi chớp nhoáng giúp nó thoát
hiểm. Đàn vượn núp đâu đó trên cây thi thoảng kéo lá che thân, bất lực, vén ngó
nhìn xuống...
-
Nào buông ra đi! mẹ... không còn sữa đâu! - Vừa nói, tôi vừa gỡ nó ra khỏi mẹ.
Nó níu chặt lắm không chịu buông, miệng kêu chít chít. Tuy không trực tiếp nổ
súng, sao đôi tay vụng về của tôi cứ run run như chính mình có tội. Vừa ra
khỏi mẹ, vượn con vội túm chặt lấy ngực
áo tôi rúc đầu vào nách như cầu cứu. Bối rối - Tôi ôm nó quỳ lặng thinh như
tượng đá... Bóng một phụ nữ ôm con nằm lại... trong đoàn người bồng bế nhau
chạy giặc...cứ hiện ra trước mắt tôi. Dụi sáng đôi mắt tối sầm, gạt mồ hôi vã
ra lấm tấm như bị cảm....
Hiểu thấu lòng tôi, các cậu ấy bới rất nhanh một
cái huyệt! Với cử chỉ ấy, chúng tôi ngầm nói với nhau rằng: Đừng ăn thịt mà hãy
chôn cất mẹ nó tử tế...
...Xong việc, Vượn con bám vai nhóm
Trinh sát lầm lũi ra đi...Bỗng cậu Hiến cất tiếng: Nó mà chu lên thì bỏ mẹ...
- Ừ nhỉ! - Quay lại!... lại
ngay! Nhanh!- Tôi cũng vừa nghĩ đến điều
ấy, để chúng tự tha nhau đi. Sao mình ngu lâu quá vậy - Miệng nói, chân tôi
quay ngoắt trở lại, vừa chạy tôi vừa bực bội với chính mình. Anh em lẽo đẽo
chạy theo. Vội vàng đặt vượn con vào chỗ cũ, chúng tôi ẩn nấp quan sát và nghe
ngóng. Bám cỏ một mình nó bắt đầu kêu... Kêu mãi, kêu hoài, kêu đã lạc cả giọng
mà chẳng thấy Mẹ nó đến cứu.
- Cứ bỏ đấy, chút nữa bọn nó
đến đấy anh ạ!
- Không! Im quá, chúng bỏ đi
hết rồi! nó chết mất! - Sốt ruột, tôi
trả lời. Từ ngày chiến sự tăng lên, bản năng sinh tồn khiến loài thú khôn hơn
rất nhiều. Bầy Voi rừng còn biết nằm im, lấy vòi đắp lá nguỵ trang cho nhau khi
mới chỉ nghe nho nhỏ, tít từ xa tiếng "đầm già" L19. Loài vượn này
chắc chắn còn khôn hơn thế. Không thể chờ thêm được nữa, giành nhau ôm vượn
con, chúng tôi tiếp tục hành quân. Dõi theo từng vòng lượn của máy bay địch
đang lui dần ra hướng lộ 14, chúng lui tới đâu, bọn tôi tiến tới đó. Bám dưới
những gốc cây nắng khô đổ lửa, mồ hôi ngứa ngáy khó chịu, lúc bò, lúc chui, lúc
lội, lúc chạy vượt trảng trống như muốn hụt hơi ... Và chẳng bao lâu đã đến
vùng buộc phải "Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng". Vùng Địch
đang lùng sục. Biệt kích và ổ phục kích nhiều như lá rừng, sự Sống và cái chết
chỉ cách nhau một sợi tóc! Mang theo vượn con là đùa giỡn với tử thần - Tôi
nghĩ vậy. Chân bước, mắt đảo tròn, tai lắng nghe từng tiếng động nhỏ nhưng lòng
phân vân, lo lắng. Không lẽ vất đi? mà đứa nào có gan vất nó?... Nghĩ mãi chẳng
ra, thôi thì mặc kệ! Tới đâu hay đó vậy!...
... Những tia nắng chiều đã
đổ dài bóng cây trên trảng cỏ trước mặt. Cái nóng gay gắt đang nhường chỗ cho
những cơn gió thoảng mát, ngái nồng mùi rừng úa, hoa cỏ dại. Tôi chợt mừng vì
vừa nhận ra đường mòn quen thuộc, nhưng lại giật mình khi thấy dấu giày Biệt
kích mới tinh in trên đất còn hăng mùi cỏ nát. Đồ hộp khui dở đang rỉ từng giọt
nước toả mùi thơm làm chảy nước miếng. Biệt kích vẫn còn đây! - Nghĩ vậy, tôi
khoát tay báo hiệu nguy hiểm. Anh em đồng loạt gạt khoá, sẵn sàng nổ súng. Với
bao thuốc lá dở dưới đất, thì thào: Hút đi! Chúng vừa hút, không sợ lộ mùi đâu!...
Nấp vào từng gốc cây, chúng tôi châm thuốc lấy lại bình tĩnh...
Hải chỉ chỉ vào vượn con
trên ngực tôi, ý nói: Hãy cẩn thận. Tôi ớn quá, nếu nó "toe lên" đúng
lúc đi ngang qua Ổ kích, thì chắc chắn mìn "Claymore" của Địch sẽ
thổi tạt vào sườn và rất có thể sau ánh chớp sáng loà ấy, tất cả chỉ còn là
bóng đen vĩnh viễn.
- Bóp chết nó ư? - Tôi vòng
ngón tay lấy cổ nó dứ dứ làm hiệu hỏi. Nhưng anh em lắc đầu ...
Nằm rạp một lúc lâu nghe
ngóng tình hình... Chúng tôi lại gật gật đầu, đã chết thì cùng chết vậy! Hình
như vượn con cũng linh cảm thấy có biến nên cứ nép mình nằm im trong ngực. Chỉ
vào tay Hải, tôi lắc đầu để cậu ta đóng lại chốt quả Da láng (Lựu đạn Mỹ), chưa
cần thiết, lỡ tay chết cả lũ. Vén cao ống quần báo hiệu trái gài, cảm giác ống
đồng sẽ kịp nhận ra khi chạm vào cái dây gài chết tiệt đó. Thấy ghê ghê, khang
khác thì dừng chân ngay. Nhưng cũng phải gỡ cho thật khéo, nếu không vẫn toi
đấy. Biệt kích Mỹ thường gài pháo hiệu hoặc mìn sát thương bên đường mòn, nằm
phục kích. Đôi khi chúng gỡ bỏ lúc rút đi. Nếu phát hiện sớm, bước chân nhẹ
nhàng, không tiếng động là có thể lọt qua ổ kích mà địch không hay biết gì. Và
có lần thật hú hồn vì vừa qua khỏi thì địch phát hiện đánh mìn, nổ súng sau
lưng.
Vượn con sang lưng Hải để
tôi vượt lên trước. Những lúc căng thẳng đến nghẹt thở, nhịp tim thình thịch
như bật khỏi lồng ngực, anh em trông cậy cả vào những người lâu năm chiến
trường như tôi. Mà nào tôi có hơn gì anh em. Cái mùi vừa khét nhà binh, vừa
thơm đồ hộp của toán Biệt kích phía trước vẫn thi thoảng lọt vào lỗ mũi sau mỗi
cơn gió ngược, tuy làm tôi nuốt nước miếng nhưng vẫn rợn hết cả người. Dấu giày
in trên cỏ còn cho biết có nhiều toán Biệt kích cắt chéo qua đây.
- Bỗng Vượn con kêu
"oé", cả bọn giật thót người nằm rạp nghe động tĩnh. Một hồi khá
lâu... Không thấy gì, tôi ngó về phía Hải. Cậu ta lắc lắc đầu, ra điều không
sao. Có thể căng thẳng, nhỡ tay ôm chặt, nó kêu đó thôi. Toát hết mồ hôi hột.
Hải nhăn mặt hít hít cái mũi thảm hại, bò đến thì thào bên tai tôi: Ướt hết gáy
em rồi! nó cũng sợ vãi tè, anh à!. Giá như giặc không gần thì cười một trận cho
đã...
Vẫn phành phạch tiếng Trực thăng lượn qua đầu
và rì rầm tiếng xe nhà binh ngoài quốc lộ 14. Đôi khi nhìn hành động của Trực
thăng bên trên có thể biết dưới đất chúng đang làm gì. Nhưng làm sao biết được
chúng kéo dài cuộc hành quân đến bao lâu nữa?
Tạm dừng một lát, thì thào
với anh em một số điều cần thiết và trường hợp "nếu buộc phải nổ súng, tứ
tán đội hình...thì tập kết về giao điểm hai con suối đằng sau", rồi lại
tiếp tục lần theo dấu vết Biệt kích mỗi lúc mỗi dày đặc hơn. Tay
ngoặc trong cò súng, lưng khom như cò lội nước, rón rén tránh cành, lá khô,
từng bước tiến về phía trước. Mỗi tiếng động nhỏ phải nằm xuống nghe ngóng bởi đó
là tín hiệu của "cái chết"... Đã thấy mái lợp kiểu "quân
ta" ở trước mặt (căn cứ của một đơn
vị du kích nào đó). Tất cả rút chốt "Da láng" nằm im, lắng tai
những động tĩnh bên trong... Im lặng dễ sợ... Cứ thế lết dần từng chút. Đồ Biệt
kích lác đác xung quanh khoảng năm chiếc hầm thùng có lợp nóc nhưng không có vỏ
đạn. Theo dấu vết để lại thì họ bị động sơ tán đi vội vàng. Sau đó Địch đã vào
đây phục kích khá lâu nhưng không gặp đối thủ. Nếu đến đúng lúc ấy thì chín
phần máu sẽ đổ! Có thể chúng vừa đi khỏi đây? Phải chăng Vượn con đã kéo chúng
tôi chậm lại một chút? Mất mát lắm, rủi ro nhiều khiến bọn tôi tư duy như những
kẻ mê tín dị đoan vậy. Lại nhớ chuyện mới hôm kia, khởi hành khỏi đơn vị chưa
lâu đã gặp một chú Rùa bò lên rừng đẻ trứng. Không chừng xúi quẩy, chuyến này
đụng "Tăng quỳ". Tạm dừng thịt chén giải vía cái đã rồi mới đi...
- Miệng nịnh, tay tôi chuyển Vượn con cho
Hải... Anh em sửa soạn nấu bữa tối dưới hầm thùng... Quyết định chốt lại đây
qua đêm. Xong xuôi, tôi mắc võng xong, ngả lưng và bây giờ mới có thời gian
vuốt ve nó. Mà lạ thay, nó hết sợ và bắt đầu nghịch ngợm, ngoáy mũi, sờ tai,
túm tóc. Hình như nó đang xoa dịu nỗi đau của tôi đang nghĩ về 8 chiến sỹ mất
tích, ai còn, ai mất, ai bị bắt, ai quyết tử để Tổ quốc quyết sinh, ai không
chịu nổi đòn thù tra tấn? Vì sao căn cứ của chúng tôi bị lộ?...Cảnh giác để đâu
mà mất thế chủ động này? Cứ tự hỏi mình vòng vo tam quốc vậy mà chưa có đáp số
nào...Muốn làm rõ thì chỉ còn trông cậy
vào đội Du kích Phước sang, chú năm Phạm, anh Tư Cường và... Hai năm nay Tư Cường
như con thoi, đưa chúng tôi khắp các bãi trảng chọn từng vị trí đặt pháo, canh
chừng để chúng tôi đo đạc tính toán toạ độ bắn, cung cấp thông tin Mục tiêu,
bám chốt Mỹ lấy thực phẩm lót lòng. Đôi lúc mệnh lệnh của anh có sức mạnh hơn
Thủ trưởng của tôi. Nhớ lúc Con gái anh tròn xoe đôi mắt nhìn không chớp mấy
chú "Việt cộng" (lúc bà con bị lạc trong rừng “Ruốc cá”). Có
lẽ cháu chưa một lần nhìn thấy Bố đang cộng tác với “ViCi” đáng sợ nhưng lại
đẹp trai, hiền khô, dễ thương thế kia. Lớn quá! Đáng ra mình phải gọi Tư bằng
chú mới phải đạo ... Cô gái chớp chớp đôi
mắt đỏ hoe... Bà con đi cùng bạo gan hỏi: Mấy ảnh... là "Giệc cổng"
sao?... Địch dọa để dân sợ "Giệc cộng", còn tôi chỉ biết chờ hai cha
con trao đổi tình cảm xong là bảo Hải đưa họ ra ven lộ về Ấp. Khuôn trăng tròn
ngấn lệ khuất dần sau gốc Săng lẻ còn đọng lại cảm thương trong tôi cho đến mãi
bây giờ. Anh Tư tâm sự với chúng tôi về sự chia ly tan tác của gia đình anh...
và Chiến tranh đã làm anh đớn đau đến là vậy...
Bằng mọi cách chúng tôi phải tìm Anh, người Du
kích mưu trí, linh hoạt, gan góc và dũng cảm ấy! Tìm nhanh để còn nhờ chăm sóc
vượn con này nữa chứ. Màn đêm xua dần cái nóng nực ban ngày, không gian đã dịu
mát, quanh đây thứ hoa dại nào nở về đêm, hương thơm thoang thoảng dễ chịu. Mệt
mỏi, tôi thiếp đi lúc nào không hay... Vượn con rúc vào gặm mút trong ngực gây
nhồn nhột làm tôi tỉnh giấc. Cái mùi hoang dã của nó lúc này mới thấy hôi làm
sao. Tôi mặc kệ bởi nghĩ mình có thơm tho gì hơn đâu...vuốt ve vài cái rồi lại
lơ mơ suy tính...
... Có lẽ đói, chú ta bắt
đầu lên tiếng. Mới đầu chỉ là những tiếng "ngoe" thưa thớt nhưng càng
về khuya tiếng kêu càng the thé, càng dồn dập. Tiếng kêu như nức nở, hờn giận,
oán trách và căm thù hành động sáng nay của những kẻ đã nổ súng hạ mẹ nó. Màn
đêm hồi ấy vẫn thường làm những "Việt cộng" gan cóc tía cảm thấy tự
do, sảng khoái và dễ chịu hơn ban ngày. Nhưng sao đêm nay nghe lành lạnh, ghê
ghê, rờn rợn cứ như hồn Mẹ nó hiện về bám theo lẩn quất đâu đây. Tiếng khóc của
đứa con mất mẹ đau nhói lòng người! Âm thanh ấy đánh thức trong tôi một miền
quê nào đó vừa quen, vừa lạ. Phải rồi! Xóm trại, tiếng trẻ khát sữa hờn đêm...
Moi túi 8 thứ lấy gói Milk (đồ biệt kích Mỹ) quậy nước cho nó uống và
động viên anh em cố chịu đựng đêm nay, hình như Biệt kích rút rồi. Vượn con chỉ
chóp chép một chút rồi lại gào tiếp, làm rối tung, rối mù cả lên. Vất bỏ thì sợ
Chồn đất làm thịt nó, còn để lại mà chẳng may quanh đây có Biệt kích hoặc
"Cây nhiệt đới" phát tín hiệu thì chắc chắn chúng tôi phải trả giá
bằng mạng sống của chính mình. Nhưng chẳng có một giải pháp nào hay hơn bởi vẫn
chỉ là "tội nghiệp nó mà". Tôi lấy mũ bọc nó đặt xuống hầm cho nó ấm
hơn và để cái âm thanh dễ lộ ấy đỡ vang xa. Một lúc sau, tiếng kêu lịm dần...
Chúng tôi cũng lịm theo ...vì cũng "Bết" lắm rồi!
- Có tiếng sẹt...ầm! Trái
Đại bác địch nổ văng mảnh soàn soạt quanh đây. Tiếng nổ to thế mà chú nhóc
không phản ứng gì? Có lẽ sinh ra trong bom đạn, bản năng sinh tồn buộc nó tự
biết im lặng hay vì kiệt sức sắp chết rồi?...Cứ mơ mơ, tỉnh tỉnh cho đến
khi...Có tiếng thì thào bên tai: Nó còn sống anh à! em vừa cho uống sữa, uống
nhiều lắm, đái ướt hết rồi...Tôi choàng tỉnh nhao vội xuống. Nó còn sống
thật!...cởi áo đắp thêm và yên tâm nói: Các cậu
yên tâm ngủ đi! pháo bắn gần, chắc chắn "Tụi nó" không ở quanh
đây! Sáng dậy sớm...tính sau!...
...Màn đêm chốc lát lại có
những tiếng động làm giật mình. Thì ra các cậu ấy không ngủ, cứ ngoi lên, thụt
xuống chăm nó.
- Cậu Hiến vừa chui lên vừa
lẩm bẩm: D.Mẹ...chưa biết mùi đàn bà đã phải nuôi con nhỏ! Tìm anh Tư đâu bây
giờ đây...con ơi…
- Vâng đúng rồi, tôi vẫn
biết là phải tìm ngay Tư Cường, nhưng khốn nỗi ban ngày tìm còn khó nữa là đêm
tối giặc giã thế này. Chờ tìm được Anh, chắc gì Vượn con còn sống? Hết cách
rồi! chỉ còn biết thao thức chờ sáng. Chưa khi nào chúng tôi lại mong trời
nhanh sáng như đêm nay. Cầu trời trận càn chiều nay đã kết thúc để ngày mai Dân
Be được vào rừng...gửi họ nuôi "Bé".
Tờ mờ sáng hôm sau, bốn đứa đã nấp sẵn ở bụi
cây ven lộ 14 chờ đợi. Cũng thật là sốt ruột! Chờ mãi không thấy gì. Cũng không
có dấu hiệu địch mở trận càn mới nên chúng tôi vẫn kiên trì ...
- Có thể bị “thọc đũa từng lon huygo*
cơm", nên họ ra trễ đó thôi - Cứ đoán già đoán non như vậy...
- Kia rồi...! Chiếc xe be đầu tiên chấp
chới xa xa, mừng hơn mẹ về chợ! Vượn con sống rồi! Nhanh lên chút nữa bà con
ơi! Tôi nói cậu Hiến khéo mồm! Chuẩn bị năn nỷ đi!...Thật khéo để người ta nhận
nuôi nó!...
...Nó bị đói! lần sau các chú phải ôm
nó ngủ chung nhé - Họ nói thế. Nghĩ bụng làm gì còn lần sau nữa, bọn tôi sợ hết
đời rồi! Chắc các bạn cũng giận chúng tôi lắm? Nhưng mà thôi! tha thứ đi, Chiến
tranh mà!...Sau mấy lời năn nỷ:
- Ừ! mấy chú để tôi ... nếu
sống... về được Sài gòn cũng bộn tiền đây! - Miệng nói, tay ôm, chưa gì người
ta đã vội vàng quay đi. Chúng tôi nhìn theo người đàn ông làm "Be" xa
dần và bắt đầu thấy nhớ... Thế là cuối cùng, đã gửi được vượn con cho một người
không quen biết. Biết họ có quý nó không?...
...Bầy vượn đăm đăm nhìn tôi
trên kia, biết đâu chẳng là con cháu của chú Vượn trắng gửi nuôi năm ấy?...
- Ông làm sao đấy? - Tiếng
gọi giật giọng của bà xã. Vươn vai, vặn mình, hít một hơi thật dài như vừa tỉnh
cơn mê... tôi nói:
- Để tôi kể mình nghe…
nhé...
Đức Long
Hát cho vui nào! - Đồng đội ơi!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét