(Tự Truyện của Đức Long)
Đường tiếp tế (hậu cần 49) từ Bù đốp, Lộc ninh xuống K20 Đồng xoài, Phước vĩnh bị địch phong tỏa. Đạn DKB đã hết từ lâu. Loại DKZ75 và H12 còn rất ít, chỉ cối 82 ly là còn nhiều. Cối 82 là loại tầm ngắn, muốn đánh vào Trung tâm Mỹ đóng, thì chỉ còn cách như Tôn hành giả, thu mình nhỏ lại, chui vào bụng địch, tấn công. Vì những chốt nhỏ bảo vệ vòng ngoài cách trung tâm Phước vĩnh những khoảng 5Km. Tuy đã kiệt sức, nhưng K33 vẫn vào trận. Anh em tự an ủi mình: Vẫn còn rừng non, không đên nỗi trống trơn, phải tế sống như mấy đứa Tiểu đoàn 4 đánh sông Lòng tàu hồi Mậu thân(68) đâu.
Trinh sát đoàn bộ có trách nhiệm điều nghiên. Ngoài việc chuẩn bị những con số phần tử bắn, chúng tôi phải tính toán đường tiến, lui sao cho thời gian chiếm lĩnh trận địa, nổ súng và rút ra, diễn ra trọn vẹn trong một đêm. Để sáng tỏ mặt trời thì ít có cơ hội trở về lắm. Mặt khác nếu quá trình điều nghiên mà để lại dấu vết thì trận đánh chưa kịp kết thúc đã bị địch phản banh xác pháo rồi. Cho nên, trước khi vào trận, hầu hết anh em có cảm giác "lành ít, dữ nhiều". “Anh bạn trinh sát” bên tôi nói rằng: Chuyến này đi chắc tôi không về được ông à! - Lúc căm go này, chỉ mong sao Thủ trưởng cao tuổi của chúng tôi ra trận lấy một lần làm phép để lên dây cót tinh thần cho anh em.
Quá nửa đêm cối 82 mới vào tới vị trí. Trận địa cách mục tiêu hết tầm 3Km. Thao tác xong là nổ súng ngay. Một góc mục tiêu bốc cháy, nhưng nào anh em có kịp nhìn để hoan hô đâu. Hết Cơ số đạn là hỏa tốc tháo dỡ thiết bị chuồn, càng nhanh cang tốt. C3 ở hướng khác tầm xa hơn (7, 8 Km), Suốt đêm chờ tiếng súng của 82 vừa dứt, liền nã tiếp số đạn ít ỏi (H12 và DKZ), nhằm kéo sự chú ý của Địch về hướng mình, tạo cơ hội cho C2 thoát khỏi “tọa đọ chết”. Tiếng còi báo động trong mục tiêu rúc ủ giữa đêm khuya nghe thất kinh như còi cứu hỏa. Trực thăng địch lập loè đom đóm nối đuôi nhau bay lên, xôn xao cả một vùng trời đêm. Pháo binh Địch phản lại tức thời.
Sau khi đã lên hết trên cao, trực thăng địch lượn vòng quanh mục tiêu, bỗng chia tách đội hình làm ba. Tốp đầu lao về trận địa H12 bắn phá. Lúc này 82 ly, có thể đã thoát khỏi trận địa một đoạn khá xa. Đúng vậy, họ đang hướng đến bìa rừng non cách đó chừng 1 Km. Tiếng phành phạch trên không mỗi lúc mỗi gần. Không kịp nữa rồi! Tốp thứ 2 xuất hiện ngay sau lưng. Giữa đồi không mông quạnh chỉ lụp xụp vài bụi cây thưa thớt, không công sự ẩn nấp. Tất cả đội hình C2 bất động hạn chế tầm nhìn hồng ngoại trên máy bay...
... Sau vài vòng lượn, màn đêm bỗng sáng choang bởi đèn pha trên cao chiếu xuống. Không khác gì soi Ếch trên trảng cát. Ít ra 6 chiếc Trực thăng chiến đấu liên tiếp nã Đại liên và quăng lựu đạn. Khói đạn khét mù, nóng ran. Anh em buộc phải bắn trả nhằm đẩy nó lên cao cho đội hình mình kịp tản ra, tránh hỏa lực tập trung của địch. Trực thăng địch nâng độ cao nhưng vẫn bắn và bám theo cho đến khi "VC" tản hết mới quay về Phước vĩnh. Vỏn vẹn chỉ chưa đầy một tiếng đồng hồ, nhưng thực sự là cơn bão lửa. Phải nói, chiến thuật mới của địch phản ứng khá hiệu quả với lối đánh bất ngờ của Tiểu đoàn tôi. Tại sao ban đêm mà Địch có thể tìm đúng hướng rút của 82ly?...Đến giờ, vẫn còn khó hiểu. Chỉ ngắn ngủi vậy thôi mà tám chiến sỹ ta không trở về nữa. Trong đó có anh bạn bên tôi đêm qua. C2 nhanh chóng chuyển địa điểm mới. Còn tiểu đoàn bộ chủ quan, mất cảnh giác vẫn nằm im bất động. Vài ngày trôi qua không có hoạt động gì khác thường, chỉ có pháo địch vẫn đều đều cầm canh.
Rồi đột nhiên pháo địch im bặt, đêm đêm cứ như có ma nhìn trộm vào chỗ chúng tôi. Tiếp đến là một cuộc tập kích quy mô, kết hợp phi, pháo và trực thăng vận đổ quân bao vây, gọi hàng (Chiêu hồi) hòng bắt sống chúng tôi. Có thể gọi đây là một cú “Phượng hoàng vồ mồi” được chuẩn bị rất chu đáo của địch, cũng chính từ sự chủ quan ngớ ngẩn, mất cảnh giác của chúng tôi. Làm thế nào để sống sót (Xin thuật lại sau *”05.Ma làm”). Tiểu đoàn xé lẻ đội hình bằng một cuộc chốn chạy ngoạn mục đến một căn cứ cũ gọi là K20 (chiến khu D cũ phía tây nam rừng Cát tiên ngày nay). Chờ ít hôm thì hội đủ quân số (trừ 8 ngươi mất tích). Nghi ngờ nơi đây cũng bị lộ, vì B52 cứ đánh, mỗi ngày mỗi gần hơn. Đến lúc phải tìm nơi trú quân mới. Nửa đêm, Chúng tôi dắt cả một đoàn quân súng đạn lòng thòng vượt cắt ngang sang tây lộ 14 (bây giờ hình như là LT lộ 741), tại điểm cách phía nam Đồng xoài khoảng 7 Km. Hai bên đoạn đường này, địch ủi trống tan hoang khoảng nửa cây số vào đến tận bìa rừng. Nhiều cây đã khô bong vỏ cháy đen thui. Rất có thể địch nằm phục kích đâu đây. Chúng tôi thận trọng vượt sang trước, nghe ngóng tình hình, rồi quay lại đón đơn vị. Qua hết sang tây lộ thì trời cũng vừa sáng. Ai cũng mong vượt lộ xong có trận mưa rào thật lớn để xoá dấu dép, nhưng trời vẫn khô ran. Cứ thế, căn bản đồ, nhắm vùng ít máy bay, nhiều pháo nổ mà đến. Có thể đi tuần sớm, địch đã thấy dấu dép chúng tôi đêm qua, nên cứ nã đại bác chuyển làn trước mặt. Còn chúng tôi thì cứ từ từ tiến dần vào chỗ pháo chuyển làn vừa dứt. Đi được vài ngày, pháo địch cũng thưa dần, dừng lại ở một hẻm núi tre gai âm u lạ hoắc, ngoằn ngoèo một dòng suối trong vắt lượn quanh, cách sông Bé chừng 3 Km. Chúng tôi đào hầm, lợp lán trại, lập căn cứ mới. Tạm lánh một thời gian, chờ cơ hội sẽ bất ngờ quay lại đánh. Hơn nữa ăn củ rừng mãi cũng kiệt sức lắm rồi.
Sau khi ổn định đội hình, Trinh sát tiểu đoàn trở lại mục tiêu (Phước Vĩnh) nắm tình hình. Hy vọng có thêm tin tức về 8 anh em còn mất tích. Trước hết, định vị Phước sang, chúng tôi rẽ cây rừng mà đi. Để bí mật căn cứ, lệnh thủ trưởng: "cò cây" chỉ được bắt đầu sau khi ra khỏi nơi đóng quân khoảng nửa cây số. Nghĩ bụng "mất bò mới lo làm chuồng" cảnh giác của ông lúc này là thừa. Tuy vậy chẳng ai phản ứng ông làm gì. Thực tế, chúng tôi có quá nhiều mẹo để chẳng cần cò cây cũng biết đường về. Chỉ hai ngày sau đã tới địa phận Phước sang. Sao lắm dấu giày biệt kích đến thế. Mới tinh à! Nhìn dấu giày ấy, cảm tính... hình như Địch có người dẫn đường! chúng đi lại rất đĩnh đạc trên đường mòn. Gần đây trong xã có ai “chiêu hồi” không?- Tôi nghi ngờ tự hỏi. Có lẽ là không, vì nếu có thì Cơ sở đã có cơ hội báo trước chúng tôi rồi. Mấy chiếc trực thăng vẫn quần đảo trên đầu, áng chừng chúng đang chú ý đến vùng giao nhau giữa con đường chúng tôi thường vượt lộ. Lúc núp, lúc chui, lúc bò, lúc toài, lúc dò dẫm, lúc chạy muốn hụt hơi, đứt ruột qua địa hình trống trải, để bám sát từng vòng lượn của Trực thăng địch trên cao và từng dấu giày cỏ nát vẫn tươi nguyên của đám biệt kích dưới mặt đất. Thật là trớ trêu và guy hiểm! khi trong đội hình của chúng tôi có một chú Vượn trắng chưa cai sữa mẹ (xin kể lại trong “Vượn con đi bám địch” để các bạn nghe sau). Cuối cùng cũng được chứng kiến một quang cảnh mới, căn cứ du kích, kinh tài Phước sang trống trơn. Chúng đã vào đây. Nhiều, rất nhiều dấu giày và đồ hộp vương vãi của Biệt kích Mỹ. Khẳng định là Mỹ, bởi Ngụy không có đồ hộp thừa thãi thế này. Nhưng lại không có dấu hiệu đọ súng, không một vỏ đạn, chỉ có một chú Chồn trên cây, quen người rón rén bò xuống xin ăn. Có thể các đơn vị địa phương khi được tin chúng tôi mất tích 8 người đã chủ động chuyển cứ đề phòng. Họ cảnh giác vậy mới đúng. Thì ra sau khi vồ hụt chúng tôi, địch đã sục sạo, xới tung cả vùng Đồng xoài - Phước vĩnh tìm kiếm...
...Vài ngày sau thì liên lạc được với du kích Phước sang. Cũng chẳng có thêm tin tức gì mới. vẫn là Sáng đêm C2 đánh: Phía Mỹ có bắt được một người của ta, quấn băng trắng trên đầu, chúng cách ly hoàn toàn với người Việt, kể cả với sỹ quan Ngụy (cơ sở chỉ nhìn được từ xa). Và chúng tôi vẫn hy vọng các bạn khác còn sống rồi sẽ quay về... Những năm tháng cuộc đời căng thẳng ấy, đã để lại hội chứng… triền miên (xin kể lại * “01.Ác mộng”sau).
…Vâng ! Thưa các bạn, cho dù muôn vạn hiểm nguy, những người lính năm xưa vẫn vững một niềm tin, xả thân đoạt cho được mục tiêu cao cả: "Độc lập dân tộc và thống nhất tổ quốc". Họ có được niềm vui tột đỉnh khi ngọn cờ toàn thắng được cắm trên nóc dinh Độc lập, tuy cái giá không rẻ. Có một thực tế, bạn thù, thù bạn, dù có đau xót thì quá khứ đã khép lại, để bạn với bạn mãi mãi là lẽ sống của tương lai. Dẫu sao thì thời gian cũng đã làm lành vết thương trên thịt da, làm dịu nỗi đau vết thương lòng tưởng không bao giờ nguôi được. Người Pháp trước kia và đến người Mỹ bây giờ, có thể đã hiểu chúng ta nhiều hơn. Một dân tộc, cực chẳng đã mới phải quật cường chiến đấu tự giải phóng mình. Tạo hóa đưa ta vào trận. Đã vào trận, thì bày đủ mẹo, chơi hết mình mới phân bua thắng bại. Thắng vui, thua buồn là lẽ thường tình. Giông tố qua lâu rồi. Thời gian đã khiến xui lớp con cháu bạn, thù năm xưa yêu nhau và xây dựng hạnh phúc với nhau. Có lẽ nào lớp Cha, Ông chúng ta không thể khép lại mặc cảm thắng thua ấy để đến với nhau? Hà cớ gì mà giận nhau mãi mãi. Sớm muộn, chúng ta cũng phải về với đất! Với thành ý đó, tôi hy vọng và mong mỏi tìm lại một thời áo lính tuổi 20 của tất cả chúng mình, luôn cả hai bên chiến tuyến, cho dù đó là đúng hay sai, công hay tội, mong cho tương lai luôn là Bản trường ca chan hòa lòng nhân ái. Để cùng nhau mách cho thế hệ trẻ rằng: Đừng! Dù chỉ một lần châm ngòi cho chiến tranh như thế nữa./.
Đức Long
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét