(Đức Long - Hồi ký)
http://www.youtube.com/watch?v=-v9XwvIHJHE
(Nói rằng,Trung đoàn 42 pháo binh thành lập năm 1971. Nhưng Chiến công và thành tích của trung đoàn là sự kế thừa kinh nghiệm của nhiều nhóm chiến sỹ, sỹ quan từ những năm tháng trước đó. Họ đã từng chinh chiến trên mọi miền tổ quốc, trong và ngoài nước, trên mọi mặt trận tụ hội về đây. Xin hiến một chuyện nói về một trong nhiều giai thoại ấy)
Thoát khỏi Đồng xoài- Phước vĩnh, vài ba ngày ngược hướng tây bắc tới sông Bé ...Có lệnh nhắc nhở anh em phía sau cảnh giác, xoá dấu vết cẩn thận hơn... bờ sông quá dốc, chiều ngang tuy không rộng nhưng nước sâu và chảy khá xiết, rất khó vượt. Và Địch cũng không ngờ là chúng tôi sẽ vượt ở đoạn này.
- Tôi nói chơi: Không có Lục bình ngụy trang, lỡ "Bobo" lướt tới, cái sọ mình chắc trôi tới biển quá...
- Lúc này còn đùa được à? - Thủ trưởng mắng tôi. Nghĩ bụng, trong vòng vây còn đùa được thì lúc này được quá đi chứ. Chắc giận lắm, nhưng Ông không thêm gì nữa. Dạo này, và… nhất là từ ngày lính Ông bị vồ hụt ở Bầu cạn, thấy Ông cởi mở và có vẻ gần gũi bọn tôi hơn, đôi lúc còn làm lơ cho chúng tôi trốn Cứ đi bám địch kiếm đồ hộp Mỹ. Nhân đây cũng xin nói thêm về đám lính Trinh sát. Có lẽ hoàn cảnh tạo nên lối sống khá phóng khoáng. Họ luôn phải bám sát địch để cung cấp thông tin mục tiêu cho đơn vị. Đôi khi thời gian gần địch của họ còn nhiều hơn thời gian sống chung với đơn vị. Có lần họ lang thang cả tháng mới quay về.
Nhận ra mật khẩu bờ bên kia, ba trinh sát viên sang trước. Họ xuống sông êm như ba con rắn nước. Khi báo yên trở lại, Tiểu đoàn lần lượt vượt sông. Lính Pháo thủ, kéo bè buộc pháo vất vả, cũng chỉ khoảng một giờ sau là qua sông hết. Nếu không nhầm thì đây là lần chót, Pháo tôi vượt sông theo kiểu “Chuột lội nước" thế này (khoảng tháng 9/1970). Qua sông có thêm đại đội 1 hơn năm nay tác chiến tại "Tecnik" nhập thành Tiểu đoàn đủ, cùng hành quân sang đất bạn Cao miên.
Bên trên cánh rừng tua tủa những thân cây bị bom pháo đốn gục có chiếc “Đầm già” lượn lờ ngó nghiêng. Vài tiếng "Đề pa" ục ịch, pháo nổ xa xa, mấy loạt bom toạ độ vu vơ, lúc xa, lúc gần, âm thanh quá quen thuộc... Vượt con sông "Măng" nho nhỏ, Tiểu đoàn qua biên giới lúc nào không hay. Lên "Đất thánh”, chúng tôi không còn phải trực tiếp cọ sát với Bộ binh Mỹ. Từ đây chấm dứt một thời kỳ đầy khốc liệt không gì mô tả nổi…
Từ cuối năm 1970 bộ binh Mỹ cũng thưa dần và ít tham chiến, nhưng hỏa lực Mỹ thì vẫn phải coi chừng. Nếu đánh giá không hết yếu tố này, sinh chủ quan, nôn nóng, vội vàng, ảo tưởng ăn tươi, nuốt sống kẻ thù ... ắt phải trả giá đắt đấy...
Từ giã các bạn nằm lại Đồng xoài Phước vĩnh, (trong đó có người bạn cùng trường tôi Nguyễn Tử Nhất 1969), K33 bước trên "đất Chùa Tháp" mà lòng lâng lâng như trở lại quê nhà sau nhiều năm xa cách. Phải chăng hai năm vật lộn kiệt sức, mọi người bị mộng du? Hiếm hoi nếu không nói là duy nhất người lính thời đánh Mỹ có được cơ hội này...
Bỏ lại sau lưng đất Mẹ, Tiểu đoàn tôi cứ theo hướng mặt trời chìm xuống mỗi chiều mải miết hành quân. Những cánh rừng "khọọc" biên giới lui dần về sau lưng. Phum, Sóc nhà ai khói lam chiều ấm lại một miền quê thanh bình, yên ả. Chúng tôi bập bẹ với từng ngôn ngữ mới Khơme.
Qua ngã ba Snul khoảng một tuần lễ là đến Thị xã Kratrie ven bờ Mê kông xinh đẹp. Con sông bắt nguồn từ đâu sao không có con đê chắn sóng như Sông Hồng quê tôi? Ngang qua thị xã Kratie, ai cũng đầu tóc chỉnh tề và cố vuốt ve bộ quân phục mới cấp cho thật oai phong. Dân tình lố nhố chỉ trỏ rồi im phăng phắc nhìn đoàn quân lặng lẽ bước qua. Có lẽ vì thế nên không tiếng hô mà nhịp chân bọn tôi gõ xuống đường nhựa đều răm rắp, như đang duyệt binh trên quảng trường đỏ vậy. Đã lâu lắm rồi K33 mới có dịp hành quân qua một thị xã thanh bình và sáng điện trước con mắt tò mò của những cô gái miền Thị thành da trắng mịn màng như nõn chuối. Ai cũng kiêu hãnh, xốn xang niềm tự hào cứ như "Giai nhân kia" chỉ đăm đắm nhìn có riêng mình. Bóng lính đổ dài trên hè phố đã gầy guộc lại càng dài thêm, nhìn nhau lắc đầu tủm tỉm:
- Trông kìa! Trung đội phó...Trường cổ đại thanh ... 3 đứa ..."leo cành đu đủ" ... có gãy không hả…
- Mày còn tệ hơn tao đấy ... Cũng may là bóng đêm đã che bớt những nét nhọc nhằn, hốc hác, vàng vọt của hai năm khốc liệt Đồng xoài - Phước vĩnh.
Phía nam thị xã Kratie, bà con Việt kiều biết tin, đèn dầu đợi sẵn hai bên, mời dừng chân uống nước. Thời ấy bà con chỉ được làm nghề cá trên sông, nghèo lắm nhưng vẫn dành dăm ba cái bánh để các chú lính đồng hương đi đường. Đơn vị thường trú trong nhà bà con Khơ me để còn làm công tác dân vận, loại nhà sàn bằng gỗ, rộng rãi, mát mẻ, kiến trúc tựa như nhà sàn Tây bắc Việt nam, nhưng công mộc thì chắc chắn nuột nà hơn nhiều. Dưới sàn phẳng phiu, sạch sẽ, không nuôi súc vật mà kê bàn ghế tiếp khách và cũng là nơi ăn cơm “năm ngón” cho cả gia đình. Ngoài sân, nhà nào cũng xếp hàng những chiếc chum to tới hai ba người chui lọt để dự trữ nước mưa mùa khô.
Người Khơ me vượt qua rào cản ngôn ngữ đến với Quân giải phóng Việt nam bằng những cử chỉ cởi mở, thân thiện. Người ta quan sát bữa cơm của Lính, rồi mang ra bát canh bí, bầu vườn nhà, rón rén động tác chào mời. Bà con cứ tò mò tìm hiểu cánh lính ngoại quốc và rất thoả mãn mỗi khi chúng`tôi gật đầu khen ngon. Đôi khi họ phá lên cười vì món “Bồ hốc” đặc sản lén trộn trong bát canh làm các chú nôn ói bằng sạch.
Đung đưa trên võng lính, xa xa bên kia sông, những tòa tháp lôi phong vươn lên giữa những ngôi chùa vàng đỏ, ẩn hiện trập trùng sau những triền đồi xa tít tắp, đẹp như tranh thuỷ mạc Trung hoa thời chiến quốc... Ở đấy có bầy khỉ rừng biết xin ăn, những con Sóc lửa lông đỏ tươi như màu chuồn chuồn ớt cộng sinh với nhiều loài hoang thú không biết sợ người. Phải chăng Phật giáo hiền hòa đã làm thiên nhiên gần gũi với con người đến thế? Các chú lính rừng xanh lâu nay không về làng, về phố, mỗi người mỗi cảnh, cứ thả hồn mình về quê hương xa thẳm mà nhớ nhớ, thương thương rồi ước ao mọi thứ. Chúng tôi tạm dừng nghỉ ngơi vài ngày tại Xalông, một thị trấn nhỏ ven bờ Mekong, bà con Việt kiều mang cho xem bầy rắn nước cuộn tròn trong thúng phát ghê rồi mang chế biến thành món nhậu thơm lừng đãi khách quý. Vùng sông nước Mekong thời 70-71, cá mú hằng hà vô kể, chúng vào hồ ra sông theo từng mùa nước nổi, chen chúc dày đặc, tắc nghẽn, đôi lúc làm vỡ toang cái "Sa" chắn ngang con lạch nhỏ, lấp lánh ánh bạc lạ mắt đến mê hồn. Cá chết phơi xác ven bờ sông cái thật là nhiều. Chó hoang trong rừng cũng từng đàn lang thang ra sông kiếm cá. Chó là đặc sản khoái khẩu nhất của lính ta, nhưng bà con Khơ me kiêng kỵ, nên mỗi khi hạ chúng phải vào rừng khuất vắng. Bởi vậy, Cái thú thịt chó đêm ngoài Cù lao vắng giữa mênh mông sông nước cũng thật là thú vị biết bao. Rồi "Ông Lược" một loài cá thiên nhiên ban tặng trên sông cái lớn như chiếc thuyền con ngoi lên thở phì như cá Voi, bây giờ biết có còn không? Mỗi khi lỡ đường khát nước, bà con dặn dò: khỏi cần hỏi, cứ trèo cây Thốt nốt uống thật đã rồi lại đặt ống tre hứng đúng vòi chảy của nó. Mỗi sáng, từng tốp sư áo vàng trên Chùa theo hàng một đến từng “Phum, Sóc” nhận lưng cơm từ đạm của dân làng.
Tại rừng Tà pao, tôi chia tay K33 lên Trung đoàn làm giáo viên trinh sát tại Rạch OOng nam thị tứ Soong troong (âm Việt kiều), tập huấn sỹ quan H10 ở Xa lông rồi về Ban trinh sát Trung đoàn 64 bám hai bờ Mê kông chiến đấu. Sau một thời gian, K33 sang tăng cường cho Đặc công 367 vượt Mêkong đến Tonlesap (Biển Hồ) khống chế phía tây bắc Ph.NomPenh. Và cũng từ đấy anh em trở thành Pháo đặc công, một cái tên chưa từng có trong lịch sử chiến tranh. Chiến đấu trên đất chùa, chúng tôi nắm quyền chủ động tác chiến, áp lực Biệt kích tuyến sau hầu như không, hoả lực trên không rất ít nhưng đọ súng bờ sông thì ác liệt hơn nhiều. Chiến thuật “Chèo bẻo đánh úp” với quân đội Mỹ không còn phù hợp nữa. Chúng tôi phải căng mình ra để chặn đứng các cuộc hành quân giải tỏa bờ sông của địch. Gặp những đội quân đeo bùa “ót ngọp” (không chết) thì thôi rồi...Chúng đánh lăn xả gần như thiêu thân thấy ánh lửa. Đó là đám lính "Tử vì đạo" của Lonon ! Ông ta được Mỹ hỗ trợ làm đảo chính “Săm đếch Quốc trưởng...” đang mở gọng kìm sau lưng chúng tôi.
"Trung đoàn 64 thiện chiến đường sông Bắc việt" (theo cách gọi của đài tiếng việt PhNompenh - Lonon) phục kích, bất thần bắn thẳng vào tầu chở hàng tiếp tế của địch từ nam bộ theo tiền, hậu giang lên Ph.Nompenh. Nếu không cháy, mặc nhiên nó cứ chạy và còn chạy nhanh hơn. Tàu hộ tống lập tức nã pháo lên bờ, còn Tàu mặt dựng chứa bộ binh dàn ngang đội hình, vừa tiến, vừa nã 12 ly 7 vào các điểm hoả lực của ta. Trên bờ đám lính bộ giải tỏa cùng lúc tiến vào. Đó cũng là lần duy nhất tôi thán phục lòng dũng cảm của đám lính "tàu mặt dựng Sài gòn". Khi tầu vận tải đã vượt qua vùng nguy hiểm là chúng nhả chúng tôi trên bờ rất nhanh để bám theo tiếp tục hộ tống. Chúng tôi tổ chức hai Đài quan sát xa, ven sông Cửu long tại Hồng Ngự, Tân châu (tỉnh Đồng tháp) tuyển thêm hai nữ thiếu niên tình nguyện làm quân báo (cháu Gớt và Nói) có nhiệm vụ lân la gần đám Sỹ quan VNCH dò la tin tức để có thể phán đoán từ xa, thông báo cho đơn vị bên Miên ra sông lớn đón đánh kịp thời. Năm sau, các cháu lớn nhanh như thổi, thành thiếu nữ, mỗi khi làm nhiệm vụ phải mặc quần áo rách, bôi lọ lem mới giám cho ra gần đám lính Ngụy. Xa quê, lạ tiếng thấy khuôn trăng tròn trịa, nở nang đầy hấp dẫn của hai cô gái quê hương mới lớn, ai cũng mơ về chiếm lĩnh Đài quan sát quê nhà. Trên bộ, lính VNCH vượt biên sang Sanul, Suông, Chúp, Đầm be Congpongcham, chưa kịp tới bờ MêKông thả xuồng tẩu thoát đã bị chặn đánh tơi tả, khắp nơi xe pháo địch lật đổ ngổn ngang. Trung đoàn tôi lớn mạnh dần và bắt đầu sử dụng lựu pháo cơ giới 105 ly (chiến lợi phẩm) chi viện bộ binh công phá Đồn so - khet Swairieng, chi viện đường 6 Tela2...Chúng tôi tranh thủ luyện quân, tập huấn chính trị và bồi dưỡng sức khoẻ. Mấy cậu Trinh sát (láu cá hơn một chút) còn lén lên Chùa ăn chay, nhâm nhi tách Trà sương ướp sen tuơi giữa hồ nước để nghe Sư ông kể chuyện đạo đời... Các vị sư trụ trì thông thái giỏi tiếng Pháp, Hoa và rất hiểu biết Việt nam. Cái vốn Việt ngữ của các vị không biết có từ bao giờ, nghe thật khoái tai. Trẻ con Khơme lúc ấy nếu không học tiếp lên cao, thường đi tu, học đạo 2 năm trước khi đi làm...vv. Lính tôi truyền khẩu nhau học nói tiếng Khơme, tập ăn mắm Bồ hóc và lái thuyền khám phá vùng sông nước hoang sơ kỳ thú. Vì thế, các chàng trai cổ cò năm trước đã hồng hào và điển trai trở lại. Các cô gái Hoa, Việt, Miên nơi đây thấy nao nao, bất chấp âm mưu chia rẽ của kẻ thù, các cô thầm yêu trộm nhớ (sau này mấy cô còn theo về tận Việt nam tìm anh bạn TônKim của tôi nữa chứ) . Có ông Bố còn tỏ ý muốn giữ lính tôi lại làm rể. Các Mẹ thì quý, thương chúng tôi như con cái trong nhà. Mỗi khi ra sông lớn chặn giặc, súng nổ đì đùng, trở về thấy thiếu người, Mẹ sụt sịt cắm nén nhang lên ban tờ thì thầm cầu khẩn. Mẹ vẫn âm thầm giúp các con đỡ đói cái bụng, bớt nhớ cái nhà và có thời gian nghỉ ngơi sau trận đánh. Bà Mẹ Việt kiều thì khỏi nói rồi, nhưng Bà mẹ Khơme cũng đi vào trái tim chúng tôi như những bếp lửa hồng giữa đêm đông giá lạnh, truyền hơi ấm giúp chúng tôi thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Chúng tôi cố sống sao cho xứng danh Bộ đội cụ Hồ như cha anh thời chín năm Kháng chiến để không phụ lòng thương mến của các Mẹ.
Mải mê chiến đấu trên đất bạn, người lính giải phóng quân vẫn không khỏi canh cánh bên lòng. Tổ quốc mình, một thân vẫn phải chia đôi. Quê hương mình đạn vẫn nổ, máu đổ, bom vẫn rơi. Các bạn trẻ vừa lập công ngoài đường 9 nam Lào đã vượt Trường sơn vào chi viện lớp lính già miền đông mở chiến dịch Nguyễn Huệ. Đã đến lúc phải chia tay người Mẹ Khơme, về quê làm nốt đoạn kết bài ca chiến thắng của dân tộc mình. Hai năm trên đất Chùa tháp mới chỉ biết được vài câu nói bông đùa hóm hỉnh. Chúng tôi lặng lẽ thăm viếng các bạn đã hy sinh, bùi ngùi trở về đất Việt.
Trong "phum" mỗi ngày mỗi vắng bóng "Con top" (Quân đội) Việt nam. Lúc Các Mẹ, cảm thấy thiếu vắng "cái gì đó", cũng là lúc tôi đưa tham mưu phó Tư Lê đến từng gia đình gửi lời chào cho cả những người về trước. Như hiểu được lần tiễn biệt cuối cùng, các Mẹ, các chị mắt đỏ hoe nháo nhào chạy tìm cái này, cái nọ để gửi cho thằng nọ thằng kia làm kỷ niệm… - Cay xè con mắt - Tôi khéo quay đi lén gạt nước mắt đã chảy tự bao giờ.
Chiếc mô tô lao vun vút đưa hai tôi qua Suong, Chup trở về Đất mẹ. Tay cầm lái mà lòng nghĩ miên man: Có phải Bà Mẹ Khơ me cũng giống Mẹ quê tôi, mỗi khi nghe tiếng sấm từ xa vọng lại là giật mình chắp tay vái trời, cầu nguyện an lành cho các con.
- Cậu điếc à!- Tiếng quát bên tai làm tôi giật mình, dừng xe phanh gấp. Ồ!... Tây ninh đất Việt đã hiện ra trước mắt. Anh Tư muốn dành một chút thời gian để ngó lại sau lưng lút tầm mắt một lần nữa, nhớ đất Chùa tháp hiền hoà. Cảm ơn... Mẹ... và những bà con đồng hương gốc Việt "thân thương" còn ở lại rồi sẽ ra sao? Tôi nghẹn ngào nói: Anh Tư ơi...em muốn khóc... Linh cảm ấy là đúng khi mà, lần thứ hai (1979), đồng đội tôi trở lại ... thì ”Cánh đồng chết” trước đó đã cuớp "Mẹ..." đi rồi… Hơn ba mươi năm trôi qua và qua và có lẽ mãi mãi, kỷ niệm đó vẫn in đậm trong tôi. Mỗi giấc mơ vẫn thấy mình gặp lại...
Đức Long
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét