... Thưa chú! Có phải trước đây chú là bộ đội?...
- Vâng! Đúng
- Của tiểu đoàn K33? Tiếng K33 làm tôi như điện giật bởi quá khứ hào hùng và thương đau của nó.
- Vâng đúng thế! Vậy có việc gì thế?... câu chuyện kéo dài dài… nhưng thôi để khi nào gặp nhé…
Tới một ngày ... Một phụ nữ trạc tuổi ba mươi? đôi mắt to, lạ mà như quen bước vào, lễ phép chào : Thưa chú , cháu là Phương Lan con gái liệt sỹ Nguyễn Anh Cường!
Ðôi mắt ...vâng ! chính đôi mắt ... Bất giác trong tôi một hình tượng quá khứ hơn ba mươi năm trước. Chính trị viên trưởng Tiểu đoàn Nguyễn Anh Cường nhìn tôi, đôi mắt to và sáng, nước da trắng trẻo, mái tóc ngôi lệch lúc nào cũng gọn gàng, nói năng tế nhị, lịch thiệp và có duyên với phụ nữ ... Anh vẫn thường vui vẻ nói con gái anh mới hơn một tuổi xinh lắm, đứa nào đánh giặc giỏi về, tớ gả con gái cho. Anh là sỹ quan được đào tạo bài bản từ Liên xô về và ngay lập tức chỉ huy Tiểu đoàn mới thành lập của tôi vào chiến trường, giữa lúc hơn năm mươi vạn quân.... Mỹ đổ vào miền nam.
Lại thoáng trong tôi, hình bóng anh lần cuối tại vị trí tập kết, khi tôi vừa trên đài quan sát về. Trong ánh đèn pin loang loáng, bên anh là, Cẩm trinh sát viên và Ðiểm công vụ, đang hối thúc đoàn quân khẩn trương chiếm lĩnh trận địa.... Trong trận đánh ấy (tháng 8 năm 67), Căn cứ Mỹ ở Lệ thanh bốc cháy, nổ tung. Nhưng, Anh không về nữa.
... Suy nghĩ miên man một lúc, bỗng tôi ngắt lời : nhưng mà lâu quá rồi, sao bây giờ cháu mới đến? ...Người con gái rơm rớm nước mắt kể. Tôi nghe lịch sử gia gia đình, về bà, bố, mẹ, tin sét đánh từ chiến trường bay về, quá trình lặn lội tìm Bố lúc Tây nguyên đang còn Phulrô quấy rối. Và cuối cùng, phải nhờ đến ngoại cảm, tâm linh. Tuy vậy vẫn lơ mơ không rõ chốn nào - nghẹn ngào cứ thế kể... Còn tôi, cứ theo lời kể mà hình dung lại quá trình về phép gặp anh lên Ðại từ - Thái nguyên thăm nơi Mẹ và cháu cùng trường Ðại học sư phạm đi sơ tán máy bay Mỹ. Rồi cùng anh hành quân dọc Trường sơn, anh mang sắn lùi đến tận nơi, khí tôi ăn như dụ dỗ trẻ nít, lúc tôi vừa qua cơn sốt rét hiểm nghèo. Những ngày chúng tôi mạo hiểm bắt cá ngáp trên sông Se san. Anh mắng chúng tôi về ngay. Chưa đánh trận nào mà bị cá đâm chết thì thật là nhục. Rồi quá trình hành quân ra trận, khói lửa trận mạc, cho đến lúc anh bị thương và hy sinh.
Cháu đã tìm ở đâu ? - Tôi ngắt lời. Lần lượt trình bày những tin tức nghe được, những người đã gặp, những nơi đã đến... Đấy là trận đầu đánh Mỹ và cũng là cuối cùng đối với anh. Vâng, nhưng với tôi sau "Lệ thanh" còn những năm dài vật lộn với cái đói và lạnh, với chất độc hoá học và nhiều trận đánh khó khăn, ác liệt. Rồi hoà bình thống nhất, tôi mang vết thương thập tử nhất sinh vào cuộc sống mới, thời kỳ Mỹ cấm vận đầy thiếu thốn, liệu tôi còn nhớ trận đầu tiên ấy không?
- Tôi nói : Trong đời lính, chú chỉ làm trinh sát cho đến ngày thống nhất đất nước. Cuối cùng, chú bị thương chỉ còn lại một chân. Trận cùng Bố cháu được chuẩn bị khá kỹ nhưng tổn thất khá đau. Có thể kỹ năng đối khớp thực địa với bản đồ của chú khá tốt, nên chúng ta hy vọng tìm ra điểm ấy trên bản đồ trước đã. Nhưng "Lệ thanh" do ai đặt tên và nó có tên trên bản đồ hay không ... Chú xin khất để có thời gian nhớ lại từng chi tiết nhỏ của trận đánh ấy...Với sự giúp đỡ của bạn bè và đồng đội có tâm huyết, tôi cũng có được tấm bản đồ quân sự cũ và nhờ nó mà suy đoán. Hoá ra trước đây gia đình cháu đi tìm đều nhầm cả.
Lệ thanh và cầu Lệ thanh chỉ là cái tên do bộ đội ta tự đặt ra, nó nằm ở tỉnh, huyện, xã nào thì mỗi người nói một nẻo, người nói ra Kontum, Ðắc tô Tân cảnh, người nói vào Pleiku, thậm trí có người còn chỉ thẳng vào Daklac cách đó hơn 200 cây số. Nhưng tôi nhớ không lầm, Pháo 105 của địch ở Ðức cơ tầm bắn chỉ 10 cây số còn với tới đầu chúng tôi trong lúc điều nghiên trận địa. Vậy thì, Ðức cơ mới đúng là vùng đất Bố cháu hy sinh. Tôi reo lên : Ðây rồi ! sân bay Ðức cơ bỏ hoang cạnh đường 19. Chỉ là trên bản đồ mà tôi đã xúc động đến vậy, phải chăng những đường bình độ chi chít trên đấy đã kích hoạt trong đầu tôi một địa hình lắng đọng từ lâu.
Thế là, trong cái bộn bề, hối hả mưu sinh, cái đã quên khơi khơi khơi trở lại. Từ Ðức cơ và mục tiêu, chúng tôi chiếu phương vị để tìm ra khu vực trận địa trên bản đồ. Sau đó, tôi cùng cháu đi tìm những chiến sỹ còn sót lại của thời kỳ ấy. May mắn, gặp được một số người: Tiểu đoàn trưởng Hoàng Xuân Liên ở Gia lâm Hà nội, Trinh sát viên Nhữ Quang Nhu ở Nho quan Ninh bình, Ninh Trọng Oánh ở trực ninh Nam định và một số anh em khác ở Hà tây, Hà Bắc v.v.. để hỏi thêm. Xác định lại vùng trận địa nói trên và tìm kiếm thêm thông tin về địa điểm chôn cất Bố cháu.
Tìm và trao đổi qua điện thoại với số anh em ở lại Sài gòn, Ðà lạt sau giải phóng : Phạm Sỹ Cát và Trần Thịnh cùng một số anh em khác nói sẵn sàng ngược ra Tây nguyên hợp sức khi được gọi. Rồi thật không may là khi tìm được địa chỉ, liên lạc với người chỉ huy giải quyết hậu quả trận đánh hôm đó, Chính trị viên phó tiểu đoàn Vũ Trọng Lượng ở Sài gòn, thì Ông đã già, mất năm ngoái rồi. Thôi !... đành lần mò từng bước vậy.
Trung đội trưởng pháo Nguyễn Ninh Oánh nhớ lại: lúc đó tôi bị thương ở kheo và được dìu đi bên cáng của Anh Cường, Ông bị mất một cánh tay, nằm trên cáng vẫn động viên anh em " không được khóc, ảnh hưởng đến tinh thần anh em khác..." khoảng nửa giờ đồng hồ trên đường rút về vị trí tập kết thì tắt thở và được táng tại hầm chỉ huy của ông Ðức cụt, trên ngực đặt chiếc đồng hồ Liên xô, tư trang cá nhân có khắc tên con gái Phương lan. Trung tướng Lê Ðức nhớ lại, sau khi lệnh cho rút khẩn trương số anh em không cần thiết phải ở lại đấy, số còn lại buộc phải rút lên 705.. Tay ông chỉ vào bản đồ và nói tiếp: chừng chưa đầy 2 tiếng đồng hồ đã nghe đụng độ, súng nổ, Biệt kích Mỹ trên những cao điểm gần đã tràn vào đọ súng và hô hoán vang cả khu rừng dưới đó rồi. Theo tôi, Trong vòng 2 tiếng đó, Anh Cường đã được táng tại đây. Vị trí ấy, chính là khu tập kết chuẩn bị điều nghiên của tốp trinh sát từ nửa tháng trước. Tôi đã xác định lên bản đồ làm tài liệu gửi vào Gia lai đi tìm cái hầm đó. Mênh mông rừng núi nên phải kiểm tra trên thực địa có thấy vật chuẩn không đã. Nếu không thấy vật chuẩn, thì đừng tìm chi cho mất công - Tôi nói.
Ngày 21 tháng 12 năm 2000, Ðồng chí Lê Kim tuyến nguyên Kế toán -Trinh sát tiểu đoàn, hiện đang nghỉ hưu và sống ở Giao thanh, Giao thuỷ Nam định cùng một số anh em khác lên đường vào Tây nguyên kiểm tra vật chuẩn duy nhất trên thực địa. Thật may mắn; Vật chuẩn "Khối đá vát khổng lồ", nơi tôi cùng Nhữ Quang Nhu và Ðào Xuân Long trèo lên quan sát vẫn còn sừng sững như một toà nhà nằm đó. Chúng tôi mừng lắm và riêng tôi không nén nổi xúc động khi nhìn trên màn hình. Chính nó, hơn 30 năm trước suýt nữa chết khi bò lên quan sát trận địa pháo địch bên cầu Lệ thanh. Như vậy có cơ sở để tìm ra cái hầm chỉ huy cách đó không xa.
Thế là cháu tất bật chuẩn bị hồ sơ gửi vào tỉnh đội Gia lai. Càng nhìn cháu, tôi càng nhớ Anh Cường. Lòng quyết tâm tìm Cha của người con gái chân yếu tay mềm ấy là nét đẹp với tôi, mang lại cho tôi niềm vui cuộc sống. Những Người lính chiến năm xưa không còn thấy tủi thân cho những ngày thiếu cơm, đói muối, đắp chăn, bón cháo cho nhau trong suốt chặng đường hành quân đi đánh giặc. Cho dù hài cốt còn, hay đã về với đất, thì Anh Cường nơi chín suối chắc hẳn sẽ vui lòng và chúng tôi, những người lính còn sống đến hôm nay phần nào được an ủi... Có thể vui lắm mà nói rằng: cô bé ấy bỗng đưa tôi sống lại tuổi đôi mươi, tuổi của những ngày xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước. Lúc chúng tôi lên đường, cháu mới tròn một tuổi, sức mạnh nào đã giúp cháu nhớ Cha đến vậy ? Phải chăng Bà nội, người Mẹ liệt sỹ ? Bằng ấy năm mòn mỏi vẫn chẳng đêm nào giám gài then cửa, cho nó về còn đẩy, mở cho nhanh đã in sâu vào tình cảm của cháu, truyền cho cháu một sức mạnh để một lần nữa, cháu lại lên đường vào vùng đất hoang vu tìm cha mình.
* 23/4/01 có tin, tỉnh đội Gia lai gọi ra thông báo kết quả chuyến đi 3 ngày của đội trinh sát có đồng bào địa phương đẫn đường theo tài liệu gửi vào. Một phát hiện là khu vực ấy là có thật nhưng là vài chục cái hầm chứ không phải trên dưới 10 chiếc như tôi nhớ. Có thể lúc vào trận, công binh ta đào thêm chăng? Người dẫn đường nói, trước đây khoảng 10 năm có vào đây đào bới tìm kiếm cát tút đạn và phế liệu chiến tranh để bán thì không ngờ bới được một bộ xương ở độ sâu khoảng một mét, thấy vậy họ hoảng sợ và bỏ luôn cho đến bây giờ. Cho dù gia đình vào không kịp, tỉnh đội vẫn tiến hành khai thác theo kế hoạch. Niềm vui và hy vọng lại một lần nữa được nhân lên gấp bội. Cháu cuống cuồng, còn tôi cũng vội vàng ba lô, thuốc men sẵn sàng để lên đường. Nhưng...có lẽ Vết thương của tôi... không cho tôi đi trong tình huống vội vàng, gấp gáp thế. Tôi mang tin mừng đến báo cáo hội Bạn chiến đấu K33 họp ở Làng Chuông Thanh oai Hà tây vào đúng dịp 30 tháng 4. Buổi gặp mặt năm ấy (2001), có lẽ đã hướng phần lớn sự chú ý vào những cú điện thoại và từng bước chân ngoài vùng phủ sóng của cô gái nhỏ đang trên đường lên cao nguyên nắng gió. Thiếu tướng Thành Lai, sau khi xem đoạn băng quay tảng đá từ hai phía, ông nhận ra: chính ông lưỡng lự, cực chẳng đã mới phải chọn nó làm đài quan sát phụ bởi nó chênh vênh nguy hiểm quá chừng. Niềm tin được củng cố, tôi thầm gọi: Con gái ơi! hãy gắng lên lần nữa, lần này nữa thôi may mắn tìm được cha mình.
* Ðầu tháng 5/ 2001 vào lúc mà người ta vui vẻ, áo quần đẹp đẽ dạo phố mừng ngày toàn thắng 30/4 và quốc tế lao động 1/5, thì tại một vùng cao nguyên hoang vu trong nắng chói chang, khô rát, một lần nữa, cô gái Hà nội bé nhỏ ấy đang ba lô, cơm lá chuối, nước suối phèn trên vùng Cúc quý khô vàng rực tìm cha mình.
Ðội quy tập tỉnh đội Gia lai ra sức đào bới tại chiếc hầm to, có dáng dấp hầm chỉ huy trong một loạt hầm ở khu đó. Bên trên vùi lấp, toàn là đồ biệt kích Mỹ và dưới độ sâu hơn 2 mét, thấy mẩu Tăng ny lon quân dụng Miền bắc ( Tăng là tấm nóc che mưa cho chiếc võng cá nhân lúc còn sống và cũng là tấm vải liệm, chiếc quan tài cho giấc ngủ ngàn thu lúc hy sinh), mọi người oà lên khóc, tiếp tục đào bới đến cùng và sang các ngách hầm phụ kế bên. Ngoài đồ biệt kích Mỹ và một số vật chứng của quân ta như vỏ liều phóng DKB hoen rỉ ở lớp đất bên trên, vẫn không thấy thêm gì nữa. Cả nhà lại oà khóc lần thứ hai - Nghe đến đây, không nén nổi xúc động, tôi lặng đi trong giây lát và như không còn nghe thấy những gì cháu nói tiếp nữa. Bức ảnh chụp toàn cảnh nơi tìm thấy mẩu Tăng, làm tôi như bị thôi miên vào một vùng kỷ niệm xa xưa ấy. Và sự băn khoăn: liệu Bố cháu có bị Biệt kích Mỹ chuyển nơi khác? Hay là sau khi bới được, chúng đã "tiễn" ông lên trời rồi?.
Tuy chưa đưa được hài cốt về nhưng hồn anh đã về với mỗi chúng tôi, đã về với Mẹ già, với gia đình và nhất là với Cô bé mà Anh đã khắc tên trong giây lưng như bồng con xung trận năm nào. Cháu đã đến được chính mảnh đất Bố mình đánh giặc rồi.
Sau đây là vài dòng ghi nhanh của cháu trên trận địa năm xưa vào phút thất vọng trước khi quay về, như bài điếu bộc bệch nỗi lòng mình với người Cha thân yêu còn nằm lại nơi cao nguyên núi rừng trùng điệp ấy.
Tạm đặt tên cho những lời bộc bạch ấy là " Bình độ 500 - con gái tìm cha" để các bạn cùng nghe:
Bình độ 500 - con gái tìm cha
Con tìm đến đây như trở lại nhà mình
Nào đỉnh 500, Pôcô, Chư pảh
Những tên sông, tên rừng, tên đất
Thành thân quen với con tự bao giờ
Ba mươi mấy năm vằng vặc nỗi mong chờ
Bà vẫn đợi một bàn tay gọi cửa
Vẫn không tin Bố chẳng quay về nữa
Gấp khăn trắng cất đi mẹ ngùi ngậm sang đò
Vẫn trong con thấp thỏm một nỗi niềm
Một tên đất mơ hồ trong nỗi nhớ
Một ngọn núi, một cánh rừng , dòng suối
Bao năm rồi hồi hộp trở về đây
Mặt trời của con đã lặn dưới đất này
Rừng thăm thẳm mắt bố nhìn lần cuối
Qua kẽ lá màu trời xanh vời vợi
Ngỡ ngày về đang ru con trên tay
Ôi đã từng đẫm ướt dưới chân con
Những giọt máu của biết bao người lính
Và dưới đất còn bao người đang nghỉ
Con bước khẽ khàng sợ đồng đội Bố đau
Bố ngã xuống đổi lấy ánh ngày
Cho con sống những ngày đáng sống
Cho con lớn vượt nhọc nhằn hờn tủi
Ba mươi mấy năm gian khó cuộc đời này
Những ước mơ, những công việc, những con đường
Tuổi trẻ, khát khao, tình yêu chưa sống hết
Con thay Bố đi tiếp phần bỏ dở
Niềm tự hào rạng rỡ ánh mắt con
Dẫu Bố ơi chưa đưa được Bố về
Mặt đất rộng bàn tay con nhỏ bé
Ôi thịt xương xưa hóa rừng hóa đất
Bố đã thành đất nước ở trong con
Con đi tìm giữa cao nguyên mênh mông
Ðất đỏ xẫm dưới chân và trên đầu mây trắng
Máu thịt của con còn nằm trong đất
Ðêm đêm vẫn về thức dậy trong con
Những tên rừng, tên đất, tên sông
Những Tân thanh, Chư Prông, Chư Pah
Một nhành cây, một con đường ngọn cỏ
Con đi tìm mải miết dấu vết xưa
Bố nằm đâu giữa cao nguyên mênh mông
Bạt ngàn gió hoa Cúc quỳ vàng rực
Chẳng xa lạ dẫu lần đầu mới đến
Con đã thương đất ấy tự bao giờ
Thôi nhé Bố ơi ở lại
Với đất với trời Tây nguyên
Ðồng đội anh em bốn phía quây quần
Suối Kram âm thầm nước mát
những đỉnh năm trăm, Chư pah,Goungot
Bước chân con đi vẹt cây rừng
Gai cào sót da, ruột sót trăm lần
hương khói thắp lên Bố ơi có thấu
Con đi giữa nắng đồi le chan lửa
không ngọn gió lay không bóng cây rừng
Uống nước vũng phèn cơm đùm lá chuối
Bố nằm đâu trong ngàn ngạt cỏ cây ?
Những ngày nắng đêm mưa quay quắt
Phải máu xương xưa đã hóa đất hóa rừng
Tổ quốc bao la bát ngát điệp trùng
Mỗi tấc đất đều có hồn liệt sỹ
Biết bao giờ con trở lại đây
Vốc nắm đất gói nỗi thương vào đó
Thôi nhé đành, Bố ơi ở lại
Với trời, với đất Tây nguyên...
Với đất với trời Tây nguyên
Ðồng đội anh em bốn phía quây quần
Suối Kram âm thầm nước mát
những đỉnh năm trăm, Chư pah,Goungot
Bước chân con đi vẹt cây rừng
Gai cào sót da, ruột sót trăm lần
hương khói thắp lên Bố ơi có thấu
Con đi giữa nắng đồi le chan lửa
không ngọn gió lay không bóng cây rừng
Uống nước vũng phèn cơm đùm lá chuối
Bố nằm đâu trong ngàn ngạt cỏ cây ?
Những ngày nắng đêm mưa quay quắt
Phải máu xương xưa đã hóa đất hóa rừng
Tổ quốc bao la bát ngát điệp trùng
Mỗi tấc đất đều có hồn liệt sỹ
Biết bao giờ con trở lại đây
Vốc nắm đất gói nỗi thương vào đó
Thôi nhé đành, Bố ơi ở lại
Với trời, với đất Tây nguyên...
Đức Long
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét