02 - TỌA ĐỘ CHẾT - Đức Long
Miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời... Ba mươi tháng tư là cái dịp người ta khoe tài năng thao lược, gan góc chiến công. Còn tôi lại nhớ đến cái hận và nỗi đau? Chỉ một, một lần thôi, mà nhớ suốt đời, ấm ức, không nói ra, không sao chịu nổi. Khờ khạo, ngốc nghếch đến phát điên lên được. Đời nhà ai, đánh nhau với lính Mỹ lại "phơi lưng" mình tới mười phút. Tôi kể ông nghe từ cái Tiểu đoàn chiến đấu đầu đời của tôi. Hồn lính trong tim tôi từ ngày ấy.
Năm 1965, Tiểu đoàn ĐKB K33 của tôi, hình thành bởi các chiến sỹ từ nhiều đơn vị pháo binh khác nhau, được huấn luyện cấp tốc binh khí mới tại đất võ Sơn tây trước khi tung vào mặt trận Tây nguyên. ĐKB (Hoả tiễn Cachiusa tách nòng để vác vai) là một bí danh do ta tự đặt ra để giữ bí mật cho loại vũ khí mới. Lúc bấy giờ, nó được xem như một con chủ bài trong cuộc chiến đấu chống Mỹ xâm lược. ĐKB không những gây kinh hoàng cho địch mà còn như một huyền thoại bởi cách đánh thiên biến vạn hoá của pháo phản lực VC.
Trút bỏ quân phục chính quy và những trang giấy ghi địa chỉ của người thân lại Miền bắc, Chúng tôi nhận " Quần vợ, Mũ con, Cơm lon, Nước suối" ngày nghỉ, đêm đi, lầm lũi lội sông, leo đèo, vượt núi, băng rừng, qua hiểm nguy... hướng lên vùng trùng trùng hoang sơ kỳ bí...
... Tây nguyên chẳng ai lạ gì với những huyền thoại anh hùng đăng tải nhiều trên báo chí. Nhưng ! Tây nguyên với tôi, lúc bấy giờ chỉ là không dấu chân người với những khe núi trập trùng âm u, hoang vắng, mùa khô là suối, mùa mưa lại thành sông, cá lội ngược dòng trán dô như Thuỷ quái, nhiều loài động, thực vật lạ chưa ai thấy bao giờ. Chúng tôi vừa ôn lại bài bắn, vừa tập làm quen với rừng thiêng, nước độc, Muỗi, Vắt, gồng mình với sốt rét ác tính và cái thiếu chất cồn cào, để chuẩn bị vào trận. Tiên phong cho mặt trận Tây nguyên (B3), Tiểu đoàn tôi đánh đòn đầu tiên bằng loại vũ khí này vào Căn cứ Mỹ ở Lệ thanh rạng sáng ngày 23 tháng 8 năm 1967.
Không biết " Lệ thanh " do ai đặt tên và có từ bao giờ, chỉ biết rằng, đó là một căn cứ lớn của lính Mỹ được hình thành nhằm ngăn chặn đường mòn Hồ Chí Minh đông Trường sơn. Nó nằm trên một vùng đồi khá rộng (bình độ 412), gần cầu Lệ thanh, phía bắc đường 19, giáp ranh hai huyện Đức cơ và Iagrai tỉnh Gia lai bây giờ.
Các chiến sỹ trinh sát K33 với sự hỗ trợ của bộ đội Nông trường 1 (bí danh của Sư đoàn số 1) vượt sông Sê san, toả vào những ngả rừng heo hút gió, theo dõi lực lượng quân đội Mỹ vừa đổ bộ lên đây. Vài lần chuẩn bị đủ thông số tác chiến thì địch lại di chuyển vị trí, không đánh được. Và cuối cùng, Lệ thanh là nơi địch chốt giữ khá lâu, cùng các cứ điểm khác liên tục bắn phá đường mòn của chúng ta. Đánh hơi thấy trinh sát Bắc việt lởn vởn đâu đây, các đơn vị Biệt kích Mỹ đến chốt canh chừng tại các cao điểm gần đấy. Ban ngày, chúng nống ra với sự yểm trợ của máy bay trinh sát L19, Trực thăng chiến đấu và trận địa pháo binh chiến thuật bên cầu Lệ thanh, ban đêm thì lại co về chốt.
Trinh sát ta sơ xuất đụng độ, buộc phải nổ súng với Biệt kích Mỹ. Thương vong không đáng kể nhưng linh cảm lành ít, dữ nhiều thì ai cũng thấy. Nhưng rồi cũng chẳng ai dám nói vì sợ bàn lui, sẽ nhụt ý chí đang lên như diều của toàn quân. Tưởng rằng ta thừa sức dập đầu đối phương như Hồng quân công phá Berlin mấy chục năm trước. Nào ngờ đến khi máu đổ, người mất, mới té ra là không phải!. Là chiến sỹ trẻ, nào ai có kinh nghiệm chiến tranh, khi lên đường chỉ mang theo một ý chí " Miền nam là máu của máu Việt nam, là thịt của thịt Việt nam,..." mà thức dậy lửa cằm thù, lòng dũng cảm xông pha đánh giặc. Chúng tôi vào trận với khí thế hừng hực, cứ như hét một tiếng, quân thù sẽ lăn đùng ngã ngửa, chết liền.
Lối vào trận ngoằn ngoèo giữa hai sườn dốc đứng, bên trái ngọn Chư Ba cao 622 mét, bên phải ngọn Chư Goungot cao 705 mét, dưới chân là đá tảng chông chênh xen những gốc cây cổ thụ già, rừng nhiệt đới 3 tầng rậm rạp. Trời ơi... ! Chân dép, ba lô nặng, khí tài lủng củng, bệ phóng dài ngũng ngoẵng và những trái hoả tiễn hai khúc nặng nề trên vai, làm sao vào kịp thời gian đây? Cấp trên không dự tính được: riêng đoạn leo qua khe núi, mỗi giờ đi chưa nổi 500 mét đường chim bay. Lại còn nữa, đất quá cứng, toàn đá với sỏi. Công sự sâu nhất, đào chưa tới đầu gối. Mạng vô tuyến bị nhiễu chưa liên lạc được, mạng hữu tuyến đang trục trặc vì địa hình khó khăn, rồi còn phải phát quang xạ giới, lắp ráp liều phóng, trái phá và ngòi nổ...vv, bao nhiêu việc phải làm mới đánh được... Ở trên một tảng đá vát cao khổng lồ, tôi cùng Nhữ Quang Nhu và Đào Xuân Long được lệnh tháo rỡ Phương hướng bàn khẩn trương rút khỏi đài quan sát hiệu chỉnh bắn, (vì số khẩu đội của ta bắn kiềm chế trận địa pháo địch bên cầu Lệ thanh vào không kịp). Cấp trên đã lệnh cho rút hết số anh em tải đạn (nhằm hạn chế thuơng vong).
- Trung tướng Đức nhớ lại: Gần sáng mất rồi! biệt kích Mỹ sắp nống ra đây; Không thể hoãn đến tối mai được! 200 trái hoả tiễn đã vượt sông, áp sát trận địa, làm cách nào khỏi rơi vào tay địch?... Cực chẳng đã, phải đánh ngay. Lệnh chiến đấu: bắn hết cơ số đạn đã sang sông, được bệ nào phóng bệ ấy, được trái nào, phóng trái đấy...
Từng loạt hoả tiễn sáng loà triền núi Tây nguyên bay về mục tiêu cách khoảng 10 cây số, Đài quan sát báo cáo : " Đạn trúng mục tiêu !.. bốc cháy dữ dội!... "
Lại nói về Địch, họ thừa tiền bạc, vũ khí, trang bị và trình độ để có thể phát hiện Việt cộng, cho dù không ít lần "Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng". Ấy mà, lên khỏi mặt đất, đạn của chúng tôi buộc phải để lại sau đuôi nó những cột lửa sáng chói màu da cam kéo dài hai, ba trăm mét ! Chưa cần đến Vệ tinh định vị trên cao, chỉ những con mắt giao hội tầm thấp của pháo binh Mỹ dưới mặt đất cũng thừa khả năng chấm chính xác toạ độ trận địa triền núi cao vừa phát sáng. Đánh xong, thời gian chờ lệnh mới trên những hố công sự nông choèn, được tính bằng nhiều mạng sống của chiến sỹ ta. Sau khoảng 10 phút im lặng "chết người ", Pháo địch sườn phải, sườn trái, gần thì Sùng thiện, Đức cơ, xa thì đâu đó không rõ, đồng loạt nã tới như mưa. Mắt quáng gà, tai điếc đặc, chỉ còn cảm giác bằng da thịt như ai đó liên tiếp ném Bầu bịnh bịch, giần giật quanh mình. Bờ công sự ngang đầu gối, không ba lô thì biết đội cái gì lên giữ "Gáo" đây?
Trận "pháo bầy" ấy đã cướp đi vị chỉ huy cao nhất của Tiểu đoàn tôi (Đại uý Nguyễn Anh Cường)và... có Khẩu đội chẳng còn người nào...
... Chôn cất anh em trong nước mắt nghẹn ngào. Tiếc rằng, Giá như lệnh "rút nhanh" thành phương án trước khi vào trận, hết cơ số đạn là được chuồn thì đâu đến nỗi này. Hàng vạn cái "Giá như" đặt ra sau tổn thất cũng chỉ để làm bài học cho trận sau chứ có trả lại mạng sống cho các bạn tôi đâu...
- Chủ quan, khinh địch hay không hiểu về địch? anh bạn tôi xen ngang
- Không hẳn, đố ai đoán được chữ "Ngờ". Tốc độ hành quân chỉ đạt 20% so dự kiến. Vào muộn quá, không kịp bới sâu, làm nắp công sự. Đánh xong, lại phơi lưng cho địch quá lâu...
... Chúng tôi chỉ nhận được lệnh "rút nhanh" sau khoảng 10 phút đợi lệnh và sau đó nếm đủ mùi vị đầu đời của trận phản pháo “ruồi bâu” ấy. Trời vẫn tối nhìn chưa ra lối, pháo nổ, cây đổ ngổn ngang đè lên nhau, mặt đất nhan nhản hố pháo, lối rút lui biến dạng không nhận ra đường, một số khẩu đội lạc lung tung trong rừng...
... Rạng sáng, họ cứ hướng mặt trời sau lưng, cắt rừng mà rút, gặp Biệt kích thì tránh né lối khác, nhắm cho được về hướng tây. Vâng; đường mòn của ta nằm hướng tây mà. Vào trận khí thế là vậy, nhưng rút lui thì thật là...
- Vô hồi, vô phèng? anh bạn tôi xen ngang.
Không hẳn! Có Hồi nhưng chậm quá hóa hoảng. Thế mới có chuyện tụt hết quần áo vượt sông đúng lúc trái pháo địch rượt nổ sau lưng, giật mình, chỉ kịp với khẩu súng nhào xuống nước qua bên kia, nhanh ơi là nhanh. Lên bờ cứ thế mà chạy, lúc yên yên mới thấy lành lạnh trên người... nhìn sang bạn... trần như nhộng ... nửa khóc, nửa cười - hỏi .... của mày đâu ? Đội mũ đeo sao oai là vậy nhưng giờ... lục lặc giống hệt nhau. Ngó lại mình... tức muốn chết, tức ai đây ? bản năng sống đấy mà... Thế là hét nhau quay lại!
... Hội quân về căn cứ, thu dọn kỷ vật của anh em đã hy sinh gửi lên cấp trên mà lòng ngẩn ngơ nỗi buồn tổn thất. Cái gì đó vừa xót xa vừa nuối tiếc dâng lên muốn khóc. Cấm thằng nào khóc! khóc là hèn!
...Là học sinh vừa rời ghế nhà trường, lơ ngơ tham chiến trận đầu, chúng tôi thật sự thông cảm với các vị chỉ huy. Số đông trong họ là những chàng trai nông dân mặc áo lính, nhiệt tình và tự nguyện cầm súng giải phóng quê hương, dư âm xưa, 9 năm kháng chiến, Điện biên phủ tiền pháo, hậu xung như còn nóng hổi trong bầu nhiệt huyết. Có lẽ bài ca ai viết "Đế quốc Mỹ là con hổ giấy, chúng đừng hòng phá hoại đời ta..." làm chúng tôi lầm tưởng Đại bàng thật là Con hổ giấy? Chúng ta chưa hiểu hết đối thủ mới (Mỹ khác Pháp chỗ nào) nên mới phát lệnh "giữ vững trận địa chờ nhiệm vụ mới". Lúc ấy ai mà nghĩ được: nhiệm vụ mới là "chuồn nhanh", chuồn không chờ lệnh. Bởi, Trận địa ngay sau khi nổ súng, tự nó đã thành "Tọa độ chết" rồi. Phơi lưng tới mười phút, đau không hỡi giời? Sau này mới biết, Bộ binh ta tràn ngập căn cứ Mỹ rồi cũng phải biến nhanh vào rừng cơ mà. Chậm lại đó khác nào để thịt cho Mỹ ninh cháo.
... Sai lầm của đàn anh đi trước là bài học cho đàn em bước sau. Sau này, đánh cực nhanh, thoát còn nhanh hơn. Chỉ một phút sau là biến khỏi "chỗ ấy". Để chúng mặc sức đánh vào nơi không người hàng trăm, thậm chí hàng nghìn trái bom, pháo, nát đất núi, đổ cây rừng. Chậm gắn liền với Chết, Nhưng nhanh như anh bạn đây cũng chưa hẳn đã hay. Chuyện khó tin nhưng lại rất thật: cái nòng DKB tiêu chuẩn hai thằng khiêng còn ì ạch. Vậy mà có đứa đánh xong, hoảng hồn, một mình vác chạy mất dép, mất cả hướng, cắm đầu vào vùng địch. May có cơ sở trong ấy đưa ra, nếu không, mất trắng cả người lẫn pháo rồi.
Sau đấy, dời mảnh đất Tây nguyên, Chúng tôi mang "Hận" xuống đồng bằng đông nam bộ vào cuộc tổng tiến công tết Mậu thân 1968. Cuộc đối đầu không cân sức với quân đội Mỹ hai năm sau đó mới thực sự là đỉnh điểm của sự tàn khốc và hủy diệt. Là nguyên nhân "hội chứng chiến tranh" cho binh lính cả hai bên chiến tuyến sau này. Tôi gọi đó là thời kỳ “Vật vã”. Xin giới thiệu ở phần sau….
- Anh bạn tôi bảo: Những năm tháng ấy rất tự hào nhưng mất mát cũng nhiều?
- Nói đúng! Từng đêm gối súng đếm ngày về, mơ hoà bình thèm thuồng mọi thứ. Nỗi khát khao đến cháy bỏng, Ước gì... mặt trận im tiếng súng, người ta cùng trút bỏ hận thù, thôi chĩa súng, dội bom, nã đại bác lên đầu nhau. Ước gì... có một giây phút thảnh thơi rít liền một hơi dài thuốc lá, mà không phải nín thở nửa chừng, thấp thỏm lắng tai nghe "tiếng xé không gian của trái đại bác cầm canh lạc loài". Lúc ấy ai mà biết còn phang nhau hơn 8 năm nữa mới kết thúc.
Các bạn trẻ sinh ra trong hòa bình xin chớ quên rằng: Chiến tranh là thế đó và xin đừng châm ngòi cho nó, dù chỉ một lần, ở bất cứ đâu trên trái đất xanh quê hương yêu quý của tất cả chúng mình...
Đức Long
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét