Thứ Bảy, 1 tháng 3, 2014

01.Ác mộng (Tự Truyện- Đức Long)

01. ÁC MỘNG (Tự Truyện- Đức Long)

...Mấy thằng tây say phang chai rượu xuống bàn đánh choang. Đang xem nhảy đầm, bố gồng tôi trên vai bỏ chạy thục mạng khiến tôi bừng tỉnh. Thì ra ngày ấy nhà tôi làm bánh đa sợi, bán ở chợ Rồng thành Nam định. Đêm đêm súng đạn nổ ran phải tản cư về quê. Không lâu thì nghe tiếng ai Lanh lảnh ngoài ngõ: Đả đảo địa chủ... À, thằng bạn mới quen đầu ngõ đấy mà. Chẳng biết ai giúp nó bắc thang ló đầu trên tường bao nhà tôi, chõ vào, hét rõ to: "Đồ bóc lột”. Bố tôi nói, Nhà ông nội tôi to lắm, nhưng do nhiều thế hệ tích cóp mà có, chứ bóc lột ai đâu. Mấy dãy đầu hồi là nhà ngủ, đã bị “mooche” sập từ lâu rồi, vì cái ngày chứa trung đoàn 49 Việt minh tập kết đánh tây. Chỉ còn lại dãy nhà Khách, nhà Thờ, nhà Tế và nhà Việc… Bình lục lúc ấy không phân biệt Cường hào, Ác bá, địa chủ kháng chiến hay phá sản.v.v... Bắn tuốt. Cái Sợ, khiến cả họ nội tôi đành bỏ của, chạy lấy người. Kể từ hôm Bố và các chú tôi kín đáo đưa Ông nội ra đi, quần áo vẫn để nguyên ngoài dây phơi, đồ đạc vẫn lộn xộn ngoài sân, tiếng động trong nhà vẫn cố khua như thường lệ. Mấy người đang rình mò “Đả đảo” ngoài kia đâu có biết, trong này trốn đi gần hết rồi...

… Đêm nay đến lượt mẹ và tôi. Cái mâm đồng và chồng bát ăn xong vẫn để nguyên ngoài sân. Ban ngày hò hét đánh trống, khua chiêng khản cổ. Đến khuya mệt lả, chắc họ ngủ say lắm rồi... Mẹ rón rén mở cổng nghe động tĩnh, rồi quay vào nhẹ nhàng, đặt tôi lên một bên thúng, đòn gánh lên vai rón rén từng bước... Trời tối đen như mực. Vừa khỏi cổng, Chó nhà ai sủa ngậu lên, thật là tệ…Ngồi trong thúng, tôi chửi: mẹ bố con chó kia. Mẹ hết hồn,vội đặt gánh bịt miệng tôi, ghé tai thì thào, rồi hấp tấp vội vàng ngã giúi giụi... ... Thế là biến hết. Sau này người làng vẫn thì thào, cuộc bỏ chạy ấy là “ngoạn mục” nữa đấy.

Người Hà nội, kẻ Hà đông. Cứ thế mà chia nhỏ theo từng gia đình kiếm sống. lúc nào cũng nơm nớp lo sợ, họ lôi chuyện cũ ra thì có mà khốn. Gia đình nhỏ của cha tôi tới một thị xã xinh đẹp (Hà đông), cách trung tâm thủ đô chưa đầy mười cây số.... trên bến, nứa tre nhiều vô kể, dưới thuyền, tôm cá quyện từng đàn. Ít năm sau, nhà tôi đã biết xay bột bằng mô tơ điện, tráng và thái bánh bằng máy. Bánh (ông Tú) ùn ùn xuất đi Hòa bình và các tỉnh lân cận, trên những chiếc xe tải lớn. Nhà tôi cứ thế lại giàu lên nhanh chóng..

Lại nghĩ về chuyện ở quê…Người hôi của tận dụng cơ hội kiếm trác. Họ cứ đồn đại nhà Cụ cả có của quý nhiều đời để lại, chắc là chôn, giấu đâu đó. Thế là họ dỡ nhà. Các cột gỗ lim khó giấu thì tháo khiêng lên Trụ sở. Những phiến đá xanh, mang bắc cầu xe cải tiến qua mương... Nghi giấu của dưới nền, họ xới tung từng viên gạch móng dưới bùn ao hồ bán nguyệt... Không bao lâu, cơ ngơi ấy trở nên trống trải tan hoang…

Trên Phố … Rồi đến một ngày, Người ta gọi Cha tôi lên trụ sở mà khảo rằng: ... Nhà Ông vẫn không bỏ được "cái" thói hư tật xấu của Địa chủ phong kiến, bỏ quê lên đây lại tiếp tục làm ăn gian dối "kiểu" Tư bản chủ nghĩa... Bao nhiêu cái “tật” của Chủ nghĩa Tư bản, ông ta cứ thao thao mà chụp ào ào vào con người bé nhỏ của Cha tôi. Còn nữa, bà con còn phản ảnh, nhà ông không chỉ thuê mướn người làm, bóc lột nhân công, mà còn điêu trác, rắc cát vào bánh cho nặng cân để ăn lãi cao hơn .v.v.!

-Thưa ông! ngớ ngẩn lẫn cát là sạn bánh, thì lần sau chó nó mua à? ngu gì chỉ một lần là mất luôn cả nghiệp, Bố tôi đáp ngay...

- Không đợi hết câu, ông ta đập bàn, chỉ tay thẳng mặt, y như là đang đấu tố vậy: Ông bảo ai ngớ ngẩn, ai là chó... ai ngu, làm Bố tôi sợ chết khiếp!. Tôi cũng sợ hết hồn với cái đập bàn của ông ta, chợt tỉnh. Mồ hôi lại vã ra như tắm. Nhưng chỉ lúc sau lại thiếp đi. Thế rồi từ đấy về sau, Cha tôi cứ được “quan tâm” hoài hoài. Có trời mới biết, Họ đố kỵ với đức tính cần cù, chăm chỉ, cái đầu thông minh của Bố tôi, hay là sự lộ diện giàu có nhanh chóng của nhà tôi. Có sống ở cái thời ấy, mới hiểu hai tiếng "Bóc lột", làm Bố tôi sợ ... đến thế nào! Ông vội vàng "tự nguyện" vào HTX Thủ công nghiệp. Đồng thời ngoài giờ lén làm thêm nghề phụ (mạch nha, kẹo bi, kẹo lạc.vv) mới đủ cho thêm ba cái miệng nữa lần lượt ra đời. Tan học về giúp Mẹ, tôi đạp thẳng xe vòng qua cầu Am, sang Vạn phúc làng bên sông, gửi nhà người quen. Chờ tối đến, lén đội hàng bơi qua, lấy xe đi giao từng quán nước. Tủi phận mình xuất thân thiếu cơ bản, nên tôi luôn cố gắng học hành để có thể vượt qua các kỳ thi chuyển cấp. Nhưng chính từ cái hôm mắt thấy, tai nghe Ông ta "nhục mạ" Bố mình, thì lòng tự trọng của tôi bị xúc phạm. Thương Bố, suy nghĩ lung tung, càng lớn càng chểnh mảng học hành. Hận lòng cứ thế ấp ủ tôi, cho đến một ngày....Biển khơi, súng nổ... Sau sự kiện Vịnh bắc bộ, 50 vạn quân Mỹ ồ ạt đổ bộ vào Miền nam. Chia tay bạn học (2/1965), Tôi đăng lính CM và làm Trinh sát viên cho một, trong số ít ỏi những đơn vị lên đường làm “nhiệm vụ đặc biệt” thời bấy giờ (giải phóng Miền nam). Chỉ có lòng yêu nước mới giải thoát cho gia đình họ hàng nhà tôi khỏi những thành kiến, chụp mũ oan uổng.

…. Vượt Bến hải lên Tây nguyên, tôi lăn xả vào cuộc chiến. Nơi ấy, sống, chết chỉ cách nhau nửa sợi tóc. "Cái chết"... không phân biệt bần, cố, trung nông, trí, phú, địa, hào, trung, nam hay bắc? Tất cả chúng tôi xiết chặt tay nhau "tình đồng chí", mưu trí, dũng bảo tồn "Sự sống", quyết hiến máu đổi “Độc lập, Tự do”. Hướng về Hà nội với niềm tin: "nhất định Bắc nam xum họp một nhà". ... Mười năm cơm củ, rau rừng, tàu bay, môn thục…bữa no bữa đói. Vật lộn với cái đói quặn thắt, những cơn sốt rét co giật đến rợn người, với cái nồng nặc mùi lá cây, cỏ úa bởi chất độc khai quang, diệt cỏ, mưa bom, bão đạn sạm mặt người. Tôi dạn đòn sau từng trận đánh và lớn lên cùng năm tháng tự hào với Danh hiệu "Dũng sỹ..." được trao. Rồi đến ngày bốn tháng tư (75), trong thế tiến công như vũ bão vào dinh lũy cuối cùng của chế độ VNCH, đột nhiên tôi khựu xuống Vùng ngoại ô, vật vã vết thương “thập tử nhất sinh”. Bệnh án của tôi ghi liên tiếp nhiều trang bi đát: ... Chiến thương vẫn trong tình trạng thiếu máu nặng, niêm mạc xanh nhợt, ra mồ hôi nhớt, tim nghe xa xăm, hơi thở nông.vv.. Người ta sắp mang tôi đi chôn rồi. Không hiểu sao tôi lai tỉnh, với hình hài tong teo như một xác chết. Ròi bọ lổm ngổm rấm rứt mỏm cụt chân tôi. Ai cho tôi "niềm tin ..." mãnh liệt chiến thắng, trở về? Phúc đẳng hà sa tổ tiên, ông bà hay hồn thiêng sông núi? Hai năm sau liền da (77) tập tễnh "vết chân tròn" từ Sài gòn ngổn ngang thời hậu chiến, tôi hấp tấp về Thăng long xưa - Hà nội.

Về thôi! "Hòa bình, húp cháo cũng ngon mà”. Nào ngờ lại đến những ngày thiếu thốn từng cây kim, sợi chỉ. Trong chiến tranh nhường nhau từng mẩu sắn lùi, chia nhau từng hơi thuốc lá. Hòa bình rồi, sao vẫn chia ngọt sẻ bùi, cái nghèo mình "na ná" như nhau. Không ít lần xếp hàng cả ngày, chỉ mua được vài lạng tem thực phẩm, vài mớ rau héo, nát. Xô đẩy nhau đong gạo sổ, mọt đầy vón tổ, đói vẫn xô. Chen huých nhau uống vại bia "cửa hàng" kèm đồ ăn không hề muốn. Thẻ ưu tiên cũng chỉ nhanh hơn một chút. Sao mà lắm thẻ đến thế. Chỉ đến khi tụt tới cái đáy của sự thiếu thốn, người ta mới chợt nhận ra cái cần có là mở cửa, tiếp nhận kinh tế thị trường… "Kinh tế thị trường..." cái mà trước đó không lâu còn bị ghét cay, ghét đắng. Hết cảnh xếp hàng cả ngày, vui như đổi đời vậy. Chín mặt hàng thiết yếu được thỏa mãn. Người ta tùy ý mua, bán, vận chuyển kể cả "sức lao động..." để làm giàu. Hàng hóa không những nhiều mà còn đa dạng, phong phú, gõ cửa từng nhà. Thấy tiếc cho Cha tôi: giá sống ở thời này, hẳn Ông đã là doanh nhân tiêu biểu nhất. Ông đang trên sân khấu nhận danh hiệu kìa... Phấn khích quá, tôi vỗ tay thật lớn rồi chợt tỉnh. Bao nhiêu kỷ niệm lại trở về… thổn thức trong tôi…..

…Đứng im! đừng nhúc nhích ..., Nó bắn thăm dò thôi...
Chiếc Trực thăng vũ trang mỹ nghiêng mình nhả những loạt đạn ngắn xuống từng cụm rừng xanh còn lại trong cánh rừng khô vì chất độc hóa học.
...Chết cha! lộ thật rồi....! bắn lên đi...! Tôi gầm lên theo loạt đạn giáng trả cùng đồng đội…, chiếc Trực thăng bốc khói, chao đảo rớt thẳng xuống đè lên tôi ngạt thở... cứu tao..!.

- Bố!. Bố. Bố ơi!... - Con tôi vừa lay vừa làu bàu: cứ ngủ ở dưới quạt trần, là Bố lại mê sảng thế đấy. Choàng tỉnh; mồ hôi vã ra như tắm... Nó cháy dữ quá con à!

Lại Có lần, nửa đêm, mấy đứa chết từ lâu rồi lay tôi dậy: Đi mày ơi… Chúng đón tôi bằng con ngựa hồng, đi giữa hai hàng cờ hồng cứ như đón Grigori trong phim “Sông đông êm đềm vậy” . Chúng nó nằm lại trong rừng sâu, núi thẳm, ngày ngắm trời xanh qua kẽ lá, đêm dõi trăng soi, mưa xối xả, biết nẻo nào mà tìm. Lại nghe tiếng thằng Ngạnh, thằng Tể linh cảm chuyến đi này không thể quay về. Thế mà nó không về thật! Thằng Hảo lọt ổ kích, dép ở lại, chân đi, ngửi nòng súng khét mùi thuốc đạn, nó hỏi: Anh bắn trả lúc nào... nhỉ. Điếc tai quá em chẳng nghe thấy gì! (Trà cốt Tây ninh 1968). Thế Rồi năm sau nó lại yên nghỉ bên con suối tre róc rách, sau mấy loạt B52 đáng ghét ấy. Bên kia suối là căn cứ Dân y, có nữ bác sỹ Tư Mùi người nam bộ tập kết trở về, mới quen hay sang chơi. Thằng Cầm o e dưới hầm sập, bới lên, nghẹo cái đầu. Tắt thở rồi anh ạ... Thằng Thuận mân mê cây nhiệt đới hỏi cái gì cứng như sắt đây anh, cắm đầu chạy, tối tăm làn pháo địch. Thằng Thuần nhặt trái mìn lá dơ lên hỏi có ăn được không anh? ...Thằng Tích trần như nhộng núp trong bụi, chờ quần áo phơi trên đá chưa khô. Thằng Bảo lom khom sát lá Muồng châu, nốt hắc lào chỗ kín. Đùng một cái, chúng biến đâu hết cả...

… Rồi chúng tôi lại chìm vào cái lối sống vô cảm thời phong kiến, thực dân. Người Rủi ro. tủi phận nghèo hèn, lọ mọ nơi mom song, góc chợ. Kẻ may mắn, ngạo nghễ sang giàu, nửa tấc tới trời, khinh đời cọng rác lại ngất ngưởng làm cao. Quan Bá, Chí Phèo sao mà nhiều quá thể. Dân làng Vũ đại lại thấy xì xèo bàn tán râm ran. Cụ Bá, khéo thế mà vẫn bị một nhát. Hự!....: "cứu tao"! Miệng hét, tay khua, chân đạp…, tôi lại tỉnh giấc, biết mình lại ác mộng nữa rồi…May quá, tiếng xe ai đi làm sớm giật mình, tỉnh hẳn…

… Trời đã sáng rồi... Bước ra đường vươn vai hít thở, chào ngày mới. Cơn gió đầu hè phất phơ mái tóc điểm sương, cô thiếu nữ xung phong địa đạo năm xưa, nay đã thành bà lão. Mới ngày nào, từ cong oằn những vết thương đau, chan nước mắt tự hào, mẹ tiễn con ra trận. Đẹp lắm, anh hùng lắm. Nhưng mẹ hỡi, “Chân của con mất rồi”... Chắp tay nguyện cầu. Tổ quốc đẹp mãi trường tồn, không tiếng súng./.

Đức long E42

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét