Thứ Bảy, 8 tháng 3, 2014

08 - MẸ ƠI! CHÂN CON ĐÂU RỒI? - Đức Long

08 - MẸ ƠI! CHÂN CON ĐÂU RỒI?
 Đức Long
Bấm xem :
Mở mắt, tôi nghĩ mãi không ra, đây là đâu? rồi lại lơ mơ không biết gì nữa. Trên kia!...đúng mái nhà lá Trung quân, nhưng sao mình lại nằm đây ? nhìn xuống chân, thấy chỉ còn một chiếc, chân trái mất đâu rồi ? Mớ bông gạc to tướng trắng toát thấm đầy máu đầu mỏm cụt.

Nhớ rồi !... Địch bỏ chạy khỏi Chơn thành (lộ 13) sau những đợt pháo kích dữ dội của Trung đoàn 42 và vòng vây khép chặt của bộ binh sư đoàn 9 Quân đoàn 4. Tôi ghi vội vàng 24 chùm số X và Y là tọa độ 12 điểm phản ứng của địch từ Cơ sở ta trong lòng địch báo ra" qua sóng vô tuyến. Tôi ghi mà không kịp căn lên bản đồ, gấp vội cho vào túi tài liệu, hấp tấp lên xe trong sự hối hả, giục dã của cánh "Trìu" Thông tin: Trinh sát khẩn trương! để thu Ăng ten cho kịp hành quân!..

Kể từ Mậu thân 68 tổng phản công vào Sài gòn, cho đến lúc sang đất bạn Campuchia giúp ông hoàng Xihanuc, chúng tôi luôn là những binh đoàn chủ lực cơ động mạnh của quân giải phóng miền nam. Thế nhưng, không giống xuân Mậu thân, lần này, còn có thêm những binh đoàn hoả lực trẻ từ miền Bắc chi viện kịp thời. Chúng tôi tôn vinh lớp trẻ ấy là "Đại quân" còn chúng tôi chỉ là "Địa phương quân" và tự an ủi: Mình đã là thổ dân quen thuộc địa hình, chỗ nào khó nhất cần đi trước là mình. Mỗi lần khó hơn thì nhờ chị em Du kích giúp đỡ, bởi nếu không, sẽ đạp phải mìn là cái chắc. Lý do đó ! Quân đoàn tôi được lệnh nhường lại vị trí Tây bắc Sài gòn này cho sư đoàn 341 rồi nhanh chóng vòng xuống hướng Ba dừa lộ 4 tiến vào Sài gòn.

Có lẽ trời đầy, đơn vị bị sa lầy không sao tiến nhanh được, nghe đâu còn bị chìm nghỉm cả xe lẫn pháo dưới lòng sông Vàm cỏ đông nữa. Thế là việc đánh chiếm dinh Độc lập đã thuộc vào Quân đoàn khác từ Bắc tiến vào.

Vừa giao xong chiếc mô tô Honda cho cánh công vụ trung đoàn, còn đang ngó nghiêng tìm chỗ để dán mấy cái toạ độ phản ứng của địch ghi lúc nãy vào Bản đồ thì chùm bom rải thảm ập đến. Đúng nó đấy ! Lúc ấy chỉ là linh cảm, nhưng sau này bình tĩnh lại mới hiểu là chúng tôi đã rơi vào 1 trong 12 cái toạ độ chết... (Căn cứ cũ của đơn vị đặc công 429 gần Cầu Thị tính) .... Sự gấp gáp vội vàng đã khiến chúng tôi phải trả giá khá đắt đấy.

Tôi bò lết bằng hai cùi tay đến hầm trú ẩn sau nhiều loạt bom nổ tức ngực, hai chân tê dại, kéo theo cái cẳng chân lăn lóc đã bị cắt gần như đứt, chui tụt được vào miệng hầm. Ngồi lại ngay ngắn, định thần, cố gắng cử động cái chân không cụt cũng không được. Tưởng số phận của nó cũng "xong" rồi, bèn rút khẩu súng ra khỏi bụng. Tiếng trung đoàn trưởng Phạm Quới phía đầu hầm bên kia :

- Giữ chặt tay nó! lôi khẩu súng ở tay nó ra! tháo giày! cắt đoạn chân cho khỏi đau!

Thằng Thuần ( Cơ công trung đoàn) cậy tay tôi lấy được khẩu súng. Tôi rút dao găm vẫn mang trong mình bấy lâu đưa cho nó, cái hung khí để diệt địch, nay lại cắt chính chân mình. Thế mới đau chứ.

Nó tháo giày, lóng ngóng kéo chân tôi lên và cứa...

- Không được!... - Tiếng thằng Thuần vọng ra :

- Dai lắm không cắt được; Nó làm ra bộ cứng bóng vía nhưng vẫn run run cái miệng : Có gì kê... lên, em chặt một cái ...là đứt ngay !

Anh Bảy giằng lấy con giao trên tay Thuần. Cắt tiếp không đứt nên vọt lên hầm hét to:

- Khẩn trương Garo cấp cứu. Chặt cây làm cáng mau lên!...

Thuần lật ngược bàn chân tôi, ép vào chỗ cẳng chân đang đùn máu, lấy khăn Cà ma cột lại. Tay nó run run...

30 năm sau mới có dịp nghe anh Bảy kể lại: Ôm thằng Quế vào lòng. Máu ngực nó đùn ra, nhét băng gạc bao nhiêu máu vẫn đùn ra, đến giờ cứ nghĩ đến là đau hết cả đầu. Không phải chỉ riêng tôi mà còn nhiều anh em khác bị thương đang kêu cứu.

Chiếc võng buộc vào đòn khiêng, gác hai đầu đòn lên hai thành chiếc xe "GMC" sát Cabin. Bên cạnh là các đồng đội khác cũng lần lượt được đưa lên như thế.

Chiếc ô tô đầy máu lao vun vút qua sở cao su Dầu tiếng, qua làng 18 đến đầu rừng Ván tám. Thấy còn lại mình tôi trên chiếc võng đầm đìa máu, Anh bạn "Chu Tây" bỏ cả chiếc xe GMC ngoài bìa rừng, đưa thương binh vào viện. (
 38 năm sau mới có cơ hội vào thăm anh. Hãy bấm vào đây xem anh ta ra sao nào.)
Đến Viện thì mắt tôi tối xầm, chỉ còn nhìn thấy màu trắng. Tôi thấy nhiều cái áo Bờ lu không đầu, không chân tây như ma trắng lượn xung quanh rồi một tiếng hét to:

- Nắn động mạch háng xem còn không ...!

Có bàn tay nào đó sờ vào háng mình và một tiếng đáp lại rất to : Còn! Chỉ nghe thế rồi tôi thiếp đi không hay biết gì nữa.

Gần một tuần sau mới lơ mơ tỉnh lại. Một khu rừng tĩnh mịch, những chiếc võng xen lẫn những chiếc giường dã chiến làm bằng tre xếp hàng cạnh nhau và trên ấy là những chiến thương mình mẩy đầy máu đã khô cứng. Ông Đấu, bác sỹ quân y ngồi bên cạnh chăm chú nhìn tôi, rồi đưa hai bàn tay vuốt nhẹ thái dương tôi, vừa xoa vừa nói :

- Yên tâm đi; Cậu sống rồi! cả đợt cùng vào hôm đấy, chỉ còn tỉnh lại mỗi mình cậu, khá lắm! chịu giỏi lắm! Đến giờ nghĩ lại mới thấy giỏi gì, Ông trời chưa cho mình chết đấy thôi.

Tỉnh dần, tôi đã ý thức được tại sao mình lại ở đây, liền hỏi ông ta:

- Anh Chí Trưởng ban tác chiến đâu?

- Đi hôm kia rồi!

Còn anh Quế trợ lý quân lực?

- Đi hôm qua!

Hỏi tiếp đến các anh em khác, họ cũng đi rồi. Nỗi đau bỗng dâng lên nghẹn cổ, nước mắt tôi ứa ra... Hai bàn tay ông bác sỹ lại áp chặt khuôn mặt hốc hác, tái ngắt của tôi, ông nho nhỏ :

- Bình tĩnh, Đừng !...đừng xúc động quá , em...chiến tranh mà...rồi ông thét lớn:

- Cái Mai đâu! Cấp cứu!!!

Một mũi tiêm được trích ngay vào cánh tay; Tôi lại lịm đi không biết gì nữa. Cứ như thế, không biết bao nhiêu lần, tỉnh rồi lại ngất, ngất rồi lại tỉnh, cho đến khi tỉnh hẳn.

Tôi ngồi dậy được rồi! Ôi ! cái đùi chỉ bé như cái cổ chân, chét một vòng tay là vừa đủ. Mất máu , mất nước, người tôi khô đét lại. Tôi vẫn có cảm giác là cái chân mất vẫn còn, nên tự bước đi, nào ngờ, mỏm cụt chống xuống đất, ngã bổ nhào đau như trời giáng, lổm ngổm co chân lên, mớ bông gạc tụt ra! Tôi nhìn xuống thì trời ơi!!! cái gì đây... bị thối rồi... Cô Mai - y sỹ bế tôi lên như bế đứa trẻ nít...Lúc này, cả người tôi chỉ còn độ ba chục cân là cùng.

Bác sỹ buộc cái chân bị thương cheo lơ lửng, rửa vết thương xong liền đắp miếng gạc cho nước nhỏ giọt từ từ vào đó.

Hé mắt, tôi hỏi : hôm nay ngày bao nhiêu rồi ?

- Ngày 10 tháng 4 năm 1975; Đồng chí đã bất tỉnh gần một tuần rồi. Đồng chí đã chiến thắng cái chết thật rồi!.. yên tâm đi, quân ta đã vào tới Hậu nghĩa, bao vây Đồng dù, An lộc, sắp toàn thắng rồi ! Lúc đó cậu sẽ được điều trị tốt hơn, còn bây giờ thuốc men thiếu thốn đủ thứ, thương binh nhiều quá, hãy ráng chịu nghe em - Tiếng ông bác sỹ già miền nam cho đến nay vẫn ấm áp trong tôi không sao quên được.

Giật mình tỉnh giấc lúc nửa đêm, thấy lờ mờ qua ánh đèn dầu leo lét, một nhóm quân y bấm đèn Pin, xì xào bên cạnh võng của một chiến thương nằm bất tỉnh; Tiếng cô gái dè dặt :

- Tắt thở ... không có mạch... anh ơi !!!

- Để xem !... có tiếng nói nhỏ nhưng tôi nghe rất rõ: khiêng đi!

Thế là lại thêm một đồng đội nữa của tôi ra đi không trở lại . Lúc này tự nhiên tôi mới thấy sợ, liệu cái chết có đến với tôi sau một lần thiếp đi như thế ?

Tiếng súng đã xa rồi, nhưng tiếng bom thì vẫn gần đâu đây. Địch điên cuồng trong tuyệt vọng, vội vã trút những quả bom cuối cùng để chuồn nhanh ra biển. Khí thế quân ta như nước vỡ bờ, vậy mà tôi phải nằm lại đây với cái chân bị mất. Tiếc vô cùng !

Tôi nhớ đến mẹ, đến cha, đến từng người thân quen ở miền Bắc; Đã gần tròn mười năm không gặp lại họ. Ngày ra đi mới 17 tuổi, cái tuổi nếu là thời bình còn vòi tiền Bố mẹ ăn quà, vậy mà chúng tôi đã làm được những việc tưởng như không thể làm được.

Những con ruồi rừng bắt đầu đẻ trứng vào gạc ( mà không ! rừng miền đông nam bộ thường có loại ruồi đẻ ngay ra ròi con), ròi bọ lớn nhanh như thổi. Người y sỹ tháo gạc thay băng, mỏm cụt tôi nhung nhúc những là ròi, to có, nhỏ có. Bị ê te, cồn sát trùng chúng rơi xuống khay men quằn quại. Có tiếng:

- Vết thương có ròi là chóng liền sẹo lắm đó nghe!

- Đứa nào nói bậy đó ! - tiếng ông Bác sỹ, cả hội què đều im bặt.

Chỉ được một lúc, họ lại rì rầm bàn tán xung quanh chuyện ròi ở chân tôi. Chẳng biết lành dữ thế nào, riêng tôi thì cứ nhìn mà sợ chết khiếp. Bi đát vô cùng, vết thương bị hoại tử, toàn bộ chỗ da thịt, chỉ khâu đầu mỏm cụt bị thối rã từng mảng, mỏm cụt như cái rẻ rách, nhô đầu cái xương Chày ra thật là sợ. Không khí bi quan tràn ngập đầu óc tôi. Tiếng ông bác sỹ già :

- Phải bồi dưỡng nhiều tháng nữa mới có thể cắt lại cho em. Mất máu nhiều quá, không đủ nuôi chỗ bị thương nên nó thối ra, đừng sợ, không có gì nguy hiểm đến tính mạng nữa đâu! Chẳng hiểu thật hay chỉ là Ông ta an ủi tôi.

Từ đó, cứ mỗi lần thay băng, người ta lại gõ cái banh kêu cạch cạch vào mẩu xương hở, lạnh hết cả người, vài lần sau đó rồi cũng quen. Cho đến một ngày, sau mấy tiếng gõ, mảng xương khô bên ngoài rụng xuống, lộ ra một lớp sẹo đỏ hồng bọc phần còn lại bên trong. Bọn lính xúm lại chứng kiến một kỳ tích của tạo hoá.

Đã mấy tuần trôi qua, những chiến lợi phẩm của chiến trường đã thấy đưa vào cung cấp cho bệnh viện. Anh em được cung cấp đồ hộp Mỹ, những gói Mỳ tôm, cân thịt tươi và cả những loại thuốc men y tế quý hiếm. Và cũng thấy lớp dân công vùng mới giải phóng đầu tiên đến phục vụ thương binh. Họ là các anh, chị em của thị trấn Dầu tiếng, trong họ có cả anh em binh sỹ ngụy vừa thua trận, hoặc vừa rã ngũ. Mới hôm qua họ còn "tử thủ" ở bên kia chiến tuyến nhưng hôm nay họ đang giúp quân giải phóng giải quyết hậu quả chiến tranh. Chúng tôi tò mò hỏi:

- Hôm pháo bọn tớ nã vào trung tâm, lúc ấy các cậu ở đâu ?

Mấy cậu tranh nhau đáp, thật tức cười:

- Em ở trong căn cứ, cứ bò như con chó quanh cái nhà đổ để tránh pháo các anh, thằng nọ núp đít thằng kia, mỗi lần pháo dội đến, thấy tiếng rít thì đè lên nhau nằm bẹp dí, ôm đầu, nhắm mắt chờ chết; Đông , tây, nam, bắc đều có pháo bắn tới, pháo đâu mà nhiều quá trời, ớn quá trời.

Tôi khoái lắm, nhưng vẫn còn thăm dò: ăn nhằm gì với pháo bày của bọn Mỹ nã bọn tớ? Một cậu ngắt lời ngay:

- Không! Pháo Mẽo còn chạy chỗ khác được, chứ giờ tụi em chạy đâu ..? chung quanh toàn các anh hết trơn trọi. Thế rồi cả hội cùng cười xoà vui vẻ ( thâng 8 năm 67 ở Chư pả Lệ thanh Gia lai, bọn Mỹ cũng dần chúng tớ một trận như thế đó).

Tiếng nổ xa dần, thưa dần, xa tít rồi ngừng hẳn! Đài Sài gòn loan tin :- Bản tin chót của chế độ Nguỵ Sài gòn…”TT Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện …” Hết đánh nhau rồi !- ai đó reo vang cả rừng. Niềm vui đến bất ngờ, dâng nghẹn cổ, chúng tôi ôm chặt lấy nhau, lặng đi mà nước mắt cứ trào ra. Có lẽ chiến tranh quá lâu rồi, đau thương tang tóc, hy sinh, mất mát quá nhiều rồi, hoà bình, mơ hay tỉnh em ơi…? Đúng như ai hát đó "Khôn lớn rồi mà như ngây thơ..."

Rừng xanh trở nên vắng lặng, gió lùa ngào ngạt hương thơm, hình như ... có tiếng chim ríu rít gọi bầy...

Rừng ơi!... kỷ niệm mãi trong tôi, những trái Gùi chín đỏ, những củ Nho, củ Mài nấu cháo thay cơm, những chùm quả Trường chua loét, những con chim Cao các ngất ngưởng trên cao, những ngọn rau Bướm vươn lên xanh tốt trong cánh rừng khô vì chất độc hoá học... Rừng ơi ..! hãy cất tiếng Mẹ ru hời những đứa con còn nằm lại nơi đây, cho chúng tôi trở về thành phố, có nước mắt nào vơi đi nỗi buồn còn để lại nơi đây ?

Được tin tôi còn sống, đơn vị đưa xe lên đón, cùng lúc tôi được Quân y tuyến đưa vào nội thành điều trị. Tại "Tổng y viện Cộng hòa" Gò vấp Sài gòn-Gia định, nay là Quân y viện 175, tôi được "vỗ béo" để chuẩn bị cắt chân lần thứ hai. Bây giờ, trời của ta, đất của ta, một bệnh viện hiện đại đầy đủ tiên nghi cũng là của ta và một tập thể Y, Bác sỹ đầy kinh nghiệm đang sẵn sàng đưa tôi lên "đoạn đầu đài" một lần nữa.

Đã uống trước 2 viên thuốc ngủ cực mạnh khá lâu mà tôi vẫn tự rời xe lăn nhảy lò cò leo lên bàn mổ. Hai Bác sỹ Quang và Lộ nhìn theo lắc đầu lẩm bẩm: Mấy ông tướng trời đánh không chết ....

Nằm trên bàn mổ, tôi nhớ năm xưa Mẹ gạt nước mắt tiễn tôi lên đường, dõi theo con khuất xa dần cùng đoàn quân ra trận ...Mà giờ đây... Mẹ ơi..! cái chân sáo nhỏ của mẹ năm xưa... con đánh mất rồi... Tha lỗi cho con... mẹ nhé! - ...Lơ mơ, tôi thầm gọi: Mẹ ơi ..! chân đâu rồi..!

Chiến tranh đã đi vào dĩ vãng, nhưng còn đọng lại trong tôi một thời phải nhớ, những năm tháng rất tự hào, nhưng quằn quại, mất mát đau thương, nỗi khát khao...cháy bỏng, từng đêm đếm ngày về, mơ hoà bình, thèm thuồng mọi thứ. Hãy chia sẻ niềm vui với tôi và rồi ; các bạn trẻ của tôi ơi ! Chiến tranh là thế đó. Hãy nắm lấy tay nhau, đừng châm ngòi cho nó, dù chỉ một lần, ở bất cứ đâu trên trái đất xanh quê hương yêu quý của tất cả chúng mình ./.

Đức Long. Nguyên Trợ lý TS E42





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét