Thứ Hai, 3 tháng 3, 2014

03.Vật vã (68-70)

03.Vật vã (68-70) 
(Tự Truyện của Đức Long)

Chiến tranh qua lâu rồi, nhưng thi thoảng, tiếng gió Trực thăng nghiêng ngả rẽ cây rừng săm soi tìm kiếm, quăng lựu đạn, nã đại liên vẫn phảng phất trong giấc mơ của tôi...Nó bốc khói, quay lơ rớt đè ngạt thở. Người lính Mỹ rớt xuống đầm lầy hồi ấy, có lúc nào ác mộng như tôi? Hai năm ấy, gian nan, ác liệt triền miên. Chúng tôi có thể bất thần chết nhanh như tia chớp, bất kể lúc nào.
Nếu không nhầm, đó là hội chứng của sự đối đầu căng thẳng giữa cái gọi là chiến thuật "Phượng hoàng vồ mồi" của quân đội Mỹ với cái tạm gọi là "Chèo bẻo đánh úp" dai như đỉa của Tiểu đoàn tôi trong những năm 69-70 tại Đồng xoài - Phước vĩnh. Một bên là các đơn vị thiện chiến được trang bị tối tân đến tận răng, còn một bên là Tiểu đoàn K33 của tôi thiếu đói, nhưng vẫn gọn gàng và nhanh hơn bầy Sóc nhỏ.
Cuối (67), từ Tây nguyên, chúng tôi đi lằng ngoằng nghi binh rồi tiến về Đông nam bộ không mấy khó khăn. Quãng đường dài khoảng 700 cây số, ít đèo cao, dốc đứng, không thường xuyên có pháo địch hoặc máy bay bám theo chặn đánh, thi thoảng có vài chiếc máy bay trinh sát “OV10” như lạc mồi ngơ ngác vút qua.
Vừa tới địa phận miền đông (Sân bóng Tây ninh), chiếc L19 lượn lờ trên cao, dọc đường Kà Tum - Bà Chiêm đột nhiên tương pháo hiệu xuống. Ngay sau đó, một bầy Trực thăng đến nã xối xả vào đội hình chúng tôi. Một số chiến sỹ hy sinh, trong đó có trung đội trưởng “Hiền” trinh sát Tiểu đoàn. Bắn chán chê, chúng bỏ đi. Chúng tôi không được phép tự ý bắn trả, nhất là trong lúc chưa vào vị trí chiến đấu. Cũng từ đó, tụi tôi “tởm” Trực thăng hơn bất cứ loại máy bay nào khác. Thật không sai, nếu gọi nó là trận địa Pháo trên không.
Vượt suối Bà Chiêm, cắt ngang lộ đỏ, Ván Tám, Cây trường vào tập kết tại (Căn cứ Cơm nguội), rồi cùng với quân và dân miền nam đồng loạt nổ súng đúng vào lúc lời chúc tết của Bác Hồ trên đài phát thanh vừa chấm dứt. Căn cứ Mỹ ở Lai khê và các mục tiêu khác dọc quốc lộ 13 cùng lúc bốc cháy sáng rực một vùng trời đêm. Bà con nổi dậy diệt ác, phá kìm. Đài phát thanh 2 miền nam, bắc ra rả lời hiệu triệu, động viên và những bài hát xung trận khí thế sôi sục chưa từng thấy, làm náo nức lòng người “ Tiến về Sài gòn ta quyết diệt giặc thù... Tiến về Sài gòn ta tiến về thành đô”
Địch bị bất ngờ, nhưng chỉ chừng một tuần sau chúng hồi tỉnh và phản công lại dữ dội. "Trực thăng vận" thật lợi hại. Chúng rầm rầm đổ quân chặn trước, đón sau xuống trận địa suối Đòn gánh, đầu trảng Tem vv... Trực thăng chiến đấu lèn đặc bấu trời như bầy quạ đen. B52 ầm ì rung chuyển đất. pháo bày gào thét không tiếc đạn. Xe tăng địch san phẳng những rừng cây nghi ngờ, ủi bẹp cây cối hai bên quốc lộ 13. Rocket đốt trảng cỏ, khói bụi mịt mù...
Vài hôm trước đi qua, hai bên lộ Cây trường còn xanh cây bóng mát, nhưng hôm nay nắng chói chang, tràn lan những bao bột màu trắng cay xè. Chốc lát chúng tôi phải nằm xuống bên những thân cây đổ để tránh tầm nhìn của Trực thăng tuần tra sát mặt đường. Mùi khét lẹt của bom đạn và chất độc hoá học xộc lên tức ngực, mắt đỏ lừ. Chúng tôi thay nhau cõng cậu Đoàn bị trúng độc quay về báo cáo: Lính Mỹ đã đổ bộ đường không, chặn chốt sau lưng chúng ta. Cầu Thị tính đã có những công sự bao cát nổi và hàng rào kẽm gai nhiều tầng bao bọc.
Vượt lộ 13, dưới những làn bom rải thảm B52, tiếp tục tiến sâu hơn xuống Bông trang, Nhà đỏ, Bình mỹ, Bình cơ, An lợi, Chánh lưu, phố Chánh pháo kích căn cứ Mỹ ở Phú lợi - Bình dương...
Đã lâu lắm rồi, núp trong rừng cây bụi rậm. Nay mới thấy lút tầm mắt cánh đồng thênh thang lộng gió. Bếp nhà ai tỏa khói cơm chiều, thấp thoáng cô thôn ấp với tiếng dạ, tiếng em ngọt ngào như quê tôi thuở nào năm trước. Dân công Bình mỹ, Bình cơ chuyển đạn pháo giúp bộ đội. Thế là Chúng tôi đã lẫn vào dân, vùng ngày địch, đêm ta...
Đến lúc này, những đơn vị thiện chiến của Mỹ ở đâu đó đã kịp về phòng thủ Sài gòn. Bộ binh Mỹ nống ra liên miên. Các ấp chiến lược bị phong tỏa gắt gao, không thể ém quân số lớn. Tiểu đoàn buộc phải rút về rừng bắc cầu Võ tùng, thượng nguồn sông Sài gòn. Tôi, Ngạnh, Rợi và 3 anh em khác nằm lại ấp An lợi, Chánh lưu để đêm đêm pháo kích vào Phú lợi. Cứ mỗi hoàng hôn buông xuống, chúng tôi từ hầm bí mật chui lên chuẩn bị. Khi màn đêm phủ kín thì điểm hỏa dăm ba trái hoả tiễn “DKB” vào Phú lợi (3-4/68). Du kích cấp đạn, chỉ vị trí trận địa. Chúng tôi đo đạc tính toán phần tử và thao tác bắn.
Ấp Chánh lưu, An lợi bây giờ không biết đổi tên là gì ? nơi có má Năm, hai Hiệp, bé Giầu, cậu Giáp, út Điển, chín Chung, sáu Châu...và bà con xóm ấp. Họ đã nuôi, giấu chúng tôi dưới hầm bí mật, bón cháo cho tôi sau cơn sốt rét dưới hầm lên. Người đậy nắp hầm cho tôi lúc giặc đến, bắn kiềm chế chốt kế bên cho tôi rút lui, rồi sau đó tiễn chúng tôi về rừng trong nước mắt nghẹn ngào, hẹn ngày gặp lại. Bây giờ phiêu bạt nơi đâu? ai còn, ai mất? Ái gặp ngang trái gì? Những câu nhắn nhủ văng vẳng bên tai, hơn 30 năm rồi vẫn còn nguyên đó. Thế rồi cuộc chiến cứ trôi, dòng đời cứ chảy, số phận xô đẩy mỗi người mỗi phương, chưa một lần gặp lại.
Đợt 2, Đợt 3 tổng công kích Mậu thân trôi qua, chúng tôi vẫn chưa chiếm được Sài gòn. Tuy vậy hình như nước Mỹ đã có phần nao núng. Họ bắt đầu nhìn nhận chúng tôi bằng con mắt khác. Họ thấy dần tính phi lý của việc đưa con em họ vào chỗ chết. Phong trào phản chiến trong quân, dân Mỹ ngày càng lan rộng.
Sau Mậu thân là những năm tháng chúng tôi phải chiến đấu với một lực lượng hơn hẳn chúng tôi về quân số, trang bị vũ khí và kỹ thuật. Với những khí tài quan sát trên không cả ngày lẫn đêm, ném rải rác nhiều cây nhiệt đới có cái tai định vị rất thính, tung thám báo, biệt kích, gián điệp dò la vv... Địch không hề khinh thường VC, nhanh chóng rút kinh nghiệm và thay đổi cách đánh, và hơn thế nữa, cùng với sự dư thừa về hỏa lực đã gây thương vong cho chúng tôi rất nhiều.
Đầu Xuân 69, K33 tôi bí mật từ Tây ninh, vượt sông Bé đến Đồng xoài, rồi xuôi về Phước Vĩnh. Khi đến nơi buộc phải bật sóng 15 W để báo cáo lên biên giới, thì ngay lập tức bị phát hiện. Trên sóng PRC25, chúng thông báo cho nhau về nguồn gốc sự hiện diện của chúng tôi tại vùng đất mới. Hình như địch đã nghe quen nhịp "Malip" của điện báo viên chúng tôi. Chúng phủ đầu Tiểu đoàn bộ bằng ba loạt B52, bảy chiến sỹ Trinh sát đoàn bộ cùng lúc ra đi.. Họ nằm lại Sát bên căn cứ Dân y, bên kia con suối Tre nho nhỏ róc rách xuôi về sông Rạt,.
... Nhận tin đau, Tiểu đoàn phó Phan Chiu bật khóc. Chúng tôi quyết biến "Vồ mồi" của chúng thành "vồ...hụt". Đánh cho mệt mỏi sinh lực địch, hạn chế thương vong của ta. Lúc này, Bộ đội chủ lực ta hầu như chỉ tập trung "chăm sóc" các đơn vị Mỹ. Lực lượng Nguỵ còn yếu đã có du kích và bộ đội địa phương "thăm hỏi".
Lộ 14 với những địa danh K20, Trạm Ba Nhập, du kích Minh, Ấp Nước vàng, Chú năm Phạm, anh tư Cường, sáu Hoàng... xã Phước sang, bót Cây cam...sông Bé, Suối Rạt, Mã đà... là những cái tên mà chỉ có những người lính trong cuộc với những tấm bản đồ 1/25.000 của quân đội Mỹ mới hiểu được.
Với sự giúp đỡ của Du kích chúng tôi Pháo kích, làm địch ăn không ngon, ngủ không yên. Và ngược lại đám lính Kỵ binh bay, Anh cả đỏ và Tia chớp nhiệt đới cũng thay nhau đến đây làm chúng tôi thất điên bát đảo... Ác liệt, nóng bức, thiếu đói, bệnh tật đã làm những người lính K33 còn lại ở Phước vĩnh (Dbộ+C2+C3) tiều tuỵ về thể xác, Có một số suy sụp về tinh thần. Duy còn đôi mắt vẫn sáng và niềm tin hướng về Miền bắc thân yêu là không hề thay đổi. Vài anh em yếu bóng vía, không chịu nổi, bỏ ngũ chiêu hồi và bị ép buộc chỉ điểm. Tuy vậy cái lối đánh chu kỳ kiểu Chèo bẻo đột ngột công kích Đại bàng rồi mất hút, rút kinh nghiệm từ Lệ thanh ngày nào vẫn không ngừng tái diễn. Cứ khi nào có đủ đạn pháo, dẫu cái ăn vào bụng chỉ là củ Mài, củ Chụp, củ Nho, rau Bướm, Bép rừng tự hái lượm hoặc bất cứ thứ đọt cây, rễ củ nào ăn được là chúng tôi lại đánh. Địch ráo riết dò tìm nơi chúng tôi đóng quân, phát thanh lải nhải trên cao gọi “hồi chánh”, đồng thời in Họ tên một số anh em tôi lên truyền đơn dụ hàng. tung bay khắp rừng, Vài chiếc trực thăng nhỏ, đêm đêm cứ lập loè như ma chơi, lơ lửng xuôi ngược giữa lòng suối Rạt, vừa quan sát động tĩnh hai bên (vị trí đặt Pháo lý tưởng), vừa ai oán mời gọi anh em tôi về với “Chính nghĩa quốc gia”. Hàng nghìn tấn bom thảm, đại bác và chất độc phát quang rải xuống đã làm tiêu điều, xơ xác sự sống nơi đây. Khi mới đến (đầu 69) rừng còn xanh, đường vào hái nấm còn sạch như trong mơ, nay chỉ còn trơ trơ những cành cây cháy dở, những cánh rừng nắng khói ban ngày và lửa đỏ rực mỗi đêm.
Đã có dấu hiệu bị lộ từ cuối tháng 5 năm 1970, sau trận đánh của Đại đội 2, tám anh em không về nữa. Sau đó căn cứ tôi như có Ma rình. Chúng tôi mất cảnh giác không di chuyển căn cứ, Tiểu đoàn bộ K33 đã trở thành con mồi ngon cho đối phương chụp lên đầu. Đó là trận tập kích "duy nhất một lần vồ trúng" của lính Mỹ vào đơn vị tôi theo kiểu Phượng hoàng vồ mồi (sẽ thuật lại ở phần sau).
Cuối năm 70, sau gần 2 năm vật lộn kiệt sức ở Phước vĩnh, Đồng xoài, cái đói lại ập đến... Cấp trên điện lệnh : K33 phải rút ngay về biên giới củng cố lực lượng! Nhưng cái đói dai dẳng lâu ngày. Các con đường giao liên truyền thống đều bị địch cắt đứt, đơn vị phải chiếu phương vị bản đồ, luồn rừng, lách địch mà về! Lặng lẽ bí mật, bất ngờ vượt sông Bé thoát vây, lên biên giới vào cuộc hành trình mới trên đất Chùa tháp.
Hồi tưởng lại những ngày gian nan ấy, nhiều gương mặt thân quen đã ra đi, Vâng! Các anh là những người đánh cho Mỹ "Cút", tạo tiền đề để sau đây chúng tôi đánh cho Ngụy nhào. Ai quên cứ quên, riêng tôi vẫn nhớ. “Trở lại vùng ven” lần này ngô lúa đã lên xanh, hướng về chiến khu, chắp tay nguyện cầu: những cánh rừng Điều, Cà phê, bạt ngàn sẽ ấp ủ các anh, tiễn mỗi số phận nơi đây vẹn phần siêu thoát…/



30/04/2006. Đức Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét