Thứ Tư, 12 tháng 3, 2014

12.Hồ Chí Minh, niềm tin vui trở lại ... (Đức Long)

12.Hồ Chí Minh, niềm tin vui trở lại ...
(Bài viết nhân dịp sống, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người)

Trong hội thi báo cáo viên giỏi, Nhân thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" năm 2007 của Chi nhánh NHNo&PTNT Thăng long. Một thí sinh gái, nhỏ tuổi nhất hội thi đã gợi nhớ cho tôi một câu chuyện tuy xưa nhưng day dứt lòng người: Năm ấy, giặc Mỹ đánh phá Hà nội ác liệt lắm. Mùa nước nổi, sông Hồng vượt bờ quai, trên mức báo động 3. Chỉ một quả bom thù trúng đê, thì cả Hà nội sẽ chìm trong biển nước. Các đ/c Trung ương khuyên Bác đi sơ tán, bởi Chủ tịch phủ chỉ cách một con sóng Tây hồ là tới mép nước bờ đê. Bác trả lời: Tôi không bỏ Dân đâu!...
Người không bỏ Dân, sao dân nỡ bỏ người. Dân nguyện cùng Người … Kết thúc bài thi, rất tự nhiên, Bé cất lời ca nho nhỏ. Đôi mắt bé dần đỏ hoe theo lời ca mỗi lúc mỗi rõ ràng hơn: Chuyện kể rằng trước lúc người đi xa…Bác muốn nghe một câu hò… Khi Bé ra đời, Bác Hồ chỉ còn trên sách vở, vậy mà khi cất lời ca: Người nghe có cảm giác, y như "em gái nhỏ năm ấy” bước vào căn phòng nức nở ca, nuốt từng "lời Bác dặn trước lúc đi xa". Bé ơi! Phải chăng niềm tin mang sức thần cảm hoá, hay Bác đang về trong mỗi trái tim ta..? Cả hội trường lặng đi vì xúc động ... Không chỉ tôi mà nhiều người trong khán phòng hôm ấy đã rơi lệ.
Nhớ thời còn đánh giặc, khi Thủ đô mới giải phóng, tôi mới lên 7 tuổi, và cũng từ đó, nghe nói có một "Bác Hồ" được mọi người tin yêu. Thế rồi, cứ vào mỗi đêm mùng một tháng 9 hàng năm, ngó trước, nhìn sau... trộm viên gạch chân tường Văn miếu, chen chúc cùng bạn bè giữ chỗ, tranh nhau canh những viên gạch cho tới sáng để ước gì: trong đoàn quân duyệt binh rầm rập, đều tăm tắp sáng mai có Bác Hồ đi qua…
 Những năm ấy, cứ đến giờ khắc giao thừa, dòng người đón xuân quanh Hồ gươm đông như kiến hội, bỗng dừng lại, im phăng phắc, lắng tai... tiếng loa trên cây vọng từng lới chúc ấm áp của Người, như thể đón nhận không gian mới đầy hạnh phúc tràn về.
Giờ phút thiêng liêng ấy, tôi áp tai bên ống nghe "Ga len" (một loại thiết bị cổ, tự chế để nghe Radio thời đó), nuốt từng lời chúc của Người như uống từng dòng sữa Mẹ. "Miền nam là máu của máu Việt nam, là thịt của thịt Việt nam, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi..."
Dời ghế trường cấp III Nguyễn Huệ (Hà đông), anh em tôi mang dòng sữa ấy vào chiến trường khói lửa, thắng không kiêu, bại không nản, quyết xả thân vì non sông đất nước, theo lời Bác dạy kính yêu.
Sau ba đợt tấn công của chiến dịch Mậu thân 68, không chiếm được Sài gòn. Đầu 69, Địch phản công lại dữ dội. Hầu hết đồng bào ta bị gom vào Ấp chiến lược. Các đơn vị chủ lực lớn của ta bị đẩy lên sát rừng biên giới Việt Miên. Số ở lại chỉ là rất ít cấp tiểu đoàn hoặc đại đội độc lập, cùng du kính quân ẩn náu trong dân hoặc rừng ven đô bí mật bất ngờ đánh nhỏ lẻ. Cuối năm 69, các ngả đường tiếp tế từ biên giới Bù đốp , Bù đăng xuống Đồng xoài, Phước Vĩnh chúng tôi bị Biệt kích Mỹ phong tỏa hoàn toàn. Trong lúc Địch tìm diệt ráo riết thì cái đói khủng khiếp lại ập đến. Một lần trinh sát phước Vĩnh quay về, chúng tôi gần như ngất xỉu, khi nghe tin "Bác" đã đi xa. Tôi ngả mình dài trên một thân cây đổ, buông cây súng vô hồn, thẫn thờ bâng quơ nhìn trời xanh, mấy cành cây xơ xác lá, ngẩn ngơ như mất đi thứ gì quý giá nhất trên đời. Dưới cái nắng nung người, nồng nặc mùi lá khô vì chất độc diệt cỏ càng làm cho nỗi buồn thêm tê tái. Thiếu cơm, đói muối lâu ngày, gối chân rã rời. Mặc cho cây súng trượt sõng soài dưới đất, tôi buột miệng kêu: Mẹ ơi!.... Nghĩ đến, Miền Bắc quê tôi! đã xa, càng xa vời vợi. Tự hỏi lòng rằng ngày về còn nữa không em? Chợt nhận ra tiếng than ấy có thể làm đột quỵ anh em, tôi vội lảng sang chuyện khác. Hỏi "Củ" luộc có còn không?. Tớ đói quá…
... Chuyện buồn mãi, cho đến một ngày… Lễ tang Bác được cử hành trọng thể tại Hà nội. Chiến khu "Đ" cùng cả nước nín thở lắng nghe Di chúc của "Người", do Tổng bí thư Lê Duẩn nghẹn ngào lời điếu văn tiễn biệt. Một tia sáng, dù chỉ rất nhỏ nhoi, thấp thoáng xuất hiện cuối "đường hầm 69". Chúng tôi chợt nhận ra. Thì ra, Bác đã đi xa, nhưng Đạo đức trong sáng, ý chí và nghị lực của Người vẫn còn nguyên đây đó. Quan trọng hơn là điều ấy đã thật sự thấm sâu vào từng con tim, khối óc của từng đồng chí trong BCH Trung ương lúc bấy giờ, củng cố lại niềm tin "Tất thắng" cho toàn thể quân và dân hai miền Nam, Bắc quyết chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, dành độc lập, tự do. Vâng! Những cơn sốt rét thâm môi, tím mắt, cái đói cồn cào quặn thắt từng cơn, cái chết chỉ cách nửa sợi tóc kề bên. Còn nữa, với sự cám dỗ vật chất của kẻ thù vẫn mời mọc từng đêm. Chúng tôi quyết không đảo ngũ,"Chiêu hồi", đầu hàng hay phản bội. Chúng tôi tiếp tục đánh và đánh còn hay hơn trước... Ấy...Chính là đức tin vào con Người Việt nam trong sáng ấy! Sự trong sáng của Người khiến những người “có học” ở phía bên kia chiến tuyến cũng phải nghiêng mình bái biệt. Suốt ngày tang lễ, không một tiếng súng nào của địch bắn qua.
 Đức tin ấy là điểm tựa vững chắc nhất giúp chúng tôi giành lại từng thế chủ động trên chiến trường Đông nam bộ lúc bấy giờ. Thế rồi ngày 30 tháng 4 năm 75, đời việc gì đến đã đến. Ước vọng và lời chúc của Người thành hiện thực, Bác ơi!...Cả nước như trẻ thơ, vui, hò, reo ngập tràn đại thắng. Sài gòn tưởng như Bác tiến về cùng những canh quân ta.
 ...Hoà bình lập lại, giang sơn gấm vóc ta đã gom về một mối. Noi gương "Người", cả nước quyết xây dựng một con "Rồng" Việt nam mới. Chỉ hơi tiếc rằng, có một thời... mình quá say "Cộng trạng"...mà sao lãng lời dạy của Người, coi nhẹ lợi ích "trồng người". Để những bóng ma "Bá Kiến, Chí phèo" lại chập chờn quay về nhạo báng cảnh trái ngang.

...Giờ đây, xem lại những thước phim đẫm lệ lễ tang Người, tôi bồi hồi, xúc động, không chỉ muốn khóc mà còn muốn ước... Nếu được ước thì: ước gì non sông bất khuất VN ta lại sớm sinh ra một người con đức, tài như thế, một BCHTW như thế, để hàn vá lại nóc nhà truyền thống đạo đức, để lấy lại niềm tin "nói và làm" như thế. Và ước gì cái đó lại thấm sâu vào từng con tim, khối óc của mỗi chúng ta như thuở nào Bác mới "đi xa". Thế thì "bầy sâu" còn đâu nơi ẩn náu. Cuộc mưu sinh đâu còn tới độ nhọc nhằn thâu đêm nơi góc chợ, mom sông. Những thế lực "cơ hội" đâu còn nơi chọc ngoáy khối đại đoàn kết dân mình.
Có một thời ta đã sống như Người. Đến nay, tại sao ta không thể làm như Người, để tình đồng chí, nghĩa "Đồng bào" lại mặn nồng như Bác thuở nào vẫn sống ở trong ta?
Vẫn biết rằng, tạo hóa sinh ra loài người với trí thông minh càng tuyệt vời bao nhiêu thì lòng tham càng "vô đáy" bấy nhiêu. Thế gian này biết bao những Thánh nhân cả đời dày công tìm tòi cái gọi là để "tiết chế" lòng tham vô đáy ấy. Nhưng xem ra còn nhiều điều phải bàn lắm...
 Lòng yêu nước thương dân và Tấm gương đạo đức trong sáng của Người, phải chăng cũng là "một lời giải" cho bài toán cực khó ấy? nếu Được vậy thì quý biết bao. Dân giàu, nước mạnh... ngoại xâm vắng bóng. Tổ quốc vững bền, hòa bình muôn đời mãi mãi Việt nam ta./.
Vui cùng Xuân Giáp Ngọ. Bấm vào đây Xuân tặng Anh 2014 để chúc nhau nào đồng đội ơi: 


Thứ Ba, 11 tháng 3, 2014

11- Trở lại Vùng ven

11.TRỞ LẠI VÙNG VEN (4/2006)

Tình cờ, VTV3 mời tôi làm nhân chứng cho chương trình "Bài ca chiến thắng" nhân kỷ niệm 30 năm ngày toàn thắng (30/4/2005). Thật không may, đúng sau cái đêm vết thương tái phát co giật gần như thức trắng,  tôi gắng gượng đến trường quay S9 VTV với khuôn mặt tái nhợt, (vì trót hứa với Biên tập viên Hoàng Trang đến tận nhà mời)... Bởi đang đau trong người, tôi như ngồi trên chảo lửa, chỉ mong nhanh chóng kết thúc chương trình. Ai ngờ kéo đến gần 3 tiếng đồng hồ có khổ thân không chứ. Trộm nghĩ , đen thế không biết, trăm năm mới có một lần được phỏng vấn trên truyền hình toàn quốc mà lại bị đau thế này, sức đâu để  trả lời tỉnh táo đây.  Chỉ có một câu hỏi, làm tôi nhói đau bởi hoàn cảnh không thể nói ra.
- Sao nhớ chiến trường thế, mà đã 30 năm rồi, chú chưa trở lại thăm nơi ấy?- MC hỏi. Chẳng lẽ nói cộc lốc một câu; Chú không có tiền đi thì ngượng chết.  Nên đành chữa thẹn rằng - Chú tin một ngày, có đủ điều kiện chú sẽ trở lại thăm chiến trường xưa! Trộm nghĩ, bọn trẻ ngày nay được học hành có khác, chúng toàn xoáy đúng vào chỗ cần xoáy. Chỉ có điều lão già ngại không nói thẳng thôi. Ngày xưa đi đâu, Ở đâu, nhờ dân đấy, có gì ăn nấy. Ngày nay … Khác lắm rồi!  Nghe nói “cơm tù” dọc quốc lộ 1 mà phát ớn. Không tiền lấy gì mà đi? Lại còn chuyện, ông bạn lâu ngày mới tìm thấy, nhà nghèo có mỗi con trâu là đầu cơ nghiệp, đập chết thịt liền đãi đồng đội. Biết chuyện, anh em lại phải quyên góp bốn phương tám hướng, trong nam ngoài bắc để cứu nguy …. Kể cũng ngại.
… Thế rồi, thấm thoắt đã tròn một năm qua, cũng vào dịp 30 tháng tư năm sau (2006), tôi gom đủ tiền  "Trở lại vùng ven" như đã chót hứa với truyền hình. Nhưng rồi sau lần ấy chẳng còn ma nào thèm phỏng vấn tôi nữa. Thế là tôi đành viết truyện “Trở lại vùng ven” này vậy…Sau nhiều lần dập xóa, viết đi sửa lại chưa hài lòng mà vẫn gửi cho Tuổi trẻ điện tử “Mãi mãi tuổi hai mươi” duyệt đăng liền. Nay tôi nắn nót lại đôi chút, góp vui cùng đồng đội E42 nghe…
… Con tàu tốc hành hướng nam đưa tôi trở lại vùng chiến sự hơn 30 năm trước. Ngày ấy, hằn học trên đầu là tiếng gầm rít của các loại máy bay quân sự mỹ. Rình rập dưới đất với những họng súng đen ngòm núp trong từng gốc cây, ụ mối. Tôi dán mắt vào cảnh vật lao qua vun vút để cố tìm ra một chút kỷ niệm xưa. Xa xa lút tầm mắt, non sông ta trải dài mênh mông, kỳ vĩ khiến lòng tôi nao nao khó tả. Con tàu còn mỏi bánh, vậy mà chỉ với đôi dép cao su, điều gì khiến chúng tôi xẻ dọc Trường sơn như huyền thoại thế vậy?  Phải chăng là sức mạnh kết tinh  từ ngàn năm xưa để lại. Tổ quốc tôi!... đất nước tôi tuyệt vời và đáng yêu biết bao. Có được phút gạt bỏ mọi ưu phiền thường nhật để thảnh thơi ngắm nhìn không biết chán nước non này, tôi cố liên tưởng hình bóng người xưa cầm gươm đi mở cõi với đồng đội tôi ngã xuống trong cuộc đấu tranh để giữ lấy dải đất này, nước mắt bỗng ứa ra. Chúng mày nằm đâu? Mấy thằng bạn của tôi? Lịch sử được viết thêm những trang vàng trong cuốn sử ngàn năm anh hùng xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước. Thương người xưa đi mở đất, xót bạn tôi đã hy sinh. Trở lại Nam bộ lần này, tôi quyết viếng thăm cả những người còn sống và đã khuất.
  Nơi đầu tiên là gặp mặt các bạn chiến đấu cũ nhân ngày họp mặt hàng năm của tiểu đoàn 10 pháo binh Miền đông, tại nhà đ/c Thịnh Trinh sát, gần Ngã ba Thái lan, Long thành trên đường Sài gòn - Vũng tàu. Hơn 30 năm mới gặp lại, chỉ còn biết ôm chặt nhau mà rằng: Còn sống là tốt rồi. Mong rằng bà con trong quán nước ven đường hiểu cho điều ấy; “Hai thằng già” ôm chặt nhau còn hơn cả tình nhân.  Giọt nước mắt nhớ về kỷ niệm dìu nhau trong lửa đạn, sốt rét tái từng cơn, bón từng thìa cháo, chia nhau từng hơi thuốc lá, mẩu sắn lùi. Tình cảm ấy, chỉ có những người lính, từng kinh qua cuộc chiến đấu một mất một còn mới hiểu được. Chúng tôi ôn lại quá khứ hào hùng của Tiểu đoàn, trải qua bao thăng trầm lịch sử chiến tranh. Tiểu đoàn ấy, bao nhiêu lần phải bổ xung quân số? Bao nhiêu lần đổi tên tách ra nhập vào…vv. Đại đội 3 sau trận đọ súng ven sông Bé (cuối 1969), B40 bóp cò kêu cái tạch, đạn thối không bay, xe tăng cán lên còn lại vài đứa. Rồi từ một đơn vị Pháo phản lực vác vai thuần nhất ( DKB-K33 thuộc E69- Pháo binh Biên hoà) chuyển dần thành tiểu đoàn hoả lực đa năng của binh chủng Đặc công  (D10 - 367)?  Bạn bè tò mò hỏi tôi chết rồi, sao sống lại?... Ôi đủ chuyện trên đời. Riêng có một chuyện được trao đổi rất nhiều, đó là trận “ Ma làm” sẽ kể lại riêng.
 Lưu luyến chia tay nhau, tôi tiếp tục đến thăm và cảm ơn vị Trung đoàn trưởng năm ấy, người ra lệnh dùng dao găm cắt nốt cái chân đứt dở để cứu tôi thoát chết trong trận đánh cuối cùng. Anh cùng gia đình đang sinh sống tại Phường Thảo điền Quận 2 TP HCM. Nghe anh kể, tưởng như mới xảy ra hôm qua. Anh nói :  nghĩ lại giây phút ấy là đầu mình lại nhức nhối vô cùng, tiếng gọi cầu cứu,  thất thanh: "Anh Bảy ơi... " như đặt cả niềm tin cứu sống vào người chỉ huy, vẫn còn như tiếng sét trong đầu anh. Nhìn thằng Chí, biết không sống nổi, nó mất cả mảng mông và cái đùi thì làm sao sống nổi...Ôm thằng Quế vào lòng, nhét bao nhiêu bông, gạc vào ngực mà máu vẫn cứ đùn ra. Là chỉ huy, biết chiến sỹ mình đau đớn trước lúc đi xa mà bất lực hoàn toàn, xót lắm mày ơi.  Những năm hoà bình, anh thường tập thiền nhưng vẫn không sao quên được. Lúc ấy đầu càng đau dữ dội. Tôi ăn với anh bữa cơm có măng “Le”. Ngày ấy măng Le thay cơm, nhưng bây giờ lại là đặc sản. Có thể anh đã thông báo cho một số anh em lập nghiệp ở trong này nên, sau khi chia tay anh, tôi có nhiều cú điện gọi đầu tiên của đồng đội cũ muốn gặp nhau. Như anh chàng Chu tây ngày ấy đưa tôi đi cấp cứu. Gần 12 giờ đêm rồi mà chuông tôi còn réo, oang oang tiếng anh ta: Nói địa chỉ chỗ mày đi !... Chỉ cần có địa chỉ thì nửa đêm ngóc ngách nào ở cái đất Sài gòn này, tao cũng đến được ngay bây giờ... Khuya lắm rồi thôi để lần sau đi, hết phép sớm mai phải về bắc rồi. Trung, nam, bắc có cả, đồng đội tôi ở lại Sài gòn lập nghiệp khá đông. Nhưng thời gian hạn hẹp, làm sao đến thăm hết được. Hứa thì hứa vậy chứ biết khi nào... lần sau đây? Một lần cũng đủ ốm lắm rồi… Nghĩ vậy mà lòng vẫn cầu mong, may ra có dịp nào đó … chúng nó còn sống cả…
Tạm biệt những người còn sống, tôi đến Đền Bến Dược Củ chi thăm người đã chết. Thôi, chẳng nhớ chính xác chúng nằm chỗ nào thì đến đây vậy! Chính nơi đây, tôi đang điều nghiên “Căn cứ Đồng Dù”, có điện gọi về gấp “kết nạp…”. Thắp nén hương chắp tay cầu nguyện. Ai đó thỉnh lên 3 tiếng chuông dõng dạc, ngân vang khu đền linh lặng. Không nén nổi xúc động, nước mắt tôi cứ thế trào ra. Người đến viếng đông lắm, nhưng sao im lặng, trật tự đến thế.  Có phải hồn liệt sỹ trên kia vẫn lặng lẽ chứng giám lòng biết ơn, sự ngưỡng mộ và nhìn lại chính mình của mỗi chúng tôi ? Cầu cho vong hồn các Bác siêu thoát, cầu cho hoà bình vĩnh cửu trên đất nước này. Hơn bốn vạn rưởi đồng chí đã ghi danh thành hàng, thành lớp trên kia, và còn bao nhiêu nữa, chưa tìm thấy hoặc chưa nhớ hết ? Vâng, đó là những anh hùng đã ngã xuống trong 2 cuộc kháng chiến, dành lại những gì cho thế hệ hôm nay đã có, đang có và sẽ có.
Ôi!... những cái mái cong như đình, chùa, miếu mạo thường có trên bao làng quê Việt nam. Nhưng độ bền vững, sự bề thế và trang trọng thì không đâu bằng. Tôi thầm cảm ơn ai ? đã bảo vệ nguyên trạng mảnh đất còn ghi dấu tích bom đạn này và tạo nên một quần thể đền đài thờ tự hồn liệt sỹ ngàn năm uy nghiêm đó.  Sông Sài gòn  hiền hoà lượn quanh phía sau gợi lại kỷ niệm của những lần vượt sông trinh sát. Ngày ấy " Bobo" của giặc rẽ sóng khạc đạn khét lẹt vào đôi bờ ẩn nấp, Trực thăng chiến đấu rà sát mặt sông, săn đón từng cụm Lục bình trôi tản mạn theo dòng. Vẫn khúc sông này Đồng đội tôi, những Ai lặng lẽ trôi cùng dòng máu loang không trở lại?...
  Cây đèn "Angcol" tự tạo lại đưa tôi đến một kỷ niệm khác - Rừng địa đạo Củ chi. Chúng tôi bước vào cửa rừng và thấy mấy chiếc võng đung đưa qua lại - Nhớ quá đi thôi, năm xưa chúng tôi cũng vắt vẻo như thế. Tôi tiến lại gần và thấy hơi khác một chút. Hồi ấy, chiếc võng nylon mỏng dính và chúng tôi mắc võng kiểu khác, đơn giản, nhanh hơn, càng nằm càng chắc chắn, nếu có "động", chỉ cầm 2 đầu dây giật mạnh, võng tự rời rất nhanh, tiện tay kéo luôn xuống địa đạo hoặc vừa bôn tẩu vừa cuộn võng lại. Vừa nói tôi vừa thao tác lại để mấy người cùng xem. Vào sâu trong rừng, một cửa hầm bí mật thời đó hiện ra. Có cậu sinh viên thăm quan tò mò đã tụt nửa người xuống địa đạo, hai tay giơ lên, miệng la to : không tụt được. Tôi đùa : Có mấy trái đại bác nổ trên này, chắc cả đoàn SV các cháu sẽ tụt hết xuống đấy trong nháy mắt thôi. Mọi người cùng cười vang vui vẻ... như chưa bao giờ được cười vậy. Ngày xưa các cô,  các chú cũng cười "đã" như các cháu vậy đó, nếu tổ quốc bị xâm lăng, màu cờ sắc áo bị lăng nhục, thì dù thế hệ nào cũng vùng lên kiên cường như vậy cả, lòng tự trọng đó đã ăn sâu vào máu dân nam ta rồi, các cháu à!
Trang phục của các cháu hướng dẫn viên làm tôi lại nhớ dáng người thiếu nữ ngày ấy đã hướng dẫn từng bước chân tôi đi tránh mìn gài dưới cỏ, dẫn tôi giữa lòng địa đạo tối thui. Nay em phiêu bạt nơi đâu? Ô kìa, tượng những người du kích trong bộ đồ năm ấy (tượng hay Ma nơ canh mốt thời thượng nhỉ?), vẫn cây đèn "nguéo", vẫn chiếc khăn rằn, tấm vải dù... đứng hiên ngang trong chiếc lều lợp lá hiện ra trước mắt. Hình như người thiết kế chương trình này đã đoán trúng tâm lý chúng tôi. May mắn, tôi ghé vào chụp vài tấm hình chung với các cô ấy làm kỷ niệm. Hồi đó, mang tiếng là cựu  trinh sát chủ lực Miền đông, nhưng đã vào đất Củ chi này thì phải theo chị em du kích, dẫn đâu đi đấy, chỉ đâu chui đấy, không hề biết cấu trúc tổng quát và phương thức an toàn như hướng dẫn cụ thể bây giờ. Nghĩ cũng phải thôi. Biết để mà các ông bô bô ra có mà chết cả lũ.
Những hố bom "đìa" chỉ còn sót lại trong rừng được bảo tồn, có một thời trên đấy trơn trọi là đất khô, khét tanh mùi máu và thuốc đạn. Nay cây đã lên xanh. Hàng tấn bom mìn được đào lên, vô hiệu hoá và gom trong các căn nhà mái lá dừa nước, làm lưu niệm. Trong vô số những mảnh bom đó, mảnh nào đã phạt đứt chân tôi? Câu ca năm ấy  " ...Cá nhớ đồng xưa về xây tổ mới, giữ trứng nuôi con trong từng hố bom đìa..."  khiến lòng tôi dâng lên một nỗi nhớ, thương, mủi lòng muốn khóc. Còn nhớ những nụ cười năm ấy, trong khói bom, vẫn hiên ngang không biết cúi đầu. Ôi đẹp làm sao! Cái đẹp của sự rắn rỏi, duyên dáng, diệu kỳ. Nếu còn phép, chắc hẳn, tôi sẽ ở lại đây một đêm để cảm nhận dư âm gió sông Sài gòn đung đưa từng nhành cây, ngọn lá, may ra có được giấc mơ  gặp lại người xưa…. Người con gái năm ấy đang cười với tôi kìa… Nhưng không thể được, tôi đang chạy đua để tìm lại ngày ấy của chính mình.  Có bao nhiêu bạn bè biết vẫn sống mà chưa gặp mặt? Bao vùng đất và con người đã cứu sống và giúp tôi vượt qua lửa đạn chiến tranh, vẫn chưa tìm thấy? Nhưng dù ít hay nhiều, tôi đã tìm lại vài hình ảnh năm xưa của chính mình. Trở về Hà nội với công việc mưu sinh hàng ngày, ghi lại cảm xúc của mình với đồng đội và mời các bạn trẻ " Mãi mãi tuổi 20" cùng nghe. Xin gửi khúc tâm tình này đến Huyện đội, ban quản lý khu di tích Bến Dược - Củ chi và xin trân trọng cảm ơn Đảng, nhà nước và các đồng chí " Đất thép Thành đồng". Mong các đồng chí giữ mãi danh hiệu bất tử ấy.


 Đức Long

Thứ Hai, 10 tháng 3, 2014

10- Vượn con bám địch

10. Vượn con đi bám địch (1970) 

Tập hát cho đời trẻ lại nào đồng đội ơi!
  http://www.youtube.com/watch?v=816nee8XORE
  

Chiều Sở thú, mấy chú vượn đùa nghịch làm tôi chợt nhớ một bi kịch cách đây hơn 30 năm trước. Vào lúc quân đội Mỹ hung hăng, tàn bạo nhất ở nam Việt nam. Chúng tôi pháo kích một căn cứ lớn của chúng ở huyện lỵ Phước vĩnh và sau đó bị đánh trả, 8 chiến sỹ mình mất tích. Căn cứ tôi bị lộ, Địch đổ quân bao vây, tấn công định bắt sống Tiểu đoàn bộ (K33-E96-F75). Chúng tôi thoát vây vội rút lên căn cứ cũ trên K20 (tây nam rừng Cát tiên ngày nay) nhưng vẫn không yên tâm, vì chỗ này cũng có thể bị lộ và chúng sẽ truy kích tiếp. Xuyên rừng, chúng tôi đưa đơn vị sang tây lộ 14 lập căn cứ mới cách sông Bé chừng 3 Km (1970). Ổn định xong lán trại, Trinh sát Tiểu đoàn cần trở lại điều nghiên và nắm thêm thông tin về 8 chiến sỹ mất tích nói trên.
Định phương vị, hướng về xã Phước sang, nơi ấy Địch vẫn đang cay cú, ráo riết truy tìm tung tích Tiểu đoàn tôi. Đã hai ngày liền đi theo vết phác thảo trên bản đồ, đến sáng ngày thứ ba thấy Trực thăng địch đã thu hẹp vùng bay, Pháo địch dội liên tiếp trở lại yểm trợ. Lẫn trong tiếng pháo địch, một tiếng nổ đanh gọn, một tiếng "soạt" khô ráp và một vật mềm rớt đến bịch xuống đất. Rừng cây ào ào như có lốc, đàn vượn hoảng loạn lăng qua, lăng lại ẩn nấp.
- Nổ bậy quá!- Vừa lao tới, tôi vừa trách mắng lính tôi nổ súng bậy bạ. Trách thì cứ trách, nhưng mừng trong bụng chắc mẩm sẽ có cái măm đây. Từ ngày đường tiếp tế hậu cần 49 trên Bù đốp Lộc ninh xuống đây bị cắt đứt, chúng tôi buộc phải đào bới và săn bắt bất kể cái gì có thể ăn được trước hết là để sống và sau nữa là bám đánh tới cùng. Nhưng bắn vào lúc này thì thật là liều lĩnh "quá trời".
 Trước mắt chúng tôi, chú vượn con lông trắng ôm trên bụng một vượn cái màu vàng sẫm nằm ngửa bất động bởi một lỗ đạn quá hiểm, phá toác trên ngực. Cả  bọn ào đến rõ nhanh nhưng rồi khựng lại, ngây người ra, ngỡ ngàng. Vượn mẹ không ôm vết đau mà lại ôm chặt đứa con trên bụng, không rơi sấp mà nằm ngửa. Phải chăng nó cố xoay lưng đỡ cho đứa con bé bỏng? Nhìn Vượn sữa chưa thay lông bấu chặt, nhay nhay cái ti vô cảm kia. Tôi như bị thôi miên bởi ảo ảnh một bé con đang bú người mẹ đã chết. Thương nó đến lặng người, tôi quên biến mình đang nổi cáu.
- Thở dài ngán ngẩm, tôi nghĩ: May quá! Vượn con không sao! Có thể vết đạn hiểm khiến Vượn mẹ không kịp giao con cho bầy đàn trước khi rớt xuống. Nghe nói, lông vàng là vượn cái thường được cả đàn chăm chút, ưu ái. Khi nó gặp nạn, các chú vượn đực màu đen nhanh chóng đỡ lấy đứa con, rồi chớp nhoáng giúp nó thoát hiểm. Đàn vượn núp đâu đó trên cây thi thoảng kéo lá che thân, bất lực, vén ngó nhìn xuống...
- Nào buông ra đi! mẹ... không còn sữa đâu! - Vừa nói, tôi vừa gỡ nó ra khỏi mẹ. Nó níu chặt lắm không chịu buông, miệng kêu chít chít. Tuy không trực tiếp nổ súng, sao đôi tay vụng về của tôi cứ run run như chính mình có tội. Vừa ra khỏi  mẹ, vượn con vội túm chặt lấy ngực áo tôi rúc đầu vào nách như cầu cứu. Bối rối - Tôi ôm nó quỳ lặng thinh như tượng đá... Bóng một phụ nữ ôm con nằm lại... trong đoàn người bồng bế nhau chạy giặc...cứ hiện ra trước mắt tôi. Dụi sáng đôi mắt tối sầm, gạt mồ hôi vã ra lấm tấm như bị cảm....
Hiểu thấu lòng tôi, các cậu ấy bới rất nhanh một cái huyệt! Với cử chỉ ấy, chúng tôi ngầm nói với nhau rằng: Đừng ăn thịt mà hãy chôn cất mẹ nó tử tế...

...Xong việc, Vượn con bám vai nhóm Trinh sát lầm lũi ra đi...Bỗng cậu Hiến cất tiếng: Nó mà chu lên thì bỏ mẹ...

- Ừ nhỉ! - Quay lại!... lại ngay! Nhanh!-  Tôi cũng vừa nghĩ đến điều ấy, để chúng tự tha nhau đi. Sao mình ngu lâu quá vậy - Miệng nói, chân tôi quay ngoắt trở lại, vừa chạy tôi vừa bực bội với chính mình. Anh em lẽo đẽo chạy theo. Vội vàng đặt vượn con vào chỗ cũ, chúng tôi ẩn nấp quan sát và nghe ngóng. Bám cỏ một mình nó bắt đầu kêu... Kêu mãi, kêu hoài, kêu đã lạc cả giọng mà chẳng thấy Mẹ nó đến cứu.
- Cứ bỏ đấy, chút nữa bọn nó đến đấy anh ạ!
- Không! Im quá, chúng bỏ đi hết rồi! nó chết mất!  - Sốt ruột, tôi trả lời. Từ ngày chiến sự tăng lên, bản năng sinh tồn khiến loài thú khôn hơn rất nhiều. Bầy Voi rừng còn biết nằm im, lấy vòi đắp lá nguỵ trang cho nhau khi mới chỉ nghe nho nhỏ, tít từ xa tiếng "đầm già" L19. Loài vượn này chắc chắn còn khôn hơn thế. Không thể chờ thêm được nữa, giành nhau ôm vượn con, chúng tôi tiếp tục hành quân. Dõi theo từng vòng lượn của máy bay địch đang lui dần ra hướng lộ 14, chúng lui tới đâu, bọn tôi tiến tới đó. Bám dưới những gốc cây nắng khô đổ lửa, mồ hôi ngứa ngáy khó chịu, lúc bò, lúc chui, lúc lội, lúc chạy vượt trảng trống như muốn hụt hơi ... Và chẳng bao lâu đã đến vùng buộc phải "Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng". Vùng Địch đang lùng sục. Biệt kích và ổ phục kích nhiều như lá rừng, sự Sống và cái chết chỉ cách nhau một sợi tóc! Mang theo vượn con là đùa giỡn với tử thần - Tôi nghĩ vậy. Chân bước, mắt đảo tròn, tai lắng nghe từng tiếng động nhỏ nhưng lòng phân vân, lo lắng. Không lẽ vất đi? mà đứa nào có gan vất nó?... Nghĩ mãi chẳng ra, thôi thì mặc kệ! Tới đâu hay đó vậy!...
... Những tia nắng chiều đã đổ dài bóng cây trên trảng cỏ trước mặt. Cái nóng gay gắt đang nhường chỗ cho những cơn gió thoảng mát, ngái nồng mùi rừng úa, hoa cỏ dại. Tôi chợt mừng vì vừa nhận ra đường mòn quen thuộc, nhưng lại giật mình khi thấy dấu giày Biệt kích mới tinh in trên đất còn hăng mùi cỏ nát. Đồ hộp khui dở đang rỉ từng giọt nước toả mùi thơm làm chảy nước miếng. Biệt kích vẫn còn đây! - Nghĩ vậy, tôi khoát tay báo hiệu nguy hiểm. Anh em đồng loạt gạt khoá, sẵn sàng nổ súng. Với bao thuốc lá dở dưới đất, thì thào: Hút đi! Chúng vừa hút, không sợ lộ mùi đâu!... Nấp vào từng gốc cây, chúng tôi châm thuốc lấy lại bình tĩnh...
Hải chỉ chỉ vào vượn con trên ngực tôi, ý nói: Hãy cẩn thận. Tôi ớn quá, nếu nó "toe lên" đúng lúc đi ngang qua Ổ kích, thì chắc chắn mìn "Claymore" của Địch sẽ thổi tạt vào sườn và rất có thể sau ánh chớp sáng loà ấy, tất cả chỉ còn là bóng đen vĩnh viễn.
- Bóp chết nó ư? - Tôi vòng ngón tay lấy cổ nó dứ dứ làm hiệu hỏi. Nhưng anh em lắc đầu ...
Nằm rạp một lúc lâu nghe ngóng tình hình... Chúng tôi lại gật gật đầu, đã chết thì cùng chết vậy! Hình như vượn con cũng linh cảm thấy có biến nên cứ nép mình nằm im trong ngực. Chỉ vào tay Hải, tôi lắc đầu để cậu ta đóng lại chốt quả Da láng (Lựu đạn Mỹ), chưa cần thiết, lỡ tay chết cả lũ. Vén cao ống quần báo hiệu trái gài, cảm giác ống đồng sẽ kịp nhận ra khi chạm vào cái dây gài chết tiệt đó. Thấy ghê ghê, khang khác thì dừng chân ngay. Nhưng cũng phải gỡ cho thật khéo, nếu không vẫn toi đấy. Biệt kích Mỹ thường gài pháo hiệu hoặc mìn sát thương bên đường mòn, nằm phục kích. Đôi khi chúng gỡ bỏ lúc rút đi. Nếu phát hiện sớm, bước chân nhẹ nhàng, không tiếng động là có thể lọt qua ổ kích mà địch không hay biết gì. Và có lần thật hú hồn vì vừa qua khỏi thì địch phát hiện đánh mìn, nổ súng sau lưng.
Vượn con sang lưng Hải để tôi vượt lên trước. Những lúc căng thẳng đến nghẹt thở, nhịp tim thình thịch như bật khỏi lồng ngực, anh em trông cậy cả vào những người lâu năm chiến trường như tôi. Mà nào tôi có hơn gì anh em. Cái mùi vừa khét nhà binh, vừa thơm đồ hộp của toán Biệt kích phía trước vẫn thi thoảng lọt vào lỗ mũi sau mỗi cơn gió ngược, tuy làm tôi nuốt nước miếng nhưng vẫn rợn hết cả người. Dấu giày in trên cỏ còn cho biết có nhiều toán Biệt kích cắt chéo qua đây.
- Bỗng Vượn con kêu "oé", cả bọn giật thót người nằm rạp nghe động tĩnh. Một hồi khá lâu... Không thấy gì, tôi ngó về phía Hải. Cậu ta lắc lắc đầu, ra điều không sao. Có thể căng thẳng, nhỡ tay ôm chặt, nó kêu đó thôi. Toát hết mồ hôi hột. Hải nhăn mặt hít hít cái mũi thảm hại, bò đến thì thào bên tai tôi: Ướt hết gáy em rồi! nó cũng sợ vãi tè, anh à!. Giá như giặc không gần thì cười một trận cho đã...
 Vẫn phành phạch tiếng Trực thăng lượn qua đầu và rì rầm tiếng xe nhà binh ngoài quốc lộ 14. Đôi khi nhìn hành động của Trực thăng bên trên có thể biết dưới đất chúng đang làm gì. Nhưng làm sao biết được chúng kéo dài cuộc hành quân đến bao lâu nữa?
Tạm dừng một lát, thì thào với anh em một số điều cần thiết và trường hợp "nếu buộc phải nổ súng, tứ tán đội hình...thì tập kết về giao điểm hai con suối đằng sau", rồi lại tiếp tục lần theo dấu vết Biệt kích mỗi lúc mỗi dày đặc hơn. Tay ngoặc trong cò súng, lưng khom như cò lội nước, rón rén tránh cành, lá khô, từng bước tiến về phía trước. Mỗi tiếng động nhỏ phải nằm xuống nghe ngóng bởi đó là tín hiệu của "cái chết"... Đã thấy mái lợp kiểu "quân ta" ở trước mặt (căn cứ của một đơn vị du kích nào đó). Tất cả rút chốt "Da láng" nằm im, lắng tai những động tĩnh bên trong... Im lặng dễ sợ... Cứ thế lết dần từng chút. Đồ Biệt kích lác đác xung quanh khoảng năm chiếc hầm thùng có lợp nóc nhưng không có vỏ đạn. Theo dấu vết để lại thì họ bị động sơ tán đi vội vàng. Sau đó Địch đã vào đây phục kích khá lâu nhưng không gặp đối thủ. Nếu đến đúng lúc ấy thì chín phần máu sẽ đổ! Có thể chúng vừa đi khỏi đây? Phải chăng Vượn con đã kéo chúng tôi chậm lại một chút? Mất mát lắm, rủi ro nhiều khiến bọn tôi tư duy như những kẻ mê tín dị đoan vậy. Lại nhớ chuyện mới hôm kia, khởi hành khỏi đơn vị chưa lâu đã gặp một chú Rùa bò lên rừng đẻ trứng. Không chừng xúi quẩy, chuyến này đụng "Tăng quỳ". Tạm dừng thịt chén giải vía cái đã rồi mới đi...
 - Miệng nịnh, tay tôi chuyển Vượn con cho Hải... Anh em sửa soạn nấu bữa tối dưới hầm thùng... Quyết định chốt lại đây qua đêm. Xong xuôi, tôi mắc võng xong, ngả lưng và bây giờ mới có thời gian vuốt ve nó. Mà lạ thay, nó hết sợ và bắt đầu nghịch ngợm, ngoáy mũi, sờ tai, túm tóc. Hình như nó đang xoa dịu nỗi đau của tôi đang nghĩ về 8 chiến sỹ mất tích, ai còn, ai mất, ai bị bắt, ai quyết tử để Tổ quốc quyết sinh, ai không chịu nổi đòn thù tra tấn? Vì sao căn cứ của chúng tôi bị lộ?...Cảnh giác để đâu mà mất thế chủ động này? Cứ tự hỏi mình vòng vo tam quốc vậy mà chưa có đáp số nào...Muốn làm rõ  thì chỉ còn trông cậy vào đội Du kích Phước sang, chú năm Phạm, anh Tư Cường và... Hai năm nay Tư Cường như con thoi, đưa chúng tôi khắp các bãi trảng chọn từng vị trí đặt pháo, canh chừng để chúng tôi đo đạc tính toán toạ độ bắn, cung cấp thông tin Mục tiêu, bám chốt Mỹ lấy thực phẩm lót lòng. Đôi lúc mệnh lệnh của anh có sức mạnh hơn Thủ trưởng của tôi. Nhớ lúc Con gái anh tròn xoe đôi mắt nhìn không chớp mấy chú "Việt cộng" (lúc bà con bị lạc trong rừng “Ruốc cá”). Có lẽ cháu chưa một lần nhìn thấy Bố đang cộng tác với “ViCi” đáng sợ nhưng lại đẹp trai, hiền khô, dễ thương thế kia. Lớn quá! Đáng ra mình phải gọi Tư bằng chú mới phải đạo  ... Cô gái chớp chớp đôi mắt đỏ hoe... Bà con đi cùng bạo gan hỏi: Mấy ảnh... là "Giệc cổng" sao?... Địch dọa để dân sợ "Giệc cộng", còn tôi chỉ biết chờ hai cha con trao đổi tình cảm xong là bảo Hải đưa họ ra ven lộ về Ấp. Khuôn trăng tròn ngấn lệ khuất dần sau gốc Săng lẻ còn đọng lại cảm thương trong tôi cho đến mãi bây giờ. Anh Tư tâm sự với chúng tôi về sự chia ly tan tác của gia đình anh... và Chiến tranh đã làm anh đớn đau đến là vậy...
 Bằng mọi cách chúng tôi phải tìm Anh, người Du kích mưu trí, linh hoạt, gan góc và dũng cảm ấy! Tìm nhanh để còn nhờ chăm sóc vượn con này nữa chứ. Màn đêm xua dần cái nóng nực ban ngày, không gian đã dịu mát, quanh đây thứ hoa dại nào nở về đêm, hương thơm thoang thoảng dễ chịu. Mệt mỏi, tôi thiếp đi lúc nào không hay... Vượn con rúc vào gặm mút trong ngực gây nhồn nhột làm tôi tỉnh giấc. Cái mùi hoang dã của nó lúc này mới thấy hôi làm sao. Tôi mặc kệ bởi nghĩ mình có thơm tho gì hơn đâu...vuốt ve vài cái rồi lại lơ mơ suy tính...
... Có lẽ đói, chú ta bắt đầu lên tiếng. Mới đầu chỉ là những tiếng "ngoe" thưa thớt nhưng càng về khuya tiếng kêu càng the thé, càng dồn dập. Tiếng kêu như nức nở, hờn giận, oán trách và căm thù hành động sáng nay của những kẻ đã nổ súng hạ mẹ nó. Màn đêm hồi ấy vẫn thường làm những "Việt cộng" gan cóc tía cảm thấy tự do, sảng khoái và dễ chịu hơn ban ngày. Nhưng sao đêm nay nghe lành lạnh, ghê ghê, rờn rợn cứ như hồn Mẹ nó hiện về bám theo lẩn quất đâu đây. Tiếng khóc của đứa con mất mẹ đau nhói lòng người! Âm thanh ấy đánh thức trong tôi một miền quê nào đó vừa quen, vừa lạ. Phải rồi! Xóm trại, tiếng trẻ khát sữa hờn đêm... Moi túi 8 thứ lấy gói Milk (đồ biệt kích Mỹ) quậy nước cho nó uống và động viên anh em cố chịu đựng đêm nay, hình như Biệt kích rút rồi. Vượn con chỉ chóp chép một chút rồi lại gào tiếp, làm rối tung, rối mù cả lên. Vất bỏ thì sợ Chồn đất làm thịt nó, còn để lại mà chẳng may quanh đây có Biệt kích hoặc "Cây nhiệt đới" phát tín hiệu thì chắc chắn chúng tôi phải trả giá bằng mạng sống của chính mình. Nhưng chẳng có một giải pháp nào hay hơn bởi vẫn chỉ là "tội nghiệp nó mà". Tôi lấy mũ bọc nó đặt xuống hầm cho nó ấm hơn và để cái âm thanh dễ lộ ấy đỡ vang xa. Một lúc sau, tiếng kêu lịm dần... Chúng tôi cũng lịm theo ...vì cũng "Bết" lắm rồi!
- Có tiếng sẹt...ầm! Trái Đại bác địch nổ văng mảnh soàn soạt quanh đây. Tiếng nổ to thế mà chú nhóc không phản ứng gì? Có lẽ sinh ra trong bom đạn, bản năng sinh tồn buộc nó tự biết im lặng hay vì kiệt sức sắp chết rồi?...Cứ mơ mơ, tỉnh tỉnh cho đến khi...Có tiếng thì thào bên tai: Nó còn sống anh à! em vừa cho uống sữa, uống nhiều lắm, đái ướt hết rồi...Tôi choàng tỉnh nhao vội xuống. Nó còn sống thật!...cởi áo đắp thêm và yên tâm nói: Các cậu  yên tâm ngủ đi! pháo bắn gần, chắc chắn "Tụi nó" không ở quanh đây! Sáng dậy sớm...tính sau!...
...Màn đêm chốc lát lại có những tiếng động làm giật mình. Thì ra các cậu ấy không ngủ, cứ ngoi lên, thụt xuống chăm nó.
- Cậu Hiến vừa chui lên vừa lẩm bẩm: D.Mẹ...chưa biết mùi đàn bà đã phải nuôi con nhỏ! Tìm anh Tư đâu bây giờ đây...con ơi…
- Vâng đúng rồi, tôi vẫn biết là phải tìm ngay Tư Cường, nhưng khốn nỗi ban ngày tìm còn khó nữa là đêm tối giặc giã thế này. Chờ tìm được Anh, chắc gì Vượn con còn sống? Hết cách rồi! chỉ còn biết thao thức chờ sáng. Chưa khi nào chúng tôi lại mong trời nhanh sáng như đêm nay. Cầu trời trận càn chiều nay đã kết thúc để ngày mai Dân Be được vào rừng...gửi họ nuôi "Bé".
 Tờ mờ sáng hôm sau, bốn đứa đã nấp sẵn ở bụi cây ven lộ 14 chờ đợi. Cũng thật là sốt ruột! Chờ mãi không thấy gì. Cũng không có dấu hiệu địch mở trận càn mới nên chúng tôi vẫn kiên trì ...
- Có thể bị “thọc đũa từng lon huygo* cơm", nên họ ra trễ đó thôi - Cứ đoán già đoán non như vậy...
- Kia rồi...! Chiếc xe be đầu tiên chấp chới xa xa, mừng hơn mẹ về chợ! Vượn con sống rồi! Nhanh lên chút nữa bà con ơi! Tôi nói cậu Hiến khéo mồm! Chuẩn bị năn nỷ đi!...Thật khéo để người ta nhận nuôi nó!...
...Nó bị đói! lần sau các chú phải ôm nó ngủ chung nhé - Họ nói thế. Nghĩ bụng làm gì còn lần sau nữa, bọn tôi sợ hết đời rồi! Chắc các bạn cũng giận chúng tôi lắm? Nhưng mà thôi! tha thứ đi, Chiến tranh mà!...Sau mấy lời năn nỷ:
- Ừ! mấy chú để tôi ... nếu sống... về được Sài gòn cũng bộn tiền đây! - Miệng nói, tay ôm, chưa gì người ta đã vội vàng quay đi. Chúng tôi nhìn theo người đàn ông làm "Be" xa dần và bắt đầu thấy nhớ... Thế là cuối cùng, đã gửi được vượn con cho một người không quen biết. Biết họ có quý nó không?...
...Bầy vượn đăm đăm nhìn tôi trên kia, biết đâu chẳng là con cháu của chú Vượn trắng gửi nuôi năm ấy?...
- Ông làm sao đấy? - Tiếng gọi giật giọng của bà xã. Vươn vai, vặn mình, hít một hơi thật dài như vừa tỉnh cơn mê... tôi nói:
- Để tôi kể mình nghe… nhé...
Đức Long
Hát cho vui nào! - Đồng đội ơi!

Chủ Nhật, 9 tháng 3, 2014

09.Cô gái tìm cha (2001) - Tự truyện của Đức Long

09.Cô gái tìm cha (2001)





... Thưa chú! Có phải trước đây chú là bộ đội?...

- Vâng! Đúng

- Của tiểu đoàn K33? Tiếng K33 làm tôi như điện giật bởi quá khứ hào hùng và thương đau của nó.

- Vâng đúng thế! Vậy có việc gì thế?... câu chuyện kéo dài dài… nhưng thôi để khi nào gặp nhé…

Tới một ngày ... Một phụ nữ trạc tuổi ba mươi? đôi mắt to, lạ mà như quen bước vào, lễ phép chào : Thưa chú , cháu là Phương Lan con gái liệt sỹ Nguyễn Anh Cường!

Ðôi mắt ...vâng ! chính đôi mắt ... Bất giác trong tôi một hình tượng quá khứ hơn ba mươi năm trước. Chính trị viên trưởng Tiểu đoàn Nguyễn Anh Cường nhìn tôi, đôi mắt to và sáng, nước da trắng trẻo, mái tóc ngôi lệch lúc nào cũng gọn gàng, nói năng tế nhị, lịch thiệp và có duyên với phụ nữ ... Anh vẫn thường vui vẻ nói con gái anh mới hơn một tuổi xinh lắm, đứa nào đánh giặc giỏi về, tớ gả con gái cho. Anh là sỹ quan được đào tạo bài bản từ Liên xô về và ngay lập tức chỉ huy Tiểu đoàn mới thành lập của tôi vào chiến trường, giữa lúc hơn năm mươi vạn quân.... Mỹ đổ vào miền nam.

Lại thoáng trong tôi, hình bóng anh lần cuối tại vị trí tập kết, khi tôi vừa trên đài quan sát về. Trong ánh đèn pin loang loáng, bên anh là, Cẩm trinh sát viên và Ðiểm công vụ, đang hối thúc đoàn quân khẩn trương chiếm lĩnh trận địa.... Trong trận đánh ấy (tháng 8 năm 67), Căn cứ Mỹ ở Lệ thanh bốc cháy, nổ tung. Nhưng, Anh không về nữa.

... Suy nghĩ miên man một lúc, bỗng tôi ngắt lời : nhưng mà lâu quá rồi, sao bây giờ cháu mới đến? ...Người con gái rơm rớm nước mắt kể. Tôi nghe lịch sử gia gia đình, về bà, bố, mẹ, tin sét đánh từ chiến trường bay về, quá trình lặn lội tìm Bố lúc Tây nguyên đang còn Phulrô quấy rối. Và cuối cùng, phải nhờ đến ngoại cảm, tâm linh. Tuy vậy vẫn lơ mơ không rõ chốn nào - nghẹn ngào cứ thế kể... Còn tôi, cứ theo lời kể mà hình dung lại quá trình về phép gặp anh lên Ðại từ - Thái nguyên thăm nơi Mẹ và cháu cùng trường Ðại học sư phạm đi sơ tán máy bay Mỹ. Rồi cùng anh hành quân dọc Trường sơn, anh mang sắn lùi đến tận nơi, khí tôi ăn như dụ dỗ trẻ nít, lúc tôi vừa qua cơn sốt rét hiểm nghèo. Những ngày chúng tôi mạo hiểm bắt cá ngáp trên sông Se san. Anh mắng chúng tôi về ngay. Chưa đánh trận nào mà bị cá đâm chết thì thật là nhục. Rồi quá trình hành quân ra trận, khói lửa trận mạc, cho đến lúc anh bị thương và hy sinh.

Cháu đã tìm ở đâu ? - Tôi ngắt lời. Lần lượt trình bày những tin tức nghe được, những người đã gặp, những nơi đã đến... Đấy là trận đầu đánh Mỹ và cũng là cuối cùng đối với anh. Vâng, nhưng với tôi sau "Lệ thanh" còn những năm dài vật lộn với cái đói và lạnh, với chất độc hoá học và nhiều trận đánh khó khăn, ác liệt. Rồi hoà bình thống nhất, tôi mang vết thương thập tử nhất sinh vào cuộc sống mới, thời kỳ Mỹ cấm vận đầy thiếu thốn, liệu tôi còn nhớ trận đầu tiên ấy không?

- Tôi nói : Trong đời lính, chú chỉ làm trinh sát cho đến ngày thống nhất đất nước. Cuối cùng, chú bị thương chỉ còn lại một chân. Trận cùng Bố cháu được chuẩn bị khá kỹ nhưng tổn thất khá đau. Có thể kỹ năng đối khớp thực địa với bản đồ của chú khá tốt, nên chúng ta hy vọng tìm ra điểm ấy trên bản đồ trước đã. Nhưng "Lệ thanh" do ai đặt tên và nó có tên trên bản đồ hay không ... Chú xin khất để có thời gian nhớ lại từng chi tiết nhỏ của trận đánh ấy...Với sự giúp đỡ của bạn bè và đồng đội có tâm huyết, tôi cũng có được tấm bản đồ quân sự cũ và nhờ nó mà suy đoán. Hoá ra trước đây gia đình cháu đi tìm đều nhầm cả.

Lệ thanh và cầu Lệ thanh chỉ là cái tên do bộ đội ta tự đặt ra, nó nằm ở tỉnh, huyện, xã nào thì mỗi người nói một nẻo, người nói ra Kontum, Ðắc tô Tân cảnh, người nói vào Pleiku, thậm trí có người còn chỉ thẳng vào Daklac cách đó hơn 200 cây số. Nhưng tôi nhớ không lầm, Pháo 105 của địch ở Ðức cơ tầm bắn chỉ 10 cây số còn với tới đầu chúng tôi trong lúc điều nghiên trận địa. Vậy thì, Ðức cơ mới đúng là vùng đất Bố cháu hy sinh. Tôi reo lên : Ðây rồi ! sân bay Ðức cơ bỏ hoang cạnh đường 19. Chỉ là trên bản đồ mà tôi đã xúc động đến vậy, phải chăng những đường bình độ chi chít trên đấy đã kích hoạt trong đầu tôi một địa hình lắng đọng từ lâu.

Thế là, trong cái bộn bề, hối hả mưu sinh, cái đã quên khơi khơi khơi trở lại. Từ Ðức cơ và mục tiêu, chúng tôi chiếu phương vị để tìm ra khu vực trận địa trên bản đồ. Sau đó, tôi cùng cháu đi tìm những chiến sỹ còn sót lại của thời kỳ ấy. May mắn, gặp được một số người: Tiểu đoàn trưởng Hoàng Xuân Liên ở Gia lâm Hà nội, Trinh sát viên Nhữ Quang Nhu ở Nho quan Ninh bình, Ninh Trọng Oánh ở trực ninh Nam định và một số anh em khác ở Hà tây, Hà Bắc v.v.. để hỏi thêm. Xác định lại vùng trận địa nói trên và tìm kiếm thêm thông tin về địa điểm chôn cất Bố cháu.

Tìm và trao đổi qua điện thoại với số anh em ở lại Sài gòn, Ðà lạt sau giải phóng : Phạm Sỹ Cát và Trần Thịnh cùng một số anh em khác nói sẵn sàng ngược ra Tây nguyên hợp sức khi được gọi. Rồi thật không may là khi tìm được địa chỉ, liên lạc với người chỉ huy giải quyết hậu quả trận đánh hôm đó, Chính trị viên phó tiểu đoàn Vũ Trọng Lượng ở Sài gòn, thì Ông đã già, mất năm ngoái rồi. Thôi !... đành lần mò từng bước vậy.

Trung đội trưởng pháo Nguyễn Ninh Oánh nhớ lại: lúc đó tôi bị thương ở kheo và được dìu đi bên cáng của Anh Cường, Ông bị mất một cánh tay, nằm trên cáng vẫn động viên anh em " không được khóc, ảnh hưởng đến tinh thần anh em khác..." khoảng nửa giờ đồng hồ trên đường rút về vị trí tập kết thì tắt thở và được táng tại hầm chỉ huy của ông Ðức cụt, trên ngực đặt chiếc đồng hồ Liên xô, tư trang cá nhân có khắc tên con gái Phương lan. Trung tướng Lê Ðức nhớ lại, sau khi lệnh cho rút khẩn trương số anh em không cần thiết phải ở lại đấy, số còn lại buộc phải rút lên 705.. Tay ông chỉ vào bản đồ và nói tiếp: chừng chưa đầy 2 tiếng đồng hồ đã nghe đụng độ, súng nổ, Biệt kích Mỹ trên những cao điểm gần đã tràn vào đọ súng và hô hoán vang cả khu rừng dưới đó rồi. Theo tôi, Trong vòng 2 tiếng đó, Anh Cường đã được táng tại đây. Vị trí ấy, chính là khu tập kết chuẩn bị điều nghiên của tốp trinh sát từ nửa tháng trước. Tôi đã xác định lên bản đồ làm tài liệu gửi vào Gia lai đi tìm cái hầm đó. Mênh mông rừng núi nên phải kiểm tra trên thực địa có thấy vật chuẩn không đã. Nếu không thấy vật chuẩn, thì đừng tìm chi cho mất công - Tôi nói.

Ngày 21 tháng 12 năm 2000, Ðồng chí Lê Kim tuyến nguyên Kế toán -Trinh sát tiểu đoàn, hiện đang nghỉ hưu và sống ở Giao thanh, Giao thuỷ Nam định cùng một số anh em khác lên đường vào Tây nguyên kiểm tra vật chuẩn duy nhất trên thực địa. Thật may mắn; Vật chuẩn "Khối đá vát khổng lồ", nơi tôi cùng Nhữ Quang Nhu và Ðào Xuân Long trèo lên quan sát vẫn còn sừng sững như một toà nhà nằm đó. Chúng tôi mừng lắm và riêng tôi không nén nổi xúc động khi nhìn trên màn hình. Chính nó, hơn 30 năm trước suýt nữa chết khi bò lên quan sát trận địa pháo địch bên cầu Lệ thanh. Như vậy có cơ sở để tìm ra cái hầm chỉ huy cách đó không xa.

Thế là cháu tất bật chuẩn bị hồ sơ gửi vào tỉnh đội Gia lai. Càng nhìn cháu, tôi càng nhớ Anh Cường. Lòng quyết tâm tìm Cha của người con gái chân yếu tay mềm ấy là nét đẹp với tôi, mang lại cho tôi niềm vui cuộc sống. Những Người lính chiến năm xưa không còn thấy tủi thân cho những ngày thiếu cơm, đói muối, đắp chăn, bón cháo cho nhau trong suốt chặng đường hành quân đi đánh giặc. Cho dù hài cốt còn, hay đã về với đất, thì Anh Cường nơi chín suối chắc hẳn sẽ vui lòng và chúng tôi, những người lính còn sống đến hôm nay phần nào được an ủi... Có thể vui lắm mà nói rằng: cô bé ấy bỗng đưa tôi sống lại tuổi đôi mươi, tuổi của những ngày xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước. Lúc chúng tôi lên đường, cháu mới tròn một tuổi, sức mạnh nào đã giúp cháu nhớ Cha đến vậy ? Phải chăng Bà nội, người Mẹ liệt sỹ ? Bằng ấy năm mòn mỏi vẫn chẳng đêm nào giám gài then cửa, cho nó về còn đẩy, mở cho nhanh đã in sâu vào tình cảm của cháu, truyền cho cháu một sức mạnh để một lần nữa, cháu lại lên đường vào vùng đất hoang vu tìm cha mình.

* 23/4/01 có tin, tỉnh đội Gia lai gọi ra thông báo kết quả chuyến đi 3 ngày của đội trinh sát có đồng bào địa phương đẫn đường theo tài liệu gửi vào. Một phát hiện là khu vực ấy là có thật nhưng là vài chục cái hầm chứ không phải trên dưới 10 chiếc như tôi nhớ. Có thể lúc vào trận, công binh ta đào thêm chăng? Người dẫn đường nói, trước đây khoảng 10 năm có vào đây đào bới tìm kiếm cát tút đạn và phế liệu chiến tranh để bán thì không ngờ bới được một bộ xương ở độ sâu khoảng một mét, thấy vậy họ hoảng sợ và bỏ luôn cho đến bây giờ. Cho dù gia đình vào không kịp, tỉnh đội vẫn tiến hành khai thác theo kế hoạch. Niềm vui và hy vọng lại một lần nữa được nhân lên gấp bội. Cháu cuống cuồng, còn tôi cũng vội vàng ba lô, thuốc men sẵn sàng để lên đường. Nhưng...có lẽ Vết thương của tôi... không cho tôi đi trong tình huống vội vàng, gấp gáp thế. Tôi mang tin mừng đến báo cáo hội Bạn chiến đấu K33 họp ở Làng Chuông Thanh oai Hà tây vào đúng dịp 30 tháng 4. Buổi gặp mặt năm ấy (2001), có lẽ đã hướng phần lớn sự chú ý vào những cú điện thoại và từng bước chân ngoài vùng phủ sóng của cô gái nhỏ đang trên đường lên cao nguyên nắng gió. Thiếu tướng Thành Lai, sau khi xem đoạn băng quay tảng đá từ hai phía, ông nhận ra: chính ông lưỡng lự, cực chẳng đã mới phải chọn nó làm đài quan sát phụ bởi nó chênh vênh nguy hiểm quá chừng. Niềm tin được củng cố, tôi thầm gọi: Con gái ơi! hãy gắng lên lần nữa, lần này nữa thôi may mắn tìm được cha mình.

* Ðầu tháng 5/ 2001 vào lúc mà người ta vui vẻ, áo quần đẹp đẽ dạo phố mừng ngày toàn thắng 30/4 và quốc tế lao động 1/5, thì tại một vùng cao nguyên hoang vu trong nắng chói chang, khô rát, một lần nữa, cô gái Hà nội bé nhỏ ấy đang ba lô, cơm lá chuối, nước suối phèn trên vùng Cúc quý khô vàng rực tìm cha mình.

Ðội quy tập tỉnh đội Gia lai ra sức đào bới tại chiếc hầm to, có dáng dấp hầm chỉ huy trong một loạt hầm ở khu đó. Bên trên vùi lấp, toàn là đồ biệt kích Mỹ và dưới độ sâu hơn 2 mét, thấy mẩu Tăng ny lon quân dụng Miền bắc ( Tăng là tấm nóc che mưa cho chiếc võng cá nhân lúc còn sống và cũng là tấm vải liệm, chiếc quan tài cho giấc ngủ ngàn thu lúc hy sinh), mọi người oà lên khóc, tiếp tục đào bới đến cùng và sang các ngách hầm phụ kế bên. Ngoài đồ biệt kích Mỹ và một số vật chứng của quân ta như vỏ liều phóng DKB hoen rỉ ở lớp đất bên trên, vẫn không thấy thêm gì nữa. Cả nhà lại oà khóc lần thứ hai - Nghe đến đây, không nén nổi xúc động, tôi lặng đi trong giây lát và như không còn nghe thấy những gì cháu nói tiếp nữa. Bức ảnh chụp toàn cảnh nơi tìm thấy mẩu Tăng, làm tôi như bị thôi miên vào một vùng kỷ niệm xa xưa ấy. Và sự băn khoăn: liệu Bố cháu có bị Biệt kích Mỹ chuyển nơi khác? Hay là sau khi bới được, chúng đã "tiễn" ông lên trời rồi?.

Tuy chưa đưa được hài cốt về nhưng hồn anh đã về với mỗi chúng tôi, đã về với Mẹ già, với gia đình và nhất là với Cô bé mà Anh đã khắc tên trong giây lưng như bồng con xung trận năm nào. Cháu đã đến được chính mảnh đất Bố mình đánh giặc rồi.

Sau đây là vài dòng ghi nhanh của cháu trên trận địa năm xưa vào phút thất vọng trước khi quay về, như bài điếu bộc bệch nỗi lòng mình với người Cha thân yêu còn nằm lại nơi cao nguyên núi rừng trùng điệp ấy.

Tạm đặt tên cho những lời bộc bạch ấy là " Bình độ 500 - con gái tìm cha" để các bạn cùng nghe:

Bình độ 500 - con gái tìm cha

Con tìm đến đây như trở lại nhà mình
Nào đỉnh 500, Pôcô, Chư pảh
Những tên sông, tên rừng, tên đất
Thành thân quen với con tự bao giờ

Ba mươi mấy năm vằng vặc nỗi mong chờ
Bà vẫn đợi một bàn tay gọi cửa
Vẫn không tin Bố chẳng quay về nữa
Gấp khăn trắng cất đi mẹ ngùi ngậm sang đò

Vẫn trong con thấp thỏm một nỗi niềm
Một tên đất mơ hồ trong nỗi nhớ
Một ngọn núi, một cánh rừng , dòng suối
Bao năm rồi hồi hộp trở về đây

Mặt trời của con đã lặn dưới đất này
Rừng thăm thẳm mắt bố nhìn lần cuối
Qua kẽ lá màu trời xanh vời vợi
Ngỡ ngày về đang ru con trên tay

Ôi đã từng đẫm ướt dưới chân con
Những giọt máu của biết bao người lính
Và dưới đất còn bao người đang nghỉ
Con bước khẽ khàng sợ đồng đội Bố đau

Bố ngã xuống đổi lấy ánh ngày
Cho con sống những ngày đáng sống
Cho con lớn vượt nhọc nhằn hờn tủi
Ba mươi mấy năm gian khó cuộc đời này

Những ước mơ, những công việc, những con đường
Tuổi trẻ, khát khao, tình yêu chưa sống hết
Con thay Bố đi tiếp phần bỏ dở
Niềm tự hào rạng rỡ ánh mắt con

Dẫu Bố ơi chưa đưa được Bố về
Mặt đất rộng bàn tay con nhỏ bé
Ôi thịt xương xưa hóa rừng hóa đất
Bố đã thành đất nước ở trong con

Con đi tìm giữa cao nguyên mênh mông
Ðất đỏ xẫm dưới chân và trên đầu mây trắng
Máu thịt của con còn nằm trong đất
Ðêm đêm vẫn về thức dậy trong con

Những tên rừng, tên đất, tên sông
Những Tân thanh, Chư Prông, Chư Pah
Một nhành cây, một con đường ngọn cỏ
Con đi tìm mải miết dấu vết xưa

Bố nằm đâu giữa cao nguyên mênh mông
Bạt ngàn gió hoa Cúc quỳ vàng rực
Chẳng xa lạ dẫu lần đầu mới đến
Con đã thương đất ấy tự bao giờ

Thôi nhé Bố ơi ở lại
Với đất với trời Tây nguyên
Ðồng đội anh em bốn phía quây quần
Suối Kram âm thầm nước mát
những đỉnh năm trăm, Chư pah,Goungot
Bước chân con đi vẹt cây rừng
Gai cào sót da, ruột sót trăm lần
hương khói thắp lên Bố ơi có thấu
Con đi giữa nắng đồi le chan lửa
không ngọn gió lay không bóng cây rừng
Uống nước vũng phèn cơm đùm lá chuối
Bố nằm đâu trong ngàn ngạt cỏ cây ?

Những ngày nắng đêm mưa quay quắt
Phải máu xương xưa đã hóa đất hóa rừng
Tổ quốc bao la bát ngát điệp trùng
Mỗi tấc đất đều có hồn liệt sỹ

Biết bao giờ con trở lại đây
Vốc nắm đất gói nỗi thương vào đó
Thôi nhé đành, Bố ơi ở lại
Với trời, với đất Tây nguyên...



Đức Long

Thứ Bảy, 8 tháng 3, 2014

08 - MẸ ƠI! CHÂN CON ĐÂU RỒI? - Đức Long

08 - MẸ ƠI! CHÂN CON ĐÂU RỒI?
 Đức Long
Bấm xem :
Mở mắt, tôi nghĩ mãi không ra, đây là đâu? rồi lại lơ mơ không biết gì nữa. Trên kia!...đúng mái nhà lá Trung quân, nhưng sao mình lại nằm đây ? nhìn xuống chân, thấy chỉ còn một chiếc, chân trái mất đâu rồi ? Mớ bông gạc to tướng trắng toát thấm đầy máu đầu mỏm cụt.

Nhớ rồi !... Địch bỏ chạy khỏi Chơn thành (lộ 13) sau những đợt pháo kích dữ dội của Trung đoàn 42 và vòng vây khép chặt của bộ binh sư đoàn 9 Quân đoàn 4. Tôi ghi vội vàng 24 chùm số X và Y là tọa độ 12 điểm phản ứng của địch từ Cơ sở ta trong lòng địch báo ra" qua sóng vô tuyến. Tôi ghi mà không kịp căn lên bản đồ, gấp vội cho vào túi tài liệu, hấp tấp lên xe trong sự hối hả, giục dã của cánh "Trìu" Thông tin: Trinh sát khẩn trương! để thu Ăng ten cho kịp hành quân!..

Kể từ Mậu thân 68 tổng phản công vào Sài gòn, cho đến lúc sang đất bạn Campuchia giúp ông hoàng Xihanuc, chúng tôi luôn là những binh đoàn chủ lực cơ động mạnh của quân giải phóng miền nam. Thế nhưng, không giống xuân Mậu thân, lần này, còn có thêm những binh đoàn hoả lực trẻ từ miền Bắc chi viện kịp thời. Chúng tôi tôn vinh lớp trẻ ấy là "Đại quân" còn chúng tôi chỉ là "Địa phương quân" và tự an ủi: Mình đã là thổ dân quen thuộc địa hình, chỗ nào khó nhất cần đi trước là mình. Mỗi lần khó hơn thì nhờ chị em Du kích giúp đỡ, bởi nếu không, sẽ đạp phải mìn là cái chắc. Lý do đó ! Quân đoàn tôi được lệnh nhường lại vị trí Tây bắc Sài gòn này cho sư đoàn 341 rồi nhanh chóng vòng xuống hướng Ba dừa lộ 4 tiến vào Sài gòn.

Có lẽ trời đầy, đơn vị bị sa lầy không sao tiến nhanh được, nghe đâu còn bị chìm nghỉm cả xe lẫn pháo dưới lòng sông Vàm cỏ đông nữa. Thế là việc đánh chiếm dinh Độc lập đã thuộc vào Quân đoàn khác từ Bắc tiến vào.

Vừa giao xong chiếc mô tô Honda cho cánh công vụ trung đoàn, còn đang ngó nghiêng tìm chỗ để dán mấy cái toạ độ phản ứng của địch ghi lúc nãy vào Bản đồ thì chùm bom rải thảm ập đến. Đúng nó đấy ! Lúc ấy chỉ là linh cảm, nhưng sau này bình tĩnh lại mới hiểu là chúng tôi đã rơi vào 1 trong 12 cái toạ độ chết... (Căn cứ cũ của đơn vị đặc công 429 gần Cầu Thị tính) .... Sự gấp gáp vội vàng đã khiến chúng tôi phải trả giá khá đắt đấy.

Tôi bò lết bằng hai cùi tay đến hầm trú ẩn sau nhiều loạt bom nổ tức ngực, hai chân tê dại, kéo theo cái cẳng chân lăn lóc đã bị cắt gần như đứt, chui tụt được vào miệng hầm. Ngồi lại ngay ngắn, định thần, cố gắng cử động cái chân không cụt cũng không được. Tưởng số phận của nó cũng "xong" rồi, bèn rút khẩu súng ra khỏi bụng. Tiếng trung đoàn trưởng Phạm Quới phía đầu hầm bên kia :

- Giữ chặt tay nó! lôi khẩu súng ở tay nó ra! tháo giày! cắt đoạn chân cho khỏi đau!

Thằng Thuần ( Cơ công trung đoàn) cậy tay tôi lấy được khẩu súng. Tôi rút dao găm vẫn mang trong mình bấy lâu đưa cho nó, cái hung khí để diệt địch, nay lại cắt chính chân mình. Thế mới đau chứ.

Nó tháo giày, lóng ngóng kéo chân tôi lên và cứa...

- Không được!... - Tiếng thằng Thuần vọng ra :

- Dai lắm không cắt được; Nó làm ra bộ cứng bóng vía nhưng vẫn run run cái miệng : Có gì kê... lên, em chặt một cái ...là đứt ngay !

Anh Bảy giằng lấy con giao trên tay Thuần. Cắt tiếp không đứt nên vọt lên hầm hét to:

- Khẩn trương Garo cấp cứu. Chặt cây làm cáng mau lên!...

Thuần lật ngược bàn chân tôi, ép vào chỗ cẳng chân đang đùn máu, lấy khăn Cà ma cột lại. Tay nó run run...

30 năm sau mới có dịp nghe anh Bảy kể lại: Ôm thằng Quế vào lòng. Máu ngực nó đùn ra, nhét băng gạc bao nhiêu máu vẫn đùn ra, đến giờ cứ nghĩ đến là đau hết cả đầu. Không phải chỉ riêng tôi mà còn nhiều anh em khác bị thương đang kêu cứu.

Chiếc võng buộc vào đòn khiêng, gác hai đầu đòn lên hai thành chiếc xe "GMC" sát Cabin. Bên cạnh là các đồng đội khác cũng lần lượt được đưa lên như thế.

Chiếc ô tô đầy máu lao vun vút qua sở cao su Dầu tiếng, qua làng 18 đến đầu rừng Ván tám. Thấy còn lại mình tôi trên chiếc võng đầm đìa máu, Anh bạn "Chu Tây" bỏ cả chiếc xe GMC ngoài bìa rừng, đưa thương binh vào viện. (
 38 năm sau mới có cơ hội vào thăm anh. Hãy bấm vào đây xem anh ta ra sao nào.)
Đến Viện thì mắt tôi tối xầm, chỉ còn nhìn thấy màu trắng. Tôi thấy nhiều cái áo Bờ lu không đầu, không chân tây như ma trắng lượn xung quanh rồi một tiếng hét to:

- Nắn động mạch háng xem còn không ...!

Có bàn tay nào đó sờ vào háng mình và một tiếng đáp lại rất to : Còn! Chỉ nghe thế rồi tôi thiếp đi không hay biết gì nữa.

Gần một tuần sau mới lơ mơ tỉnh lại. Một khu rừng tĩnh mịch, những chiếc võng xen lẫn những chiếc giường dã chiến làm bằng tre xếp hàng cạnh nhau và trên ấy là những chiến thương mình mẩy đầy máu đã khô cứng. Ông Đấu, bác sỹ quân y ngồi bên cạnh chăm chú nhìn tôi, rồi đưa hai bàn tay vuốt nhẹ thái dương tôi, vừa xoa vừa nói :

- Yên tâm đi; Cậu sống rồi! cả đợt cùng vào hôm đấy, chỉ còn tỉnh lại mỗi mình cậu, khá lắm! chịu giỏi lắm! Đến giờ nghĩ lại mới thấy giỏi gì, Ông trời chưa cho mình chết đấy thôi.

Tỉnh dần, tôi đã ý thức được tại sao mình lại ở đây, liền hỏi ông ta:

- Anh Chí Trưởng ban tác chiến đâu?

- Đi hôm kia rồi!

Còn anh Quế trợ lý quân lực?

- Đi hôm qua!

Hỏi tiếp đến các anh em khác, họ cũng đi rồi. Nỗi đau bỗng dâng lên nghẹn cổ, nước mắt tôi ứa ra... Hai bàn tay ông bác sỹ lại áp chặt khuôn mặt hốc hác, tái ngắt của tôi, ông nho nhỏ :

- Bình tĩnh, Đừng !...đừng xúc động quá , em...chiến tranh mà...rồi ông thét lớn:

- Cái Mai đâu! Cấp cứu!!!

Một mũi tiêm được trích ngay vào cánh tay; Tôi lại lịm đi không biết gì nữa. Cứ như thế, không biết bao nhiêu lần, tỉnh rồi lại ngất, ngất rồi lại tỉnh, cho đến khi tỉnh hẳn.

Tôi ngồi dậy được rồi! Ôi ! cái đùi chỉ bé như cái cổ chân, chét một vòng tay là vừa đủ. Mất máu , mất nước, người tôi khô đét lại. Tôi vẫn có cảm giác là cái chân mất vẫn còn, nên tự bước đi, nào ngờ, mỏm cụt chống xuống đất, ngã bổ nhào đau như trời giáng, lổm ngổm co chân lên, mớ bông gạc tụt ra! Tôi nhìn xuống thì trời ơi!!! cái gì đây... bị thối rồi... Cô Mai - y sỹ bế tôi lên như bế đứa trẻ nít...Lúc này, cả người tôi chỉ còn độ ba chục cân là cùng.

Bác sỹ buộc cái chân bị thương cheo lơ lửng, rửa vết thương xong liền đắp miếng gạc cho nước nhỏ giọt từ từ vào đó.

Hé mắt, tôi hỏi : hôm nay ngày bao nhiêu rồi ?

- Ngày 10 tháng 4 năm 1975; Đồng chí đã bất tỉnh gần một tuần rồi. Đồng chí đã chiến thắng cái chết thật rồi!.. yên tâm đi, quân ta đã vào tới Hậu nghĩa, bao vây Đồng dù, An lộc, sắp toàn thắng rồi ! Lúc đó cậu sẽ được điều trị tốt hơn, còn bây giờ thuốc men thiếu thốn đủ thứ, thương binh nhiều quá, hãy ráng chịu nghe em - Tiếng ông bác sỹ già miền nam cho đến nay vẫn ấm áp trong tôi không sao quên được.

Giật mình tỉnh giấc lúc nửa đêm, thấy lờ mờ qua ánh đèn dầu leo lét, một nhóm quân y bấm đèn Pin, xì xào bên cạnh võng của một chiến thương nằm bất tỉnh; Tiếng cô gái dè dặt :

- Tắt thở ... không có mạch... anh ơi !!!

- Để xem !... có tiếng nói nhỏ nhưng tôi nghe rất rõ: khiêng đi!

Thế là lại thêm một đồng đội nữa của tôi ra đi không trở lại . Lúc này tự nhiên tôi mới thấy sợ, liệu cái chết có đến với tôi sau một lần thiếp đi như thế ?

Tiếng súng đã xa rồi, nhưng tiếng bom thì vẫn gần đâu đây. Địch điên cuồng trong tuyệt vọng, vội vã trút những quả bom cuối cùng để chuồn nhanh ra biển. Khí thế quân ta như nước vỡ bờ, vậy mà tôi phải nằm lại đây với cái chân bị mất. Tiếc vô cùng !

Tôi nhớ đến mẹ, đến cha, đến từng người thân quen ở miền Bắc; Đã gần tròn mười năm không gặp lại họ. Ngày ra đi mới 17 tuổi, cái tuổi nếu là thời bình còn vòi tiền Bố mẹ ăn quà, vậy mà chúng tôi đã làm được những việc tưởng như không thể làm được.

Những con ruồi rừng bắt đầu đẻ trứng vào gạc ( mà không ! rừng miền đông nam bộ thường có loại ruồi đẻ ngay ra ròi con), ròi bọ lớn nhanh như thổi. Người y sỹ tháo gạc thay băng, mỏm cụt tôi nhung nhúc những là ròi, to có, nhỏ có. Bị ê te, cồn sát trùng chúng rơi xuống khay men quằn quại. Có tiếng:

- Vết thương có ròi là chóng liền sẹo lắm đó nghe!

- Đứa nào nói bậy đó ! - tiếng ông Bác sỹ, cả hội què đều im bặt.

Chỉ được một lúc, họ lại rì rầm bàn tán xung quanh chuyện ròi ở chân tôi. Chẳng biết lành dữ thế nào, riêng tôi thì cứ nhìn mà sợ chết khiếp. Bi đát vô cùng, vết thương bị hoại tử, toàn bộ chỗ da thịt, chỉ khâu đầu mỏm cụt bị thối rã từng mảng, mỏm cụt như cái rẻ rách, nhô đầu cái xương Chày ra thật là sợ. Không khí bi quan tràn ngập đầu óc tôi. Tiếng ông bác sỹ già :

- Phải bồi dưỡng nhiều tháng nữa mới có thể cắt lại cho em. Mất máu nhiều quá, không đủ nuôi chỗ bị thương nên nó thối ra, đừng sợ, không có gì nguy hiểm đến tính mạng nữa đâu! Chẳng hiểu thật hay chỉ là Ông ta an ủi tôi.

Từ đó, cứ mỗi lần thay băng, người ta lại gõ cái banh kêu cạch cạch vào mẩu xương hở, lạnh hết cả người, vài lần sau đó rồi cũng quen. Cho đến một ngày, sau mấy tiếng gõ, mảng xương khô bên ngoài rụng xuống, lộ ra một lớp sẹo đỏ hồng bọc phần còn lại bên trong. Bọn lính xúm lại chứng kiến một kỳ tích của tạo hoá.

Đã mấy tuần trôi qua, những chiến lợi phẩm của chiến trường đã thấy đưa vào cung cấp cho bệnh viện. Anh em được cung cấp đồ hộp Mỹ, những gói Mỳ tôm, cân thịt tươi và cả những loại thuốc men y tế quý hiếm. Và cũng thấy lớp dân công vùng mới giải phóng đầu tiên đến phục vụ thương binh. Họ là các anh, chị em của thị trấn Dầu tiếng, trong họ có cả anh em binh sỹ ngụy vừa thua trận, hoặc vừa rã ngũ. Mới hôm qua họ còn "tử thủ" ở bên kia chiến tuyến nhưng hôm nay họ đang giúp quân giải phóng giải quyết hậu quả chiến tranh. Chúng tôi tò mò hỏi:

- Hôm pháo bọn tớ nã vào trung tâm, lúc ấy các cậu ở đâu ?

Mấy cậu tranh nhau đáp, thật tức cười:

- Em ở trong căn cứ, cứ bò như con chó quanh cái nhà đổ để tránh pháo các anh, thằng nọ núp đít thằng kia, mỗi lần pháo dội đến, thấy tiếng rít thì đè lên nhau nằm bẹp dí, ôm đầu, nhắm mắt chờ chết; Đông , tây, nam, bắc đều có pháo bắn tới, pháo đâu mà nhiều quá trời, ớn quá trời.

Tôi khoái lắm, nhưng vẫn còn thăm dò: ăn nhằm gì với pháo bày của bọn Mỹ nã bọn tớ? Một cậu ngắt lời ngay:

- Không! Pháo Mẽo còn chạy chỗ khác được, chứ giờ tụi em chạy đâu ..? chung quanh toàn các anh hết trơn trọi. Thế rồi cả hội cùng cười xoà vui vẻ ( thâng 8 năm 67 ở Chư pả Lệ thanh Gia lai, bọn Mỹ cũng dần chúng tớ một trận như thế đó).

Tiếng nổ xa dần, thưa dần, xa tít rồi ngừng hẳn! Đài Sài gòn loan tin :- Bản tin chót của chế độ Nguỵ Sài gòn…”TT Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện …” Hết đánh nhau rồi !- ai đó reo vang cả rừng. Niềm vui đến bất ngờ, dâng nghẹn cổ, chúng tôi ôm chặt lấy nhau, lặng đi mà nước mắt cứ trào ra. Có lẽ chiến tranh quá lâu rồi, đau thương tang tóc, hy sinh, mất mát quá nhiều rồi, hoà bình, mơ hay tỉnh em ơi…? Đúng như ai hát đó "Khôn lớn rồi mà như ngây thơ..."

Rừng xanh trở nên vắng lặng, gió lùa ngào ngạt hương thơm, hình như ... có tiếng chim ríu rít gọi bầy...

Rừng ơi!... kỷ niệm mãi trong tôi, những trái Gùi chín đỏ, những củ Nho, củ Mài nấu cháo thay cơm, những chùm quả Trường chua loét, những con chim Cao các ngất ngưởng trên cao, những ngọn rau Bướm vươn lên xanh tốt trong cánh rừng khô vì chất độc hoá học... Rừng ơi ..! hãy cất tiếng Mẹ ru hời những đứa con còn nằm lại nơi đây, cho chúng tôi trở về thành phố, có nước mắt nào vơi đi nỗi buồn còn để lại nơi đây ?

Được tin tôi còn sống, đơn vị đưa xe lên đón, cùng lúc tôi được Quân y tuyến đưa vào nội thành điều trị. Tại "Tổng y viện Cộng hòa" Gò vấp Sài gòn-Gia định, nay là Quân y viện 175, tôi được "vỗ béo" để chuẩn bị cắt chân lần thứ hai. Bây giờ, trời của ta, đất của ta, một bệnh viện hiện đại đầy đủ tiên nghi cũng là của ta và một tập thể Y, Bác sỹ đầy kinh nghiệm đang sẵn sàng đưa tôi lên "đoạn đầu đài" một lần nữa.

Đã uống trước 2 viên thuốc ngủ cực mạnh khá lâu mà tôi vẫn tự rời xe lăn nhảy lò cò leo lên bàn mổ. Hai Bác sỹ Quang và Lộ nhìn theo lắc đầu lẩm bẩm: Mấy ông tướng trời đánh không chết ....

Nằm trên bàn mổ, tôi nhớ năm xưa Mẹ gạt nước mắt tiễn tôi lên đường, dõi theo con khuất xa dần cùng đoàn quân ra trận ...Mà giờ đây... Mẹ ơi..! cái chân sáo nhỏ của mẹ năm xưa... con đánh mất rồi... Tha lỗi cho con... mẹ nhé! - ...Lơ mơ, tôi thầm gọi: Mẹ ơi ..! chân đâu rồi..!

Chiến tranh đã đi vào dĩ vãng, nhưng còn đọng lại trong tôi một thời phải nhớ, những năm tháng rất tự hào, nhưng quằn quại, mất mát đau thương, nỗi khát khao...cháy bỏng, từng đêm đếm ngày về, mơ hoà bình, thèm thuồng mọi thứ. Hãy chia sẻ niềm vui với tôi và rồi ; các bạn trẻ của tôi ơi ! Chiến tranh là thế đó. Hãy nắm lấy tay nhau, đừng châm ngòi cho nó, dù chỉ một lần, ở bất cứ đâu trên trái đất xanh quê hương yêu quý của tất cả chúng mình ./.

Đức Long. Nguyên Trợ lý TS E42



Thứ Sáu, 7 tháng 3, 2014

07.Trận chiến Cuối cùng (72-75) - Đức Long

07.Trận chiến Cuối cùng  (72-75)

 "Trung đoàn thiện chiến đường sông" E64 về nước vào cuối mùa Chiến dịch Nguyễn Huệ. “Mùa hè đỏ lửa” mấy tháng trước ngoài Quảng trị, thắng lợi thuộc về quân giải phóng. Trước mắt chúng tôi là Việt nam thân yêu. Lính Mỹ đã vãn, Nhưng hỏa lực Mỹ vẫn chưa suy giảm chút nào.
Tuyến đường Bù đăng, Bù đốp, Lộc ninh tới tận Hớn quản An lộc (Bình long) đã được khai thông. Xe pháo, đạn dược đang ùn ùn từ Bắc kéo vào. E 64 cùng Bộ binh cấp tốc sang bao vây đánh chiếm thị xã Phước long không thành, sau đó rút về chi viện F9 giải phóng Rinet, Rạch bắp, Kiến điền. Tại đây lần đầu tôi thấy Kanon 85 bắn thẳng, lật tung tháp Tăng địch bên cầu Kiến điền - BenCat. Ta cố giữ, địch cố tái chiếm, giằng co quyết liệt mấy tháng trời.... Sau chiến dịch này, E64 đổi tên rồi chia Cán quân cho nhiều Trung đoàn khác mới thành lập...
…Tôi được điều động về E42, một trong những Trung đoàn pháo mới thành lập (71), nhưng cũng toàn là những chiến sỹ khắp mọi miền như tôi. Anh Trâm, Trung đoàn trưởng người Quảng trị tín nhiệm ngay tức thì, giao nhiệm vụ: Đ/c quen chiến trường "xưa" hãy chỉ huy tốp trinh sát xuống điều nghiên Đồng dù Củ chi. Lúc ấy mà ông đã gọi Củ chi là xưa rồi đấy.
Ôi! Hai tiếng “Củ chi”, tai nghe thất kinh như điện giật, tự nhiên lạnh toát cả người, mồ hôi vã ra lấm tấm. Không biết cả Ban tham mưu họp giao ban hôm ấy, có ai nhìn thấy thần sắc của tôi không? Nói thật, tôi bị choáng khi nhận lệnh này, xuống sâu vùng...Đất thép thành "đìa". Hoạ có điên mới không biết sợ. Phải chăng Lý tưởng, lòng tự trọng hay niềm tin vào thắng lợi cuối cùng còn mạnh hơn cả bản năng sợ chết?
Sau giây phút bồi hồi, tôi kịp chấn tĩnh, thưa "Rõ!". Đến C14 chọn TS viên, nhanh chóng lên đường (12/1972). Bên kia sông Sài gòn là đất thép Củ chi. Qua bến Thanh an Tôi lẩm nhẩm câu hát:” Nào có mong chi đến ngày trở về…”.
- Phủi phui cái miệng tôi, làm anh em sợ…
Vậy mà trở lại Củ chi lần này, lại chẳng giống những gì tôi quán triệt cho anh em trước đó. Đợi sẵn bên kia sông, hai cô gái và một tràng trai du kích. Dọc đường, tôi nghe xa xa, tiếng sáo trúc câu dân ca ai đó. Đèn quê le lói, xóm trại lác đác mấy căn nhà tạm, tiếng cười mang hương thơm dầu Thanh lạc nữ tính rộn lòng người. Đồng hoang thoảng thơm mùi hoa dại quyện gió tóc em, ngây ngất lòng tôi. Không phải cái thói hư đa tình, mà là chúng tôi rất ít cơ hội gặp phụ nữ. Mỗi khi gặp họ, lòng nao nao khó tả, cái khứu giác trở nên nhạy cảm vô cùng. Đúng là mùi tóc em thơm thật đấy!
- Khác trước nhiều lắm; em ha? - Tôi đánh tiếng làm quen.
- Dạ, đúng đó anh! Tới gần cả năm rồi Chúng đi càn ít phá hoa màu, khi rút, còn gom nhôm sắt vụn rơi vãi mang về cho vợ con bán. Lúc này tôi mới hiểu ra, Lính Mỹ còn ít và co cụm vào vòng trong, đẩy lính bản địa ra ngoài hành quân đỡ đạn.
Điều nghiên cánh đồng khô được vài lần thì địch mở tiếp trận càn thứ 2 vào Gò nổi. Có thể chúng phát hiện được tiếng “Mooc” chủ lực của chúng tôi chăng? Cũng giống như đợt càn lần trước, chúng không vào gò mà chỉ mon men ngoài bìa rừng, gọi pháo, nã súng con từ dưới ruộng lên. Lính tráng hù nhau: Tử địa! vô đó không đạp phải trái gài thì cũng coi chừng ăn đạn sau lưng! Anh em tôi được phân công đứng chắn các cửa hầm và cơ động dưới lòng đất theo hướng dẫn của Du kích. Điện báo lên trên "Đang chống càn" cho oai chứ thực ra bắn vài loạt đạn dọa dẫm nhau chứ có đứa nào dám vào gần đâu. Chúng bắn và ném lựu đạn hàng tràng tràng vào chỗ không người như là đang chiến đấu ác liệt lắm. Sau đấy gọi pháo từ xa nã tới rồi kéo nhau ra về, kết thúc hành quân. Đúng là Mỹ cút chắc chắn ngụy sẽ nhào. Tôi được lệnh thu thập tài liệu điều nghiên về trước để "Tuyên thệ".
-  Bốn mươi năm sau, bỗng nhiên tôi gặp một chiến sỹ TS của tốp điều nghiên ngày ấy tại cuộc họp nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Trung đoàn 42 tại Hà nội. Chú Hùng nói:
- Hồi ấy qua sông mà em sợ vì anh lên dây cót bọn em ghê quá. - Tôi thanh minh: Đúng là tớ không thể tưởng tượng nổi , Củ chi thời Ngụy73 yếu hơn hơn thời Mỹ68 đến thế.
 Hiệp định Paris được ký kết. Tôi mang màu đỏ đúng ngày lệnh ngừng bắn 28 tháng riêng năm 73 có hiệu lực, đi cắm cờ phân vùng giải phóng. Tiểu đoàn 9 và 20 lập các chốt hai bên quốc lộ 13 bảo vệ phái đoàn 4 bên từ Sài gòn lên Lộc ninh giám sát việc trao trả tù binh chiến tranh. Tôi theo anh Trần Sum chuẩn bị nhận bàn giao anh em bị địch bắt trở về tại sân bay Lộc ninh. Tuy không nói ra, nhưng trong lòng đứa nào cũng vui hơn cả Tết.
 Giữa tháng 3 năm 73, từng chuyến C130 thuần người Mỹ lái lần lượt đáp xuống phi trường Lộc ninh trao đổi tù binh chiến tranh. Hầu hết anh em ta vừa ra khỏi đuôi máy bay đã vất bỏ quần, áo và tư trang tung theo chiều gió cánh quạt máy bay cuốn bay ra tận cổng sân bay. Còn chị em... thì thật là thương! Tiếng hô đả đảo Mỹ Ngụy hòa trộn cùng tiếng loa tay nhắc nhở của các sỹ quan(VNCH)  áp giải ồn ã như không gian của những ngày xuống đường trên quê hương đồng khởi vậy.
Đọc danh sách nhận từng người đi qua, tôi sững sờ vì chợt nhận ra một người đã chết cách đây 4 năm (1969).. Anh Thước (Gia định) Y tá Tiểu đoàn tôi Tên trong danh sách bàn giao ghi là Dước gì đó. Có lẽ nhận ra tôi, nên khi đến lượt, anh hô "Có" rất to rồi chống nạng lướt thật nhanh. Hình như, Anh bị cụt hai chân cao trên đầu gối? Qua khỏi chỗ bàn giao, Thước rơm rớm nước mắt nói: Khi hồi thấy cậu nghiêm, tớ vẫn còn ngờ.
- Tụi nó không nói trước sao? - Tôi hỏi.
- Bị gạt nhiều rồi! Có nhưng bán tín bán nghi, chỉ sợ nó đưa đi thủ tiêu.... - Thước trả lời.
- Mắt tôi cũng cay xè. Hồi đó, Đơn vị ba, bốn lần tìm anh không thấy, 9 người hy sinh đấy, thấy anh rồi, giờ còn 8 đ/c nữa, không biết ai còn sống nữa không ?
Thấy hai tôi đỏ con mắt, Một sỹ quan (Hà nội) đội mũ Casbi trong phái đoàn bốn bên nhắc tôi không được khóc trước mặt kẻ thù và lệnh cho tôi về vị trí tiếp tục làm nhiệm vụ. Chỉ vài câu vậy thôi...Hai đứa cố níu thêm tay nhau chút nữa …Từ đó chưa lần nào gặp lại. Sau này(2011)  đi tìm hài cốt 1 trong 8 người còn lại tôi mới biết anh sống tại số 9/21 xã Đông Thạnh, huyện Hóc môn TP Hồ Chí Minh. Xa xôi cách trở, chưa vào thăm anh được.
Thời gian rảnh chờ đợi chuyến tiếp theo thì nói chuyện phiếm. Không có lệnh cấm nói chuyện với phía bên kia nên chúng tôi cứ tự do thoải mái thăm hỏi chuyện gia đình vợ con với các sỹ quan địch.
Thật không ngờ, cách đây không lâu, thấy là nháy “Cò”, mà giờ lại ngồi cùng trò chuyện với nhau. Một sỹ quan(hình như bị thương) chân thấp, chân cao, mang chữ Lộc trên ngực áo với giọng miền bắc tâm sự: Biết đường các ông đi là tự tôn dân tộc... nhưng đời người chả lẽ gặm củ mỳ, cưỡi xe Bò...lọ mọ mãi trong rừng sao. Một số sỹ quan khác thì mềm mỏng, lịch thiệp, lời nói như hàm chứa vẻ chê bai người Mỹ. Lựa lúc vắng, một Sỹ quan già, lẽ chừng hơn tôi cả chục tuổi, trỏ vào tôi nói: Ông là Hà nội và tôi là Hoa kỳ, không có “Mặt trận” với “Cộng hoà” gì hết đâu! Ông hiểu chứ?.. Thú thật, lúc ấy còn trẻ quá, hơn nữa lại chưa qua lớp đào tạo chính trị nào, chỉ có lòng yêu nước thôi, làm sao tôi hiểu hết được hàm ý của Ông ta.
Riêng các sỹ quan chỉ huy đám lính áp giải tù binh với bộ quân phục gân guốc, điệu bộ ngông nghênh. Vừa bước ra khỏi máy bay là đã cầm loa tay tuôn ra những lời lẽ sặc mùi chống Cộng.. Họ luôn mồm căn vặn đàn em không đi lung tung kẻo lạc, không được nói chuyện “Vô bổ” với phía bên kia (ám chỉ chúng tôi). Có thế mới biết, không chỉ cái tay mà Họ sợ cả cái mồm của chúng tôi nữa...
... Hết nhiệm vụ đột xuất, anh em lại trở về đơn vị chiến đấu (E42). Tôi lên đài quan sát núi Chùa, Tha la khống chế căn cứ Dầu tiếng và tình cờ gặp lại Thuần, trinh sát viên K33. Ba năm trước, khi Tiểu đoàn vượt biên giới sang đất Chùa tháp bao vây Phnompenh, anh ta được giữ lại chờ đón hoả lực mới từ Bắc vào. Tôi thông báo tình hình anh Thước còn sống, và được trao trả trên sân bay Lộc ninh. Anh ta mừng quýnh, rồi dẫn tôi đi xem 4 khẩu Đại pháo 130 ly sáng bóng mắc sẵn trong 4 cái xe xích sắt to đùng do anh ta chỉ huy. Xin lỗi. Mắt thấy, tay sờ, tôi lại nghĩ đến chuyện Lệ thanh Tây nguyên (1967) món nợ cũ chưa trả thù. Chỉ tiếc cái đám mũi lõ, tóc quăn phang chúng tôi hồi ấy đã biến hết rồi. Có lý thôi: “Cái đám ấy” có biến thì loại vũ khí cơ giới nặng nề thế này mới vào sâu trong nam được!
 Từ đây, chúng tôi, những lính chiến "Công trường" mới chính thức được mang danh Sư đoàn, hành quân giữa ban ngày dưới bầu trời đầy hoa pháo của cao xạ 37 ly ta bám quanh máy bay địch. Cảnh này… trước đây chưa thấy bao giờ. Có ai hiểu được sự vững tin ấm lên từng ngày, trong lòng những người lính (trước 73) không?
 Lưu ý các bạn! Đối thủ chính đến giờ không còn là Mỹ. Việc chuyển giao các thế hệ vũ khí đặc chủng cho Quân Ngụy cũng chỉ diễn ra từ từ và có chọn lọc. C130 cải tiến phải làm thay nhiệm vụ ném bom chiến lược của B52. Và A37, AD6, F5, F16 thay dần các loại F105, F4A vv....Trực thăng trinh sát “Óc nóc” nhỏ xíu (tôi không nhớ tên), linh hoạt, ẩn hiện như Yêu quái vắng đâu mất tăm. Còn nữa, lũ “Đầu ngựa bay”, Trực thăng "Cá lẹp" kẹp 2 giàn "Rocket" bên sườn đáng ghét ấy cút hết cả rồi. Những tốp trực thăng vũ trang HU1A, 1B còn lại lúc này không đủ bản lĩnh để tiến sâu lên vùng giải phóng. Trinh sát "Đầm già" L19 nhỏ tít trên cao. Cần cẩu “Quan tài” hai chong chóng, mỗi lần lên, xuống đỉnh núi Bà (Tây ninh) tiếp tế, phải mất công tung nhiều “Trái nhiệt” liên tục từ mây xanh. Lính Mỹ rút đi bao nhiêu thì quân đội VNCH bộc lộ yếu kém bấy nhiêu. Và cũng từ sau thảm bại của chiến dịch Lam sơn 719 ra đường 9 nam Lào và cuộc hành quân Snul, suong, chup, Đam be…sang Campuchia là địch co cụm lại “Kiên cố hoá cứ điểm” rất khó công kiên. Hành quân giã ngoại của địch lúc này phần nhiều chỉ mang tính hình thức, cầm chừng cho có tiếng súng rồi thu mình về giữ “Tổ kén” (Hai cuộc hành quân của QĐVNCH tại Củ chi nói trên minh chứng điều ấy). Phải chăng ít nhiều Binh lính địch đã hiểu được ý đồ của người Mỹ, muốn chấm dứt đối đầu với cuộc chiến phi nghĩa này?
Vùng giải phóng nối liền, rộng, dài suốt dọc biên giới Việt, Miên với các cửa khẩu Bầu Hàm, Samat, Thiện ngôn... mua bán tấp nập. Ngoài thuốc kháng sinh và nhu yếu phẩm thông thường, người ta có thể hỏi mua cả những hàng cấm như Chiến xa, thiết giáp, bom đạn hoặc máy bay quân sự.
Cũng từ sau hiệp định pari, Lính miền đông chúng tôi mới có thời gian thay nhau đi luyện chỉ huy bắn, nâng cao trình độ tác chiến. Nhân đây cũng cần nói để các bạn được biết. Suốt mười năm chiến đấu chúng tôi phải sử dụng Logarit cùng các góc đo hình học để tính toán xác định tọa độ, chứ không có hệ thống định vị JPS như các bạn bây giờ. Hơn nữa việc đo đạc diễn ra trong lúc dưới đất, biệt kích địch lăm lăm cây súng trên tay lùng sục gắt gao, trên đầu là máy bay trinh sát tối tân, do thám căng ngang, cắt dọc thường xuyên nhòm ngó. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn tính toán chính xác đến từng tọa độ cung cấp kịp thời cho chiến trường.
Đầu năm 75 một trận hiệp đồng binh chủng có bài bản đã diễn ra. Quân giải phóng đã tràn ngập Thị xã Phước long. Chỉ còn 32 lính "Biệt động quân” địch trốn thoát, cắt rừng từ đỉnh "Bà rá" về Sài gòn. Sự phản ứng tái chiếm hầu như không có. Đài Sài gòn rùm beng ca ngợi 32 người này chưa rõ để làm gì, hờn Mỹ hay khủng bố tinh thần chế độ Sài gòn? Lực lượng địch không còn sức hành quân nữa rồi, và sự ra đi của chế độ VNCH" là điều chắc chắn. Chỉ có cái không ngờ là "nhanh" như các bạn đã thấy đó thôi.
Nhưng cũng đừng tưởng là không còn ác liệt đâu nhé!  Ngọn đèn sắp hết dầu thường loé lên trước khi tắt. Với mệnh lệnh “Tử thủ”, Địch vừa cầm cự vừa lớn tiếng vòi Mỹ tiếp thêm “Viện trợ” hoặc quay trở lại. Vũ khí Mỹ để lại cho VNCH không phải ít, chúng tôi nằm mơ cũng chẳng thấy. Nhưng khi đã mất lòng tin, tinh thần hoảng loạn thì trang bị mạnh cũng chẳng để làm gì. Nếu "VC" chúng tôi cũng đủ trang bị như họ thì..."chỉ cần Rung cây doạ Khỉ" cũng thắng rồi (Tư Sơn (Tư Cao), Chủ nhiệm Trinh sát Sư đoàn tôi nói vui như vậy(1974).
Đầu tháng 4/1975, Sư đoàn 9 hai lần công kiên Chơn thành (QL13) không nổi, bởi công sự địch quá kiên cố? Có tin Chiến đoàn đặc nhiệm 322 ... của địch ngược lộ 13 lên "tiếp viện" đã tới Bàu lòng từ hồi chiều.. Trước đấy, địch chỉ bật máy trao đổi vài câu ký hiệu gì đó với nhau rồi tắt lịm. Ta không dịch được bí mật ấy nên "đột ngột" ngưng bắn, bỏ “Công kiên” sang phương án “Vây điểm, diệt viện”. Hoàng hôn đang ì ầm tiếng pháo ta, bỗng chìm dần vào màn đêm tĩnh mịch…
… Lính Đặc nhiệm mò trên quốc lộ 13 tối om, họ sợ từng gốc cây, bụi cỏ ven đường có thể bất thần hóa thành người xông lên, xả đạn. Thần hồn nát thần tính, chỉ huy Chiến đoàn bật máy hỏi Tư lệnh vùng đúng một câu tiếng việt: Trình Tư lệnh, giờ vẫn chưa thấy nó, không lẽ tôi phải mang cáng đến nữa sao? Rồi tắt máy tức thì. Cậu Thế (trinh sát viên ta) suốt 2 giờ qua kiên trì rà soát, không tìm thấy một làn sóng địch nào hoạt động, được tin đó, thì mừng quýnh, vừa chạy vừa hô to liên mồm: "Chơn thành" chạy rồi, thủ trưởng ơi!... rồi anh ta nhảy thẳng từ trên cao xuống Chỉ huy sở hổn hển báo cáo. Liền sau đó, Chiếc loa tăng âm bỗng vang lên tiếng súng nổ cùng giọng nói Tư Sơn: Tôi đã tới Đài, tụi nó bỏ Điểm chạy rồi! Nó chạy qua! Tôi đánh đây...! miệng nói, tay anh ta xiết cò. Tiếng nổ như muốn vỡ tung máy tăng âm. Ba Hồng lệnh: Để anh em đánh, Anh quay về ngay! Về ngay!.. Ông quay sang trao đổi vài câu gì đó với các sỹ quan tác chiến kế bên. Chưa đầy nửa phút, Ông dõng dạc từng khẩu lệnh: Các trung đoàn nghe lệnh mới nhất! Địch đã bỏ chạy! Các đồng chí bật khỏi công sự, truy quét tàn quân ngay! Ông lặp lại như hét lên: truy quét tàn quân! không để chúng thoát khi còn vũ khí trên tay!.. Một lúc sau, các đầu dây chen nhau báo cáo đã bắt kịp và bắt đầu công kích...
... Thực ra, Thiết kỵ lên chỉ làm "Vệ binh" đón Chơn thành đang bí mật rút. Ta ngưng bắn đột ngột tuy là để chuyển đổi cách đánh nhưng với địch thì như rung cây dọa khỉ. Vì hoảng loạn, bật máy sai quy ước, rối loạn đội hình bỏ chạy tán loạn. Nghĩ ra, Họ hoảng cũng đúng thôi! Đang khơi khơi trên lộ, không một hố che thân, chậm chút xíu nữa, sẽ lãnh đủ tất cả. Có thể tan tác, không còn mảnh giáp để quay về.
 Tháp tùng anh Bảy trực chỉ huy pháo binh, tôi hiểu đã đến lúc mình hết việc làm, bởi bộ binh hai bên quyện vào nhau, thì Pháo nào cũng đành bó tay thôi! Chơn thành, Bàu lòng, Bến cát xuôi quốc lộ 13, sát nách Sài gòn lắm rồi. Trộm nghĩ; Cứ đà này, chẳng mấy chốc Sài gòn sẽ nát bét trong chảo lửa của Pháo binh "VC".  Thật may! vào giờ phút trót, không xảy ra điều đó.
Chúng tôi nhường lại vùng Bến cát QL13 cho lớp trẻ 341 mới từ Bắc vào để vòng sang hướng tây nam QL4 tiến vào thành phố. Khí thế đang cuồn cuộn dâng cao thì đột nhiên tôi không thể bám theo đồng đội được nữa...Hãy bấm vào đây để xem > Anh chàng có dáng vóc người Pháp này đưa tôi vào rừng
Trước mắt tôi, trời tối sầm. Mấy cái áo Blu trắng lờ mờ, không đầu, không tay chân cứ lượn lờ như Ma trơi trước mặt...
 … Khi tỉnh lại, tôi vẫn phấp phỏng lo âu: liệu Mỹ có quay trở lại?.. Quân ta vẫn tiến như cuồng phong, bão táp, vừa nghe tới Chi khu Hậu nghĩa, đã thấy ở Ngã tư Bảy Hiền... Đăm đắm nhìn vùng sáng xa xa, tôi thầm tiếc cho mình không thể tiến lên được nữa.
... Có tiếng hét như lốc xoáy nhổ cây rừng: 'Toàn thắng rồi", mở đài đi…. Tất cả các Radio transito bật mở....Nín thở nghe tin Tổng thống mới nhậm chức Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.... Vừa dứt! chúng tôi ôm chầm lấy nhau nghẹn ngào nói không thành lời... Trời ơi!...mười năm, hơn ba ngàn sáu trăm ngày vẫn nguyên vẹn, Vậy mà chỉ còn 26 ngày nữa, sao Ông Trời không để tôi lành lặn, hiên ngang bước giữa Sài gòn, cái thành phố mà 7 năm về trước (Mậu thân 1968), đồng đội tôi vào rồi... đợi mãi không ra.
… Thế là khói lửa tan rồi. Con sông quê sẽ xanh trong trở lại. Đàn chim tan tác lại ríu rít gọi bầy... Những dũng sỹ sạm khói bom năm nào lại bình dị trở về nơi thôn trang, phố thị dựng lại căn nhà xiêu, chống lại dốt, nát, đói, nghèo... Mẹ già tần tảo sớm chiều... lại thêm nhiều nước mắt, mỏi mòn ngóng nơi chân trời xa thẳm, những đứa con đi mãi không về. Đồng đội tôi ơi! Dù còn nằm nơi đâu, hãy theo gió, vờn mây, đêm đêm tìm về thì thầm bên nén nhang cùng Mẹ nhá!.

Đức Long