07.Trận chiến Cuối cùng (72-75)
"Trung đoàn thiện chiến đường
sông" E64 về nước vào cuối mùa Chiến dịch Nguyễn Huệ. “Mùa hè đỏ
lửa” mấy tháng trước ngoài Quảng trị, thắng lợi thuộc về quân giải phóng. Trước
mắt chúng tôi là Việt nam thân yêu. Lính Mỹ đã vãn, Nhưng hỏa lực Mỹ vẫn chưa
suy giảm chút nào.
Tuyến đường Bù đăng, Bù đốp, Lộc ninh
tới tận Hớn quản An lộc (Bình long) đã được khai thông. Xe pháo, đạn dược đang
ùn ùn từ Bắc kéo vào. E 64 cùng Bộ binh cấp tốc sang bao vây đánh chiếm thị xã
Phước long không thành, sau đó rút về chi viện F9 giải phóng Rinet, Rạch bắp,
Kiến điền. Tại đây lần đầu tôi thấy Kanon 85 bắn thẳng, lật tung tháp Tăng địch
bên cầu Kiến điền - BenCat. Ta cố giữ, địch cố tái chiếm, giằng co quyết liệt
mấy tháng trời.... Sau chiến dịch này, E64 đổi tên rồi chia Cán quân cho nhiều
Trung đoàn khác mới thành lập...
…Tôi được điều động về E42, một trong
những Trung đoàn pháo mới thành lập (71), nhưng cũng toàn là những chiến sỹ
khắp mọi miền như tôi. Anh Trâm, Trung đoàn trưởng người Quảng trị tín nhiệm
ngay tức thì, giao nhiệm vụ: Đ/c quen chiến trường "xưa" hãy chỉ huy
tốp trinh sát xuống điều nghiên Đồng dù Củ chi. Lúc ấy mà ông đã gọi Củ chi là
xưa rồi đấy.
Ôi! Hai tiếng “Củ chi”, tai nghe thất
kinh như điện giật, tự nhiên lạnh toát cả người, mồ hôi vã ra lấm tấm. Không
biết cả Ban tham mưu họp giao ban hôm ấy, có ai nhìn thấy thần sắc của tôi
không? Nói thật, tôi bị choáng khi nhận lệnh này, xuống sâu vùng...Đất thép
thành "đìa". Hoạ có điên mới không biết sợ. Phải chăng Lý tưởng, lòng
tự trọng hay niềm tin vào thắng lợi cuối cùng còn mạnh hơn cả bản năng sợ chết?
Sau giây phút bồi hồi, tôi kịp chấn
tĩnh, thưa "Rõ!". Đến C14 chọn TS viên, nhanh chóng lên đường
(12/1972). Bên kia sông Sài gòn là đất thép Củ chi. Qua bến Thanh an Tôi lẩm
nhẩm câu hát:” Nào có mong chi đến ngày trở về…”.
- Phủi phui cái miệng tôi, làm anh em
sợ…
Vậy mà trở lại Củ chi lần này, lại
chẳng giống những gì tôi quán triệt cho anh em trước đó. Đợi sẵn bên kia sông,
hai cô gái và một tràng trai du kích. Dọc đường, tôi nghe xa xa, tiếng sáo trúc
câu dân ca ai đó. Đèn quê le lói, xóm trại lác đác mấy căn nhà tạm, tiếng cười
mang hương thơm dầu Thanh lạc nữ tính rộn lòng người. Đồng hoang thoảng thơm mùi
hoa dại quyện gió tóc em, ngây ngất lòng tôi. Không phải cái thói hư đa tình, mà là chúng tôi rất ít cơ hội gặp phụ nữ. Mỗi khi gặp họ, lòng nao nao khó tả, cái khứu giác trở nên nhạy cảm vô cùng. Đúng là mùi tóc em thơm thật đấy!
- Khác trước nhiều lắm; em ha? - Tôi
đánh tiếng làm quen.
- Dạ, đúng đó anh! Tới gần cả năm rồi
Chúng đi càn ít phá hoa màu, khi rút, còn gom nhôm sắt vụn rơi vãi mang về cho
vợ con bán. Lúc này tôi mới hiểu ra, Lính Mỹ còn ít và co cụm vào vòng trong,
đẩy lính bản địa ra ngoài hành quân đỡ đạn.
Điều nghiên cánh đồng khô được vài lần
thì địch mở tiếp trận càn thứ 2 vào Gò nổi. Có thể chúng phát hiện được tiếng
“Mooc” chủ lực của chúng tôi chăng? Cũng giống như đợt càn lần trước, chúng
không vào gò mà chỉ mon men ngoài bìa rừng, gọi pháo, nã súng con từ dưới ruộng
lên. Lính tráng hù nhau: Tử địa! vô đó không đạp phải trái gài thì cũng coi
chừng ăn đạn sau lưng! Anh em tôi được phân công đứng chắn các cửa hầm và cơ
động dưới lòng đất theo hướng dẫn của Du kích. Điện báo lên trên "Đang
chống càn" cho oai chứ thực ra bắn vài loạt đạn dọa dẫm nhau chứ có đứa
nào dám vào gần đâu. Chúng bắn và ném lựu đạn hàng tràng tràng vào chỗ không
người như là đang chiến đấu ác liệt lắm. Sau đấy gọi pháo từ xa nã tới rồi kéo
nhau ra về, kết thúc hành quân. Đúng là Mỹ cút chắc chắn ngụy sẽ nhào. Tôi được
lệnh thu thập tài liệu điều nghiên về trước để "Tuyên thệ".
-
Bốn mươi năm sau, bỗng nhiên tôi gặp một chiến sỹ TS của tốp điều nghiên
ngày ấy tại cuộc họp nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Trung đoàn 42 tại Hà nội.
Chú Hùng nói:
- Hồi ấy qua sông mà em sợ
vì anh lên dây cót bọn em ghê quá. - Tôi thanh minh: Đúng là tớ không thể
tưởng tượng nổi , Củ chi thời Ngụy73 yếu hơn hơn thời Mỹ68 đến thế.
Hiệp định Paris được ký kết. Tôi mang màu đỏ đúng ngày
lệnh ngừng bắn 28 tháng riêng năm 73 có hiệu lực, đi cắm cờ phân vùng giải
phóng. Tiểu đoàn 9 và 20 lập các chốt hai bên quốc lộ 13 bảo vệ phái đoàn 4 bên từ
Sài gòn lên Lộc ninh giám sát việc trao trả tù binh chiến tranh. Tôi theo anh
Trần Sum chuẩn bị nhận bàn giao anh em bị địch bắt trở về tại sân bay Lộc ninh.
Tuy không nói ra, nhưng trong lòng đứa nào cũng vui hơn cả Tết.
Giữa tháng 3 năm 73, từng chuyến C130 thuần người
Mỹ lái lần lượt đáp xuống phi trường Lộc ninh trao đổi tù binh chiến tranh. Hầu
hết anh em ta vừa ra khỏi đuôi máy bay đã vất bỏ quần, áo và tư trang tung theo
chiều gió cánh quạt máy bay cuốn bay ra tận cổng sân bay. Còn chị em... thì
thật là thương! Tiếng hô đả đảo Mỹ Ngụy hòa trộn cùng tiếng loa tay nhắc nhở
của các sỹ quan(VNCH) áp giải ồn ã như
không gian của những ngày xuống đường trên quê hương đồng khởi vậy.
Đọc danh sách nhận từng
người đi qua, tôi sững sờ vì chợt nhận ra một người đã chết cách đây 4 năm
(1969).. Anh Thước (Gia định) Y tá
Tiểu đoàn tôi Tên trong danh sách bàn giao ghi là Dước gì đó. Có lẽ nhận ra
tôi, nên khi đến lượt, anh hô "Có" rất to rồi chống nạng lướt thật
nhanh. Hình như, Anh bị cụt hai chân cao trên đầu gối? Qua khỏi chỗ bàn giao,
Thước rơm rớm nước mắt nói: Khi hồi thấy cậu nghiêm, tớ vẫn còn ngờ.
- Tụi nó không nói trước
sao? - Tôi hỏi.
- Bị gạt nhiều rồi! Có nhưng
bán tín bán nghi, chỉ sợ nó đưa đi thủ tiêu.... - Thước trả lời.
- Mắt tôi cũng cay xè. Hồi
đó, Đơn vị ba, bốn lần tìm anh không thấy, 9 người hy sinh đấy, thấy anh rồi,
giờ còn 8 đ/c nữa, không biết ai còn sống nữa không ?
Thấy hai tôi đỏ con mắt, Một
sỹ quan (Hà nội) đội mũ Casbi trong phái đoàn bốn bên nhắc tôi không được khóc
trước mặt kẻ thù và lệnh cho tôi về vị trí tiếp tục làm nhiệm vụ. Chỉ vài câu
vậy thôi...Hai đứa cố níu thêm tay nhau chút nữa …Từ đó chưa lần nào gặp lại.
Sau này(2011) đi tìm hài cốt 1 trong 8
người còn lại tôi mới biết anh sống tại số 9/21 xã Đông Thạnh, huyện Hóc môn TP
Hồ Chí Minh. Xa xôi cách trở, chưa vào thăm anh được.
Thời gian rảnh chờ đợi chuyến
tiếp theo thì nói chuyện phiếm. Không có lệnh cấm nói chuyện với phía bên kia
nên chúng tôi cứ tự do thoải mái thăm hỏi chuyện gia đình vợ con với các sỹ
quan địch.
Thật không ngờ, cách đây
không lâu, thấy là nháy “Cò”, mà giờ lại ngồi cùng trò chuyện với nhau. Một sỹ
quan(hình như bị thương) chân thấp,
chân cao, mang chữ Lộc trên ngực áo với giọng miền bắc tâm sự: Biết đường các
ông đi là tự tôn dân tộc... nhưng đời người chả lẽ gặm củ mỳ, cưỡi xe
Bò...lọ mọ mãi trong rừng sao. Một số sỹ quan khác thì mềm mỏng, lịch thiệp,
lời nói như hàm chứa vẻ chê bai người Mỹ. Lựa lúc vắng, một Sỹ quan già, lẽ
chừng hơn tôi cả chục tuổi, trỏ vào tôi nói: Ông là Hà nội và tôi là Hoa kỳ,
không có “Mặt trận” với “Cộng hoà” gì hết đâu! Ông hiểu chứ?.. Thú thật, lúc ấy
còn trẻ quá, hơn nữa lại chưa qua lớp đào tạo chính trị nào, chỉ có lòng yêu
nước thôi, làm sao tôi hiểu hết được hàm ý của Ông ta.
Riêng các sỹ quan chỉ huy
đám lính áp giải tù binh với bộ quân phục gân guốc, điệu bộ ngông nghênh. Vừa
bước ra khỏi máy bay là đã cầm loa tay tuôn ra những lời lẽ sặc mùi chống
Cộng.. Họ luôn mồm căn vặn đàn em không đi lung tung kẻo lạc, không được nói
chuyện “Vô bổ” với phía bên kia (ám chỉ
chúng tôi). Có thế mới biết, không chỉ cái tay mà Họ sợ cả cái mồm của chúng
tôi nữa...
... Hết nhiệm vụ đột xuất, anh em lại
trở về đơn vị chiến đấu (E42). Tôi lên đài quan sát núi Chùa, Tha la khống chế
căn cứ Dầu tiếng và tình cờ gặp lại Thuần, trinh sát viên K33. Ba năm trước,
khi Tiểu đoàn vượt biên giới sang đất Chùa tháp bao vây Phnompenh, anh ta được giữ lại chờ đón hoả lực
mới từ Bắc vào. Tôi thông báo tình hình anh Thước còn sống, và được trao trả
trên sân bay Lộc ninh. Anh ta mừng quýnh, rồi dẫn tôi đi xem 4 khẩu Đại pháo
130 ly sáng bóng mắc sẵn trong 4 cái xe xích sắt to đùng do anh ta chỉ huy. Xin
lỗi. Mắt thấy, tay sờ, tôi lại nghĩ đến chuyện Lệ thanh Tây
nguyên (1967) món nợ cũ chưa trả thù. Chỉ tiếc cái đám mũi lõ, tóc quăn phang
chúng tôi hồi ấy đã biến hết rồi. Có lý thôi: “Cái đám ấy” có biến thì loại vũ
khí cơ giới nặng nề thế này mới vào sâu trong nam được!
Từ đây, chúng tôi, những lính chiến "Công
trường" mới chính thức được mang danh Sư đoàn, hành quân giữa ban ngày
dưới bầu trời đầy hoa pháo của cao xạ 37 ly ta bám quanh máy bay địch. Cảnh này…
trước đây chưa thấy bao giờ. Có ai hiểu được sự vững tin ấm lên từng ngày,
trong lòng những người lính (trước 73) không?
Lưu ý các bạn! Đối thủ chính đến giờ không
còn là Mỹ. Việc chuyển giao các thế hệ vũ khí đặc chủng cho Quân Ngụy cũng
chỉ diễn ra từ từ và có chọn lọc. C130 cải tiến phải làm thay nhiệm vụ ném bom
chiến lược của B52. Và A37, AD6, F5, F16 thay dần các loại F105, F4A vv....Trực
thăng trinh sát “Óc nóc” nhỏ xíu (tôi không nhớ tên), linh hoạt, ẩn hiện như
Yêu quái vắng đâu mất tăm. Còn nữa, lũ “Đầu ngựa bay”, Trực thăng "Cá
lẹp" kẹp 2 giàn "Rocket" bên sườn đáng ghét ấy cút hết cả rồi.
Những tốp trực thăng vũ trang HU1A, 1B còn lại lúc này không đủ bản lĩnh để
tiến sâu lên vùng giải phóng. Trinh sát "Đầm già" L19 nhỏ tít trên
cao. Cần cẩu “Quan tài” hai chong chóng, mỗi lần lên, xuống đỉnh núi Bà (Tây ninh) tiếp tế,
phải mất công tung nhiều “Trái nhiệt” liên tục từ mây xanh. Lính Mỹ rút đi bao
nhiêu thì quân đội VNCH bộc lộ yếu kém bấy nhiêu. Và cũng từ sau thảm bại của
chiến dịch Lam sơn 719 ra đường 9 nam Lào và cuộc hành quân Snul, suong, chup,
Đam be…sang Campuchia là địch co cụm lại “Kiên cố hoá cứ điểm” rất khó công
kiên. Hành quân giã ngoại của địch lúc này phần nhiều chỉ mang tính hình thức,
cầm chừng cho có tiếng súng rồi thu mình về giữ “Tổ kén” (Hai cuộc hành quân của QĐVNCH tại Củ chi nói trên
minh chứng điều ấy). Phải chăng ít nhiều Binh
lính địch đã hiểu được ý đồ của người Mỹ, muốn chấm dứt đối đầu với cuộc chiến
phi nghĩa này?
Vùng giải phóng nối liền, rộng, dài
suốt dọc biên giới Việt, Miên với các cửa khẩu Bầu Hàm, Samat, Thiện ngôn...
mua bán tấp nập. Ngoài thuốc kháng sinh và nhu yếu phẩm thông thường, người ta
có thể hỏi mua cả những hàng cấm như Chiến xa, thiết giáp, bom đạn hoặc máy
bay quân sự.
Cũng từ sau hiệp định pari, Lính miền
đông chúng tôi mới có thời gian thay nhau đi luyện chỉ huy bắn, nâng cao trình
độ tác chiến. Nhân đây cũng cần nói để các bạn được biết. Suốt mười năm chiến
đấu chúng tôi phải sử dụng Logarit cùng các góc đo hình học để tính toán xác
định tọa độ, chứ không có hệ thống định vị JPS như các bạn bây giờ. Hơn nữa
việc đo đạc diễn ra trong lúc dưới đất, biệt kích địch lăm lăm cây súng trên
tay lùng sục gắt gao, trên đầu là máy bay trinh sát tối tân, do thám căng
ngang, cắt dọc thường xuyên nhòm ngó. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn tính toán chính
xác đến từng tọa độ cung cấp kịp thời cho chiến trường.
Đầu năm 75 một trận hiệp đồng binh
chủng có bài bản đã diễn ra. Quân giải phóng đã tràn ngập Thị xã Phước long.
Chỉ còn 32 lính "Biệt động quân” địch trốn thoát, cắt rừng từ đỉnh "Bà
rá" về Sài gòn. Sự phản ứng tái chiếm hầu như không có. Đài Sài gòn rùm
beng ca ngợi 32 người này chưa rõ để làm gì, hờn Mỹ hay khủng bố tinh thần chế
độ Sài gòn? Lực lượng địch không còn sức hành quân nữa rồi, và sự ra đi của chế
độ VNCH" là điều chắc chắn. Chỉ có cái không ngờ là "nhanh" như
các bạn đã thấy đó thôi.
Nhưng cũng đừng tưởng là không còn ác
liệt đâu nhé! Ngọn đèn sắp hết dầu
thường loé lên trước khi tắt. Với mệnh lệnh “Tử thủ”, Địch vừa cầm cự vừa lớn
tiếng vòi Mỹ tiếp thêm “Viện trợ” hoặc quay trở lại. Vũ khí Mỹ để lại cho VNCH
không phải ít, chúng tôi nằm mơ cũng chẳng thấy. Nhưng khi đã mất lòng tin,
tinh thần hoảng loạn thì trang bị mạnh cũng chẳng để làm gì. Nếu "VC"
chúng tôi cũng đủ trang bị như họ thì..."chỉ cần Rung cây doạ Khỉ"
cũng thắng rồi (Tư Sơn (Tư Cao),
Chủ nhiệm Trinh sát Sư đoàn tôi nói vui như vậy(1974).
Đầu tháng 4/1975, Sư đoàn 9 hai lần công kiên Chơn thành (QL13) không
nổi, bởi công sự địch quá kiên cố? Có tin Chiến đoàn đặc nhiệm 322 ... của địch
ngược lộ 13 lên "tiếp viện" đã tới Bàu lòng từ hồi chiều.. Trước
đấy, địch chỉ bật máy trao đổi vài câu ký hiệu gì đó với nhau rồi tắt lịm.
Ta không dịch được bí mật ấy nên "đột ngột" ngưng bắn, bỏ “Công
kiên” sang phương án “Vây điểm, diệt viện”. Hoàng hôn đang ì ầm tiếng
pháo ta, bỗng chìm dần vào màn đêm tĩnh mịch…
… Lính Đặc nhiệm mò trên quốc lộ 13 tối om, họ sợ từng gốc cây, bụi
cỏ ven đường có thể bất thần hóa thành người xông lên, xả đạn. Thần hồn
nát thần tính, chỉ huy Chiến đoàn bật máy hỏi Tư lệnh vùng đúng một câu tiếng
việt: Trình Tư lệnh, giờ vẫn chưa thấy nó, không lẽ tôi phải mang cáng đến nữa
sao? Rồi tắt máy tức thì. Cậu Thế (trinh sát viên ta) suốt 2 giờ qua kiên
trì rà soát, không tìm thấy một làn sóng địch nào hoạt động, được tin đó, thì mừng quýnh, vừa
chạy vừa hô to liên mồm: "Chơn thành" chạy rồi, thủ trưởng ơi!...
rồi anh ta nhảy thẳng từ trên cao xuống Chỉ huy sở hổn hển báo cáo. Liền sau đó,
Chiếc loa tăng âm bỗng vang lên tiếng súng nổ cùng giọng nói Tư Sơn: Tôi đã
tới Đài, tụi nó bỏ Điểm chạy rồi! Nó chạy qua! Tôi đánh đây...! miệng nói, tay
anh ta xiết cò. Tiếng nổ như muốn vỡ tung máy tăng âm. Ba Hồng lệnh: Để anh em
đánh, Anh quay về ngay! Về ngay!.. Ông quay sang trao đổi vài câu gì đó với
các sỹ quan tác chiến kế bên. Chưa đầy nửa phút, Ông dõng dạc từng khẩu
lệnh: Các trung đoàn nghe lệnh mới nhất! Địch đã bỏ chạy! Các đồng chí bật
khỏi công sự, truy quét tàn quân ngay! Ông lặp lại như hét lên: truy quét tàn
quân! không để chúng thoát khi còn vũ khí trên tay!.. Một lúc sau, các đầu
dây chen nhau báo cáo đã bắt kịp và bắt đầu công kích...
... Thực ra, Thiết kỵ lên chỉ làm "Vệ binh" đón Chơn thành
đang bí mật rút. Ta ngưng bắn đột ngột tuy là để chuyển đổi cách đánh nhưng
với địch thì như rung cây dọa khỉ. Vì hoảng loạn, bật máy sai quy ước, rối
loạn đội hình bỏ chạy tán loạn. Nghĩ ra, Họ hoảng cũng đúng thôi! Đang khơi
khơi trên lộ, không một hố che thân, chậm chút xíu nữa, sẽ lãnh đủ tất cả.
Có thể tan tác, không còn mảnh giáp để quay về.
Tháp tùng anh Bảy trực chỉ huy
pháo binh, tôi hiểu đã đến lúc mình hết việc làm, bởi bộ binh hai bên quyện
vào nhau, thì Pháo nào cũng đành bó tay thôi! Chơn thành, Bàu lòng, Bến cát
xuôi quốc lộ 13, sát nách Sài gòn lắm rồi. Trộm nghĩ; Cứ đà này, chẳng mấy
chốc Sài gòn sẽ nát bét trong chảo lửa của Pháo binh "VC". Thật may! vào giờ phút trót, không xảy ra điều
đó.
Chúng tôi nhường lại vùng
Bến cát QL13 cho lớp trẻ 341 mới từ Bắc vào để vòng sang hướng tây nam QL4
tiến vào thành phố. Khí thế đang cuồn cuộn dâng cao thì đột nhiên tôi
không thể bám theo đồng đội được nữa...Hãy bấm vào đây để xem > Anh chàng có dáng vóc người Pháp này đưa tôi vào rừng
Trước mắt tôi, trời tối sầm. Mấy
cái áo Blu trắng lờ mờ, không đầu, không tay chân cứ lượn lờ như Ma trơi trước
mặt...
… Khi tỉnh lại, tôi vẫn phấp phỏng lo âu:
liệu Mỹ có quay trở lại?.. Quân ta vẫn tiến như cuồng phong, bão táp, vừa
nghe tới Chi khu Hậu nghĩa, đã thấy ở Ngã tư Bảy Hiền... Đăm đắm
nhìn vùng sáng xa xa, tôi thầm tiếc cho mình không thể tiến lên được nữa.
... Có tiếng hét như lốc xoáy nhổ cây rừng: 'Toàn thắng
rồi", mở đài đi…. Tất cả các Radio transito bật mở....Nín thở nghe tin
Tổng thống mới nhậm chức Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.... Vừa
dứt! chúng tôi ôm chầm lấy nhau nghẹn ngào nói không thành lời... Trời ơi!...mười năm, hơn ba ngàn sáu trăm ngày vẫn
nguyên vẹn, Vậy mà chỉ còn 26 ngày nữa, sao Ông Trời không để tôi lành lặn, hiên ngang
bước giữa Sài gòn, cái thành phố mà 7 năm về trước (Mậu thân 1968), đồng đội tôi vào rồi... đợi mãi không ra.
… Thế là khói lửa tan rồi. Con sông quê sẽ xanh trong
trở lại. Đàn chim tan tác lại ríu rít gọi bầy... Những dũng sỹ sạm khói bom
năm nào lại bình dị trở về nơi thôn trang, phố thị dựng lại căn nhà xiêu, chống
lại dốt, nát, đói, nghèo... Mẹ già tần tảo sớm chiều... lại thêm nhiều nước
mắt, mỏi mòn ngóng nơi chân trời xa thẳm, những đứa con đi mãi không về.
Đồng đội tôi ơi! Dù còn nằm nơi đâu, hãy theo gió, vờn mây, đêm đêm tìm về thì
thầm bên nén nhang cùng Mẹ nhá!.