Thứ Hai, 3 tháng 11, 2014

Mạn phép các bậc tiền bối! Có lẽ danh hiệu đoàn pháo binh Biên hòa khởi đầu bằng những loạt đại bác bắn phá dữ dội căn cứ không quân Biên Hòa năm 1964, gây cho đối phương những thiệt hại nặng nề?
 Chiến công ấy đã vào huyền thoại. Nhưng hai năm một lần, chúng tôi tụ hội, gặp nhau để nhắc lại chiến công xưa. Những năm tháng khói lửa mịt mùng, cận kề cái chết.  Động viên nhau: Còn sống đến giờ là hạnh phúc  tràn trề. Nhớ đồng đội hy sinh ngày đó. Họ có biết chúng tôi cụng ly không nhỉ?
Sau mỗi lần gặp, lại thấy số lượng vơi dần đi. Lẽ thường sinh tử mà. Nhưng vui lắm.

Ghi nhanh một số hình ảnh, gửi các đồng chí làm kỷ niệm:
1* Kỷ niệm 50 năm ngày bắn phá căn cứ không quân Biên Hòa.  Bấm vào Đây  để xem
2* Xin bấm vào Đây,  để tặng chị em đoàn ca múa Hoa Sen nào.

Thứ Bảy, 11 tháng 10, 2014

Từ 04 đến 07/10/2014, Đức Long vào dải đất miền trung viếng mộ Đại Tướng của chúng mình, Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang đường 9, Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, Mười bông hoa bất tử ở Ngã ba Đồng Lộc. Lúc thắp hương Đại Tướng mình bật khóc. Chia sẻ cùng anh em một số VIDEO kỷ niệm chuyến đi dưới đây. Mời đồng đội cùng xem. Hãy bấm lần lượt vào đây : (1)  ... (2) ... (3) ... (4) ... (5)
Đồng thời cũng chia vui với tin Đồng đội Đức bảo vừa đăng trên Facebook về buổi gặp mặt của các cụ Sỹ quan Pháo binh Biên Hòa thời còn đối đầu với quân lực Hoa kỳ.

Thứ Ba, 22 tháng 7, 2014

Đồng đội E42 Chia Lửa thời chiến, chia vui thời bình

Đồng chí Long gửi lời cảm ơn đồng đội E42 pháo binh đông nam bộ đã đến chia vui cùng gia đình và giúp hoàn chỉnh Video này. Xin bấm vào Đây để xem.

Thứ Sáu, 18 tháng 7, 2014

40 năm truyền thống Quân đoàn 4, đông nam bộ

Về dự buổi gặp mặt đại diện CCB khu vực phía bắc, nhân 40 năm truyền thống Quân đoàn 4, đồng đội tôi kháo nhau rằng: Ngay từ khi thai nghén, QĐ4 đã anh hùng rồi... Cái bào thai ấy đã kết tụ 3 sư đoàn chủ lực mang tên Công trường 5, CT7, CT9 và đoàn pháo binh Biên hòa, trong những năm tháng đối đầu khốc liệt với quân lực Hoa Kỳ, trên chiến trường miền đông nam bộ, thời kháng chiến gian lao và anh dũng.
Xin nhìn kỹ những gương mặt già nua này đây, xem đồng đội còn nhận ra ai. Rất nhiều trong số họ đã xuất hiện trên chiến trường đồng thời cùng lúc Quân đội Mỹ ào ạt đổ bộ vào miền nam thân yêu. Họ, đã đổ biết bao mồ hôi xương máu, mất mát biết bao đồng đội thân yêu, để tiến vào Sài gòn ào ào như vũ bão. Nước nhà độc lập, non sông gom về một mối. Hòa bình nở tươi trên những khuôn mặt quê nhà. Họ lại ra đi lần nữa để cứu "Bạn" thoát khỏi họa diệt chủng. Đã 40 năm rồi ư?... Tuổi già ập đến, chân đã chậm, mắt đã mờ, nhưng chúng tôi (những cựu chiến binh Trung đoàn 42 pháo binh, Sư đoàn 9) vẫn dõi theo Quân đoàn mình với những thành tích hiện đại hóa huấn luyện, sẵn sằng chiến đấu. Mong sao, trẻ hơn già nhà có phúc, các bạn trẻ sẽ hiện đại hóa những chiêu thức đánh giặc giữ nước truyền thống của cha ông ta thuở trước. Mơ có một ngày, những con Dúi máy gắn định vị giúp các chiến sỹ đồi A1, Những thiết bị thở giúp mỗi chiến sỹ Hải quân lặn giỏi như Yết Kiêu, Những thiết bị nhỏ giúp chiến sỹ không quân phản vệ tức thì ngay khi bị cắn đuôi. Và hơn tất cả, mơ một bản lĩnh hiện đại bất ngờ không dễ gì bắt nạt. Chúc đồng đội, trẻ già đều vui khỏe nhân buổi gặp mặt đầy ý nghĩa này. Các đồng chí bầm vào    Đây   để xem nhanh một số hình ảnh của ngày họp mặt.

Thứ Hai, 2 tháng 6, 2014

Nhanh thế! Mới hồi nào đã hơn ba năm trôi qua rồi. Ta ôn lại những hình ảnh này một chút để chuẩn bị cho 45 năm sắp đến nhé. Cầu mong mọi người còn đủ cả. Cựu chiến binh Trung đoàn 42 Pháo binh Đông nam bộ, nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập. Gặp mặt tại Trấn Vũ Ba Đình Hà Nội.
   Hãy bấm vào Đây để xem lại đồng đội ơi! Vào đây

Thứ Hai, 26 tháng 5, 2014

Về việc dự buổi gặp mặt truyền thống Quân đoàn 4



Quân đoàn 4 chuẩn bị tổ chức:

 “GẶP MẶT KỶ NIỆM 40 NĂM THÀNH LẬP QUÂN ĐOÀN 4”
CCB Trung đoàn 42 sẽ tham dự trong đội hình Sư đoàn 9.

BLL CCB E42 xin thông báo:

  1. Các đồng chí muốn tham dự đăng ký với đồng chí
    Nguyễn Đức Bảo ĐT: 0982 303 118 trước ngày 31/5/2014
  2. Thời gian và địa điểm buổi gặp mặt sẽ được thông báo qua điện thoại và trang web của đơn vị, ngay khi được BTC quyết định.
  3.  Kinh phí dự kiến 100 000 đ/người (tiền ăn bữa trưa)
  4. Thông tin đến các CCB khác cùng biết

Hà Nội ngày 25 tháng 5 năm 2014
T/M BLL CCB TRUNG ĐOÀN 42 PHÁO BINH
Trưởng ban
Nguyễn Đức Bảo

Thứ Tư, 12 tháng 3, 2014

12.Hồ Chí Minh, niềm tin vui trở lại ... (Đức Long)

12.Hồ Chí Minh, niềm tin vui trở lại ...
(Bài viết nhân dịp sống, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người)

Trong hội thi báo cáo viên giỏi, Nhân thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" năm 2007 của Chi nhánh NHNo&PTNT Thăng long. Một thí sinh gái, nhỏ tuổi nhất hội thi đã gợi nhớ cho tôi một câu chuyện tuy xưa nhưng day dứt lòng người: Năm ấy, giặc Mỹ đánh phá Hà nội ác liệt lắm. Mùa nước nổi, sông Hồng vượt bờ quai, trên mức báo động 3. Chỉ một quả bom thù trúng đê, thì cả Hà nội sẽ chìm trong biển nước. Các đ/c Trung ương khuyên Bác đi sơ tán, bởi Chủ tịch phủ chỉ cách một con sóng Tây hồ là tới mép nước bờ đê. Bác trả lời: Tôi không bỏ Dân đâu!...
Người không bỏ Dân, sao dân nỡ bỏ người. Dân nguyện cùng Người … Kết thúc bài thi, rất tự nhiên, Bé cất lời ca nho nhỏ. Đôi mắt bé dần đỏ hoe theo lời ca mỗi lúc mỗi rõ ràng hơn: Chuyện kể rằng trước lúc người đi xa…Bác muốn nghe một câu hò… Khi Bé ra đời, Bác Hồ chỉ còn trên sách vở, vậy mà khi cất lời ca: Người nghe có cảm giác, y như "em gái nhỏ năm ấy” bước vào căn phòng nức nở ca, nuốt từng "lời Bác dặn trước lúc đi xa". Bé ơi! Phải chăng niềm tin mang sức thần cảm hoá, hay Bác đang về trong mỗi trái tim ta..? Cả hội trường lặng đi vì xúc động ... Không chỉ tôi mà nhiều người trong khán phòng hôm ấy đã rơi lệ.
Nhớ thời còn đánh giặc, khi Thủ đô mới giải phóng, tôi mới lên 7 tuổi, và cũng từ đó, nghe nói có một "Bác Hồ" được mọi người tin yêu. Thế rồi, cứ vào mỗi đêm mùng một tháng 9 hàng năm, ngó trước, nhìn sau... trộm viên gạch chân tường Văn miếu, chen chúc cùng bạn bè giữ chỗ, tranh nhau canh những viên gạch cho tới sáng để ước gì: trong đoàn quân duyệt binh rầm rập, đều tăm tắp sáng mai có Bác Hồ đi qua…
 Những năm ấy, cứ đến giờ khắc giao thừa, dòng người đón xuân quanh Hồ gươm đông như kiến hội, bỗng dừng lại, im phăng phắc, lắng tai... tiếng loa trên cây vọng từng lới chúc ấm áp của Người, như thể đón nhận không gian mới đầy hạnh phúc tràn về.
Giờ phút thiêng liêng ấy, tôi áp tai bên ống nghe "Ga len" (một loại thiết bị cổ, tự chế để nghe Radio thời đó), nuốt từng lời chúc của Người như uống từng dòng sữa Mẹ. "Miền nam là máu của máu Việt nam, là thịt của thịt Việt nam, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi..."
Dời ghế trường cấp III Nguyễn Huệ (Hà đông), anh em tôi mang dòng sữa ấy vào chiến trường khói lửa, thắng không kiêu, bại không nản, quyết xả thân vì non sông đất nước, theo lời Bác dạy kính yêu.
Sau ba đợt tấn công của chiến dịch Mậu thân 68, không chiếm được Sài gòn. Đầu 69, Địch phản công lại dữ dội. Hầu hết đồng bào ta bị gom vào Ấp chiến lược. Các đơn vị chủ lực lớn của ta bị đẩy lên sát rừng biên giới Việt Miên. Số ở lại chỉ là rất ít cấp tiểu đoàn hoặc đại đội độc lập, cùng du kính quân ẩn náu trong dân hoặc rừng ven đô bí mật bất ngờ đánh nhỏ lẻ. Cuối năm 69, các ngả đường tiếp tế từ biên giới Bù đốp , Bù đăng xuống Đồng xoài, Phước Vĩnh chúng tôi bị Biệt kích Mỹ phong tỏa hoàn toàn. Trong lúc Địch tìm diệt ráo riết thì cái đói khủng khiếp lại ập đến. Một lần trinh sát phước Vĩnh quay về, chúng tôi gần như ngất xỉu, khi nghe tin "Bác" đã đi xa. Tôi ngả mình dài trên một thân cây đổ, buông cây súng vô hồn, thẫn thờ bâng quơ nhìn trời xanh, mấy cành cây xơ xác lá, ngẩn ngơ như mất đi thứ gì quý giá nhất trên đời. Dưới cái nắng nung người, nồng nặc mùi lá khô vì chất độc diệt cỏ càng làm cho nỗi buồn thêm tê tái. Thiếu cơm, đói muối lâu ngày, gối chân rã rời. Mặc cho cây súng trượt sõng soài dưới đất, tôi buột miệng kêu: Mẹ ơi!.... Nghĩ đến, Miền Bắc quê tôi! đã xa, càng xa vời vợi. Tự hỏi lòng rằng ngày về còn nữa không em? Chợt nhận ra tiếng than ấy có thể làm đột quỵ anh em, tôi vội lảng sang chuyện khác. Hỏi "Củ" luộc có còn không?. Tớ đói quá…
... Chuyện buồn mãi, cho đến một ngày… Lễ tang Bác được cử hành trọng thể tại Hà nội. Chiến khu "Đ" cùng cả nước nín thở lắng nghe Di chúc của "Người", do Tổng bí thư Lê Duẩn nghẹn ngào lời điếu văn tiễn biệt. Một tia sáng, dù chỉ rất nhỏ nhoi, thấp thoáng xuất hiện cuối "đường hầm 69". Chúng tôi chợt nhận ra. Thì ra, Bác đã đi xa, nhưng Đạo đức trong sáng, ý chí và nghị lực của Người vẫn còn nguyên đây đó. Quan trọng hơn là điều ấy đã thật sự thấm sâu vào từng con tim, khối óc của từng đồng chí trong BCH Trung ương lúc bấy giờ, củng cố lại niềm tin "Tất thắng" cho toàn thể quân và dân hai miền Nam, Bắc quyết chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, dành độc lập, tự do. Vâng! Những cơn sốt rét thâm môi, tím mắt, cái đói cồn cào quặn thắt từng cơn, cái chết chỉ cách nửa sợi tóc kề bên. Còn nữa, với sự cám dỗ vật chất của kẻ thù vẫn mời mọc từng đêm. Chúng tôi quyết không đảo ngũ,"Chiêu hồi", đầu hàng hay phản bội. Chúng tôi tiếp tục đánh và đánh còn hay hơn trước... Ấy...Chính là đức tin vào con Người Việt nam trong sáng ấy! Sự trong sáng của Người khiến những người “có học” ở phía bên kia chiến tuyến cũng phải nghiêng mình bái biệt. Suốt ngày tang lễ, không một tiếng súng nào của địch bắn qua.
 Đức tin ấy là điểm tựa vững chắc nhất giúp chúng tôi giành lại từng thế chủ động trên chiến trường Đông nam bộ lúc bấy giờ. Thế rồi ngày 30 tháng 4 năm 75, đời việc gì đến đã đến. Ước vọng và lời chúc của Người thành hiện thực, Bác ơi!...Cả nước như trẻ thơ, vui, hò, reo ngập tràn đại thắng. Sài gòn tưởng như Bác tiến về cùng những canh quân ta.
 ...Hoà bình lập lại, giang sơn gấm vóc ta đã gom về một mối. Noi gương "Người", cả nước quyết xây dựng một con "Rồng" Việt nam mới. Chỉ hơi tiếc rằng, có một thời... mình quá say "Cộng trạng"...mà sao lãng lời dạy của Người, coi nhẹ lợi ích "trồng người". Để những bóng ma "Bá Kiến, Chí phèo" lại chập chờn quay về nhạo báng cảnh trái ngang.

...Giờ đây, xem lại những thước phim đẫm lệ lễ tang Người, tôi bồi hồi, xúc động, không chỉ muốn khóc mà còn muốn ước... Nếu được ước thì: ước gì non sông bất khuất VN ta lại sớm sinh ra một người con đức, tài như thế, một BCHTW như thế, để hàn vá lại nóc nhà truyền thống đạo đức, để lấy lại niềm tin "nói và làm" như thế. Và ước gì cái đó lại thấm sâu vào từng con tim, khối óc của mỗi chúng ta như thuở nào Bác mới "đi xa". Thế thì "bầy sâu" còn đâu nơi ẩn náu. Cuộc mưu sinh đâu còn tới độ nhọc nhằn thâu đêm nơi góc chợ, mom sông. Những thế lực "cơ hội" đâu còn nơi chọc ngoáy khối đại đoàn kết dân mình.
Có một thời ta đã sống như Người. Đến nay, tại sao ta không thể làm như Người, để tình đồng chí, nghĩa "Đồng bào" lại mặn nồng như Bác thuở nào vẫn sống ở trong ta?
Vẫn biết rằng, tạo hóa sinh ra loài người với trí thông minh càng tuyệt vời bao nhiêu thì lòng tham càng "vô đáy" bấy nhiêu. Thế gian này biết bao những Thánh nhân cả đời dày công tìm tòi cái gọi là để "tiết chế" lòng tham vô đáy ấy. Nhưng xem ra còn nhiều điều phải bàn lắm...
 Lòng yêu nước thương dân và Tấm gương đạo đức trong sáng của Người, phải chăng cũng là "một lời giải" cho bài toán cực khó ấy? nếu Được vậy thì quý biết bao. Dân giàu, nước mạnh... ngoại xâm vắng bóng. Tổ quốc vững bền, hòa bình muôn đời mãi mãi Việt nam ta./.
Vui cùng Xuân Giáp Ngọ. Bấm vào đây Xuân tặng Anh 2014 để chúc nhau nào đồng đội ơi: